“Cụ có mong muốn gì cho hiện tại và ngày mai?”, khi được hỏi, cụ Khơng dõng dạc nói bản thân chỉ thích con cháu đông, khỏe mạnh.
Ở Bình Lộc (Long Khánh, Đồng Nai) có một cụ bà được người dân kính nể với quan niệm “Kính già, già để tuổi cho”. Sở dĩ vậy vì cụ sống rất thọ: 119 tuổi vẫn minh mẫn, nhớ nhiều chuyện của quá khứ.
Cụ bà tên Khơng (SN 1905, gốc Thanh Hóa), có 6 người con và hiện sinh sống cùng con gái thứ 2 tên Ninh (SN 1943). Cụ tâm sự: “Tôi không nhớ nổi năm sinh, con cháu nói bao nhiêu tuổi thì biết thôi chứ không có nhớ.
Bằng khen mừng thọ của cụ Khơng được chính quyền trao tặng cách đây một năm.
Bà Ninh – con gái thứ 2, người trực tiếp chăm sóc cụ Khơng xác nhận mọi thông tin cụ kể là hoàn toàn chính xác, không có bất cứ sự nhầm lẫn nào. Sau đó bà cầm thẻ căn cước công dân của cụ để xác thực thông tin cá nhân. Theo đó, cụ bà tên Trịnh Thị Khơng, sinh ngày 14/6/1905, quê quán Thanh Hóa và hiện sống tại Bình Lộc.
“Hồi xưa mẹ tôi khỏe mạnh, có thể đi lại được như các con. Mới đây cụ bị té, không đi được và yếu dần nhưng minh mẫn lắm, vẫn nhớ được mọi chuyện của ngày xưa.
Thi thoảng cụ lại thắc cho con cháu về thời kỳ đầy gian khổ. Ngày đó cụ đi buôn tối ngày, cứ 4h sáng dậy đi chợ đến 21-22h mới trở về nhà. Cụ phải mướn người trông chị em tôi, chứ không có thời gian nuôi nấng”, bà Ninh kể.
Cụ Khơng đã được Uỷ ban Nhân dân xã Bình Lộc trao tặng giấy mừng thọ. Đặc biệt cứ đến dịp Tết Nguyên đán, cụ đều được chính quyền quan tâm và động viên bằng cách tặng phong bì trị giá 3 triệu đồng. Cụ vui mừng và gửi lời cảm ơn đến các ban ngành, đoàn thể của xã Bình Lộc. Sau đó, đưa số tiền cho con gái thứ 2 giữ giùm, mua cái ăn cái uống hàng ngày.
Cụ Khơng (ngồi giữa) và con gái thứ 2 – bà Hiếu (bìa phải) và cháu ngoại 55 tuổi – con gái thứ 3 của bà Hiếu (bìa trái).
“Mẹ tôi giờ không ăn cơm thịt, chỉ ăn cháo loãng và uống thêm nước yến. Vì thế cụ bảo dành tiền người ta cho cho các cháu mua sữa hoặc bánh kẹo làm quà. Cụ già nhưng minh mẫn nên vẫn nhớ bản thân có nhiều con cháu”, bà Ninh cho hay.
Cụ Khơng hiện trải qua 5 đời người thân: con, cháu, chắt, chút và chít. Cụ có 5 đứa chút và một chít. “Ở chỗ tôi, chút sẽ gọi cụ là bà sơ… Còn chít thì chẳng biết gọi là gì cả”, bà Ninh nói.
Nhắc đến chuyện cụ Khơng có 2 người chồng, bà Ninh cho biết bố bà vốn là một người lái đó, sau đó chiến tranh diễn ra đã đi bộ đội và hi sinh vào năm 1950. Cụ bà góa chồng, một mình buôn bán gồng gánh nuôi các con khôn lớn.
“Mãi sau này mẹ tôi đi buôn mới gặp ông sau rồi đẻ thêm mấy người con. Ông mới qua đời cách đây vài năm, chúng tôi luôn coi như ba ruột. Chị em tôi cũng luôn đoàn kết và yêu thương nhau dù mỗi người ở một nơi”, bà Ninh tâm sự.
Dòng họ nhà cụ bà có gen di truyền sống thọ.
Nhắc đến việc cụ Khơng có bí quyết gì trong việc sống thọ hay không, bà Ninh tiết lộ xưa giờ cụ chẳng có chế độ ăn uống gì khác biệt, ngược lại nghỉ ngơi và ăn uống giống như bao người khác. “Có lẽ do dòng họ nhà tôi có gen sống thọ. Ví dụ như các cô dì chú bác của tôi đều mất ở độ tuổi 90, 100, thậm chí có người 110 tuổi mới qua đời”, người phụ nữ nói.
Bản thân bà Ninh dù đã qua ngưỡng 80 tuổi nhưng tóc vẫn đen, giọng nói trong trẻo, khỏe mạnh và có thể bế được chắt. Còn con gái thứ 3 của bà 55 tuổi nhưng trẻ trung giống như người phụ nữ ngoài 40 tuổi.
“Cụ có mong muốn gì cho hiện tại và ngày mai?”, khi được hỏi, cụ Khơng dõng dạc nói bản thân chỉ thích con cháu đông, khỏe mạnh. Cụ chẳng thích tiền bạc vì có tiền cũng chẳng thể tiêu hay giữ tiết kiệm như ngày còn khỏe trẻ.