Vận mệnh của một cá nhân được quyết định bởi nhiều yếu tố khác nhau. Song, trên thực tế những thói quen hằng ngày cũng có tác động không nhỏ, ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh, khí chất đến chất lượng công việc,… của bạn, từ đó có khả năng chi phối tương lai.
Dưới đây là 3 kiểu hành vi mà nhiều người vẫn thường mắc phải hằng ngày, thậm chí trở thành thói quen có tác động không tốt. “Dù biết nó có hại nhưng tôi vẫn làm trong vô thức hoặc vì đã quá quen thuộc nên khó bỏ”, một netizen chia sẻ.
Ngồi rung chân
Ở một số gia đình châu Á, cha mẹ dặn con cái không được rung chân vì điều này đồng nghĩa rũ bỏ vận may. Tất nhiên, đây chỉ là quan điểm mê tín. Theo góc nhìn của Nhân tướng học, rung chân là một biểu hiện của tướng phá tài. Bởi thế, người xưa mới có câu: “Cây rung lá rụng, người rung phúc bạc” ý chỉ cuộc đời những người có thói quen rung chân sẽ lận đận, nghèo khổ. Tuy nhiên, nhận định này cũng không hoàn toàn chính xác, chưa được kiểm chứng.
Song, trên thực tế, một điều dễ dàng nhận thấy là những người có thói quen ngồi rung chân thường không tạo được ấn tượng tốt với đối phương. Hãy thử tượng tưởng trong một buổi phỏng vấn, ứng viên ngồi trước mặt nhà tuyển dụng và liên tục rung chân, tại buổi hẹn hò đầu tiên, cô gái liên tục lặp lại hành vi rung đùi,… điều này sẽ khiến đối phương cảm thấy khó chịu.
Nhiều người còn cho rằng đây là thói quen thể hiện việc bạn luôn cảm thấy bất an, không kiên định, là người không đáng tin tưởng.
“Kể cả những người không quen biết, khi nhìn thấy họ ngồi rung chân, tôi liền có cái nhìn xấu đi về họ”, một netizen bình luận. Một nhà tuyển dụng chia sẻ trên Sina: “Ứng viên đó có lý lịch khá ổn nhưng hôm đó anh ta liên tục rung chân, đến mức phát ra tiếng động, điều này khiến tôi nghĩ ngay đến việc loại anh ta”. Thế nên, thói quen này ảnh hưởng đến giao tiếp giữa các cá nhân và sự phát triển nghề nghiệp của bạn.
Chưa dừng lại ở đó, thói quen rung chân tồn tại ở không ít người với tần suất từ thỉnh thoảng đến thường xuyên. Điều này còn là dấu hiệu cảnh báo nhiều chứng bệnh dưới góc độ khoa học, như rối loạn thần kinh, tăng động kém tập trung, chân không yên,…
Ngoài ra, việc bạn đặt chân này lên chân kia và rung lắc trong một thời gian dài, sẽ dễ dàng khiến cho việc lưu thông máu bị kém, ứ tắc từ đó gây ra chứng giãn tĩnh mạch, không tốt cho khớp.
Đi, đứng, ngồi khom lưng, không thẳng lưng
Giữ thẳng lưng không chỉ giúp bạn có tư thế đẹp hơn trước mắt người nhìn mà còn có ảnh hưởng ít nhiều đến công việc, các mối quan hệ từ đó ảnh hưởng đến chất lượng sống của bạn.
Theo Amy Cuddy, nhà tâm lý học xã hội tại Đại học Harvard ngôn ngữ cơ thể không chỉ tác động đến cách người khác nhìn chúng ta mà cũng đổi cách chúng ta nhìn nhận bản thân và tác động lên tâm trí chúng ta. Rõ ràng, một tư thế chuẩn, đặc biệt là trước đám đông khi đang trình bày, phỏng vấn,… thể hiện phong thái tự tin, mạnh mẽ của một người từ đó cải thiện cái nhìn tích cực của người khác đối với bạn.
Ngược lại, khi bạn khom lưng, cúi đầu cũng phần nào thể hiện tâm lý lo âu, kém tự tin. Một tư thế thõng vai xuống, khom lưng cũng ảnh hưởng đến mức năng lượng trong cơ thể, khiến vẻ ngoài của bạn trông mệt mỏi, tiều tụy đi.
Ngoài ra, một tư thế đẹp cũng giúp bạn trông thu hút hơn giữa đám đông, mở ra cho bạn nhiều cơ hội hơn.
Nếu giữ tư thế đi, đứng, ngồi hoặc nằm không đúng trong một thời gian dài cũng dễ dàng ảnh hưởng đến sức khỏe. Việc ngồi gù lưng tăng thêm áp lực cho cột sống. Nghĩa là hệ xương, cơ, khớp của bạn phải “căng mình” ra giữ cho xương cột sống yên vị tại chỗ.
Đây là điều mà nhiều người đã biết, song, không phải ai cũng dễ dàng thực hiện hay duy trì việc giữ thẳng lưng thành thói quen. Đặc biệt là với những người làm công việc văn phòng, phải ngồi máy tính nhiều,… Chúng ta đều ý thức được một phần tư thế sai của mình, nhưng sửa thì không hề dễ dàng.
Hay thở dài
“Bạn tôi thường thở dài như một thói quen và trông nó suy tư, lo âu hơn”, một netizen chia sẻ. Theo, QQ thở dài không chỉ biểu hiện mệt mỏi, bực tức mà còn là phản xạ trong vô thức của nhiều người, biểu hiện cho việc nội tâm đang cảm thấy tiêu cực, khó chịu. Ngoài ra, thở dài cũng sẽ làm cạn kiệt sức sống của cơ thể con người, mỗi tiếng thở dài sẽ khiến bạn thiếu tự tin hơn.
Hơn nữa, nếu bạn liên tục thở dài cũng sẽ khiến những người xung quanh cảm thấy khó chịu, đặc biệt là khi bạn đang đi làm, trong môi trường công sở có nhiều người xung quanh.
“Tôi thấy thật khó chịu, cứ như không khí đang bị xấu đi sau khi nghe thấy tiếng thở dài từ đồng nghiệp”, một cư dân mạng bình luận. Nhiều người còn cho rằng thở dài là một dạng “quấy rối tâm trạng”. Điều này không chỉ có nguy cơ làm giảm năng suất, mà còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng nếu không xác định được vấn đề cần giải quyết.
Giáo sư Zeng Shiqiang, một bậc thầy về nghiên cứu Trung Quốc chia sẻ trên Sina: Vận mệnh cũng có một phần của ý chí mỗi con người. Nếu chúng ta tích cực và lạc quan, chúng ta có thể nỗ lực để tạo dựng một cuộc sống hạnh phúc; nếu chúng ta tiêu cực, bi quan và thở dài suốt ngày, chúng ta sẽ vô tình mang đến những điều không may…