TPHCM – Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết thành phố loay hoay 16 năm để làm gần 20 km Metro số 1. Nếu vẫn làm theo cách này thì 200 km còn lại sẽ cần 50-70 năm, thậm chí 100 năm, đây là việc không thể chấp nhận.
Ngày 15.12, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã chủ trì phiên họp của Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết số 98 của Quốc hội. Trong đó, việc làm sao để hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị TPHCM đến năm 2035 theo Kết luận 49-KL/TW của Bộ Chính trị là một trong những nội dung trọng tâm.
Theo ông Phan Văn Mãi, trong quy hoạch, TPHCM có 8 tuyến metro và ba tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray với tổng chiều dài 220km, tổng mức đầu tư gần 26 tỉ USD.
Tuy nhiên, chỉ riêng tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) từ khâu chuẩn bị đến giờ đã 16 năm. “Chúng ta loay hoay để làm gần 20 km đường sắt đô thị. Nếu làm theo cách này, tiếp tục vay vốn ODA, chuẩn bị cần 5-7 năm, xây dựng cũng 5-7 năm thì 200 km còn lại có lẽ cần 50-70 năm, thậm chí 100 năm. Đó là việc không thể chấp nhận” – ông Phan Văn Mãi bày tỏ.
Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nêu rõ mục tiêu hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại TPHCM vào năm 2035. Đây là cơ sở chính trị quan trọng để TPHCM đề xuất các cơ chế mới.
Theo đó, các đoạn, tuyến còn lại của hệ thống đường sắt đô thị trên địa bàn có thể làm trước, có thể làm sau nhưng phải cùng nằm trong một đề án, áp dụng một cơ chế, chính sách. Dự kiến, đề án tổng thể phát triển đường sắt đô thị TPHCM sẽ hoàn thiện trong năm nay để trình Thành ủy, HĐND TPHCM trong năm sau, trước khi báo cáo Bộ Chính trị.
“Dự kiến, đề án sẽ được báo cáo Bộ Chính trị trong tháng 2 hoặc tháng 3.2024. Sau đó, các cơ quan sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét, đưa vào chương trình nghị sự tại kỳ họp giữa năm 2024” – ông Phan Văn Mãi nói.
Nhận định việc TPHCM phải hoàn thành toàn bộ mạng lưới đường sắt đô thị còn lại (khoảng 200 km) trong 12 năm là một thách thức rất lớn, ông Phan Văn Mãi cho rằng cần có cơ chế, chính sách để huy động nguồn vốn đủ lớn.
“Metro số 1 chúng ta cần 9 năm chuẩn bị dự án. Do đó, các dự án sau này cần rút ngắn lại xuống còn 3-5 năm chuẩn bị và 3-5 năm triển khai” – ông Phan Văn Mãi bày tỏ.
Ngoài ra, việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại TPHCM cần gắn với phát triển ngành đường sắt đô thị. “Chúng ta cần phát triển ngành đường sắt đô thị chứ không chỉ thuê mua thiết bị, công nghệ nước ngoài để làm một dự án rồi sau đó tiếp tục phải thuê mua” – Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh.
Trước đó, phát biểu kết luận tại phiên họp của Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội tổ chức tại TPHCM vào ngày 26.11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đồng tình với việc xây dựng đề án tổng thể phát triển đường sắt đô thị TPHCM, trên cơ sở đó huy động nguồn vốn lớn để hoàn thiện, chứ không làm lặt vặt từng dự án nhỏ lẻ. Đề án tổng thể sẽ giúp rút ngắn quy trình, bớt lãng phí thời gian, thủ tục hành chính.
Thủ tướng chia sẻ trong buổi gặp gỡ Chủ tịch Ngân hàng Thế giới mới đây, 2 bên đã thống nhất phương pháp này để xoay chuyển tình thế. “Như 200 km đường sắt đô thị của TPHCM, nếu làm từng đoạn, tuyến vừa mất thời gian thủ tục hành chính, vừa không có bài toán tổng thể, xuyên suốt” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Hiện TPHCM đang triển khai 2 tuyến metro từ vốn vay ODA. Cụ thể, dự án Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) có tổng mức đầu tư 43.757 tỉ đồng, trong đó vốn vay ODA của JICA là 38.265 tỉ đồng, vốn đối ứng 5.492 tỉ đồng. Tổng mức đầu tư tuyến Metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) là 47.891 tỉ đồng, trong đó vốn ODA là 37.487 tỉ đồng từ các nhà tài trợ gồm Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW) và Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB), vốn đối ứng là 10.404 tỉ đồng.
Dự án Metro số 5 – giai đoạn 1 (ngã tư Bảy Hiền – cầu Sài Gòn) hơn 38.700 tỉ đồng dự kiến cũng được đầu tư từ nguồn vốn vay ODA của ADB, KFW, EIB và chính phủ Tây Ban Nha (khoảng 28.000 tỉ đồng), còn lại là vốn đối ứng của TPHCM. Tuyến này đang thực hiện các thủ tục xin chủ trương đầu tư.
Như vậy còn 5 dự án metro với nhu cầu vốn đầu tư khoảng 180.000 tỉ đồng cần triển khai từ nay đến năm 2035.