Đến hẹn lại lên, cứ độ dịp đầu năm mới, nhu cầu nhà ở nhiều hơn khiến thị trường bất động sản lại tấp nập người mua – bán.
Khác với những năm trước đây, đất nền lên ngôi thì đầu năm 2024, sản phẩm chung cư đã qua sử dụng lại đang được rất nhiều người săn đón, kéo theo đó là giá bán cũng ghi nhận gia tăng đột biến.
Chị Huyền Trang, trú tại Khu đô thị Kim Văn – Kim Lũ (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, năm 2019, gia đình chị mua căn hộ chung cư tại đây với giá 21 triệu đồng/m2.
Năm ngoái, một số gia đình đã sang nhượng lại căn hộ với giá 24 triệu đồng/m2 (sau 3 năm tăng thêm 3 triệu đồng/m2). Đến nay, chỉ sau 1 năm, giá đã tăng lên đến hơn 30 triệu đồng/m2.
Không chỉ căn hộ chung cư cũ ở quận nội thành mà các chung cư cũ ở ngoại thành như Thanh Trì, Đông Anh, Hoài Đức giá cũng tăng đột biến.
Đơn cử, như tháng 7.2023, tại chung cư Gemek1 (xã An Khánh, huyện Hoài Đức) giá bán 28-30 triệu đồng/m2 tùy căn. Tuy nhiên, thời điểm hiện nay, theo tìm hiểu của PV, nhiều căn được môi giới “hét” giá lên 39-42 triệu đồng/m2/tùy căn.
Đang trong thời gian đi tìm nhà nhưng anh Nguyễn Vũ phải thở dài và tỏ ra ngao ngán khi giá tăng một cách đột biến. Với nguồn tài chính gần 2 tỉ đồng, vợ chồng anh Vũ chấp nhận tìm mua nhà ở ngoại thành, tuy nhiên, thời điểm này, rất hiếm dự án mới nên đành tìm căn hộ cũ.
“Tưởng chừng căn hộ cũ rẻ hơn, ai ngờ sau khi xem nhà không dám đàm phán vì môi giới đưa ra mức giá quá cao. Có những dự án tôi đi xem, dù đã đưa vào sử dụng 5-6 năm và ở ngoại thành nhưng mức giá được rao khoảng 45 triệu/m2”, anh Vũ tâm sự.
Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Thế Điệp – Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho biết, các căn hộ chung cư phía Tây ngoại thành Hà Nội thời gian qua tăng giá khá nhanh.
Ông Điệp cho biết, thị trường bất động sản đang vận hành theo cơ chế thị trường. Nếu cung đủ cầu thì giá sẽ giảm, còn ngược lại, cung mà không đủ cầu, giá sẽ tăng.
Còn việc căn hộ chung cư tại các khu vực được cho là xa trung tâm như Thanh Trì, Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh… liên tục tăng giá trong những năm gần đây xuất phát từ yếu tố hạ tầng.
“Nhiều dự án cao tốc, đường vành đai, các cây cầu vượt sông Hồng… được đầu tư xây dựng đã làm cho khả năng kết nối giữa các khu vực này với trung tâm ngày càng thuận lợi, qua đó khiến bất động sản tăng giá”, ông Điệp nói.
Mặt khác, ông Điệp cũng nhìn nhận, sự tăng giá không ngừng cũng xuất phát từ việc mua đi bán lại căn hộ trên thị trường, trong bối cảnh nguồn cung thấp, đã khiến cho giá chung cư vượt quá giá trị thực tế.
Bàn về câu chuyện này, TS Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam nhận định, nhu cầu về nhà ở của người dân tại các đô thị, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vẫn rất cao, trong đó tập trung chủ yếu vào nhóm người thu nhập thấp và trung bình khá.
Do đó, thời điểm này, những sản phẩm chung cư cũ đã qua sử dụng thuộc phân khúc bình dân (giá bán từ 25 – 35 triệu đồng/m2) lại trở thành hàng “hot”.
Đây là sản phẩm phục vụ đại bộ phận người dân đang có nhu cầu tìm kiếm chỗ ở, vì giá bán của nó phù hợp với túi tiền và khả năng vận động tài chính của nhóm người này.