Được truyền động lực từ một người phụ nữ đặt xe giao hàng, người tài xế có niềm tin hơn trong cuộc sống, từ đó có nhiều thay đổi tích cực.
Những sự tình cờ chúng ta gặp trong cuộc sống đôi khi lại trở thành mấu chốt, bước ngoặt làm thay đổi nhiều thứ. Như một câu chuyện về người tài xế xe ôm công nghệ thay đổi cuộc đời sau khi nghe lời căn dặn từ một vị khách với cuộc xe chỉ khoảng 10.000 đồng này.
Câu chuyện được chia sẻ trên một diễn đàn mạng khiến nhiều người đọc xong đều cảm thấy có thêm động lực trong cuộc sống và tin vào sự tử tế của con người ta trao cho nhau.
Theo lời kể, cách đây hơn 4 năm một người phụ nữ muốn đặt xe để gửi túi quà đến địa chỉ gần nhà. Nhưng có thể do tiền cước ít nên nhiều tài xế không nhận, đến lần đặt thứ 3 mới có shipper đến lấy hàng. Người tài xế tâm sự rằng trong hơn 3 năm chạy xe, chưa chê một cuốc nào dù chỉ 5 – 10 ngàn đồng.
“Trò chuyện thêm ít câu, anh tâm sự là thầy giáo quê miền Trung, do chưa có hộ khẩu nên không được vào biên chế chính thức. Hằng ngày, anh ăn mặc lịch sự đến trường ngồi đợi, hễ có thầy cô nào bận việc đột xuất thì trường sẽ cho anh dạy trám giờ giùm. Dĩ nhiên, kiểu dạy cầm chừng vậy thì thu nhập chẳng bao nhiêu, anh sống nhờ vào những cuốc xe Grab mỗi chiều tới tối mịt” – Những lời tâm sự được chia sẻ.
Gia cảnh khó khăn, anh tài xế sống với mẹ già và không dám lấy vợ vì sợ người ta chê, đồng thời bản thân cũng không lo được cho ai.
Thấy hoàn cảnh và sự chân chất của shipper, người phụ nữ quyết định tặng anh một số tiền kha khá và khuyên nên về nhà sớm một bữa, mua gì đó thật ngon ăn cùng mẹ. Đồng thời nói những câu đầy ý nghĩa rằng: “Cuộc đời ai cũng có những lúc bất đắc chí, khổ tận thì cam lai. Cũng như đồ thị hình sin, cái gì chạm tới đáy tận cùng thì sẽ đi lên”.
Tưởng chừng như sau cuốc xe đó mọi chuyện đã kết thúc, nhưng không ngờ cứ đều đặn hàng năm, người shipper vẫn nhắn tin hỏi thăm người phụ nữ đã cho mình lời căn dặn ý nghĩa. Cuộc sống của anh đã có nhiều thay đổi, được phân công đi dạy chính thức môn toán, hoàn cảnh đã khá dần lên dù vẫn còn khó khăn.
Anh cũng thường xuyên giúp đỡ các hoàn cảnh yếu thế hơn nằm trong khả năng, tổ chức mở lớp dạy toán miễn phí cho trẻ em. Trong những dòng tin nhắn, anh shipper năm nào đều bày tỏ sự biết ơn khi trong những năm tháng bế tắc nhất của cuộc sống nhận được lời khuyên từ người xa lạ để từ đó có thêm động lực bước tiếp.
Câu chuyện này sau khi được chia sẻ rộng rãi khiến nhiều người ấm lòng, tin hơn vào sự tử tế trao cho nhau giữa thời buổi tấp nập này. Đồng thời có thêm động lực trong cuộc sống, dù có khó khăn, gian nan và bế tắc đến đâu thì mọi chuyện sẽ được giải quyết bằng sự tử tế, bình tĩnh và tin vào bản thân. Và sự tử tế rồi sẽ gặp được tử tế.
Nhiều người trẻ cho rằng khi đọc được câu chuyện ấy đã nhận ra nhiều điều ý nghĩa trong cuộc sống.
Trần Lê Quỳnh Anh, sinh viên Trường ĐH Văn Hiến cảm nhận: “Mình theo dõi bài viết ấy trên một fanpage. Lướt đọc từng bình luận và cảm thấy cuộc sống này quá đỗi dễ thương. Một anh shipper vẫn cố gắng chạy từng chuyến xe ít tiền. Dù năm tháng trôi đi, anh ấy có thể đã gặp rất nhiều vị khách khác nhưng luôn biết nhớ đến, trân quý người đã từng giúp mình nhiều năm trước. Còn chị khách, với lòng tốt của mình cũng xứng đáng được “thả tim”. Theo mình, đây là câu chuyện đáng để người trẻ đọc và suy ngẫm”.
Nguyễn Đặng Thu Thảo, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết: “Khi đọc vào cảm thấy nhận được năng lượng tích cực. Biết trân quý cuộc sống này hơn. Khi không chối bỏ bất kỳ cơ hội nào trong cuộc sống này, như cách anh shipper chấp nhận chuyến xe mà những người khác từ chối, thì có thể sẽ nhận lại những điều tốt đẹp trong tương lai. Như hiện nay, theo bài viết, anh shipper đã có công việc ổn định”.
Trần Thanh Trọng, sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng TP.HCM, nói: “Mình có chia sẻ câu chuyện này về trang cá nhân Facebook. Vì muốn lan tỏa một câu chuyện với nội dung về sự cho đi và nhận lại. Chị khách trao đi yêu thương, nhận lại niềm vui. Anh shipper trao đi sự cố gắng và chắt chiu từng khoản thù lao nhỏ đã nhận về tình cảm của chị khách. Và việc anh shipper khoe đã noi gương chị khách để làm việc thiện hay mang kiến thức toán về giới trẻ ở quê một cách miễn phí cho thấy những hành động đẹp sẽ dễ dàng được lan tỏa”.
Ngoài ra, nhiều người trẻ cũng cho biết cái cách cảm ơn với những dòng chữ đầy tình cảm mà anh shipper nhắn cho chị khách đều đặn hàng năm cũng làm bật lên sự tử tế.
Cuộc sống này cần lòng biết ơn
Anh shipper trong câu chuyện là một thầy giáo 8X tên Sang, quê ở tỉnh Quảng Nam. Trò chuyện với PV Báo Thanh Niên, dù được thuyết phục, nhưng anh Sang xin phép được giấu thông tin cá nhân của mình, với lý do được âm thầm làm những điều có ích cho cuộc đời, tích cực cho xã hội như bao lâu nay.
Anh Sang cho biết mình chính là shipper trong câu chuyện mà chị Hồng Tuyên chia sẻ trên mạng xã hội. “Câu chuyện đó diễn ra đã vài năm. Đúng ngày 5.9.2017”, anh Sang nhớ lại.
Nói về lý do hàng năm vẫn đều đặn gửi tin nhắn cảm ơn chị Hồng Tuyên, anh Sang cho hay: “Tôi nghĩ rằng lòng biết ơn rất quan trọng, được đặt lên hàng đầu. Như hàng năm, học sinh thường đến thăm những thầy cô giáo từng dạy mình, thì tôi nhớ lại trong những ngày đầu đi làm. Đó là khi sau ngày khai giảng, lúc tan trường tôi thường bật app để chạy xe kiếm thêm. Với điều kiện thiếu thốn thời đó, nhận được cuốc xe do chị Hồng Tuyên đặt và chị ấy có tặng món quà, nên tôi biết ơn và nhớ mãi”.
Chị Hồng Tuyên đã kể với PV Báo Thanh Niên chi tiết hơn về câu chuyện từ năm 2017. Hôm đó ngay ngày lễ vu lan, chị làm từ thiện, tặng gạo, muối, dầu, đường… cho những gia đình neo đơn, hoàn cảnh khó khăn xung quanh nhà.
“Vì phát rất nhiều nơi, trong khi không thể tự mình đến được, nên tôi đã đặt nhiều chuyến xe để giao quà. Đến trường hợp tiếp theo, tiền phí rất rẻ chỉ khoảng 12.000 đồng nên bị 2 tài xế hủy chuyến. Nhưng Sang đã nhận chuyến xe ấy”, chị Hồng Tuyên kể.
“Khi vào nhà tôi, thấy chất đầy những muối, gạo, dầu… thì Sang có hỏi và tôi kể là để tặng. Sang cảm thấy hứng thú với việc tôi đi làm từ thiện nên hỏi nhiều. Hai chị em đứng tâm sự và nói chuyện khá lâu. Cảm thấy thương vô cùng khi Sang kể lại chuyện chưa được dạy chính thức. Có những ngày đến trường đợi mãi nhưng chẳng có cơ hội dạy thế và phải đi về”, chị Hồng Tuyên nhớ lại.
“Khi đã nhận đồ và di chuyển xe đi được một quãng, tôi đã gọi điện thoại nhờ Sang trở lại, lấy cớ là còn quên đồ. Lúc đó tôi có tặng Sang một phần tiền và quà. Nhưng Sang xin phép từ chối vì muốn nhường cho những người khó khăn hơn. Mặc dù vậy, tôi vẫn khăng khăng tặng. Tôi có nói là phần quà không quá lớn lao. Tôi chỉ muốn Sang hiểu là mình không cô đơn trong cuộc đời này. Nếu không phải tôi thì chắc chắn cũng có những người khác trân trọng sự nỗ lực, cố gắng của Sang trong cuộc sống. Sang rất tự trọng nên tiếp tục từ chối. Khi đó, tôi đành nói gửi phần tiền để biếu mẹ Sang. Tôi nói mãi thì Sang mới nhận. Thương lắm”, chị Hồng Tuyên chia sẻ thêm.
Chị Hồng Tuyên cho biết có thói quen thường chia sẻ những câu chuyện nho nhỏ, dễ thương, để người đọc cảm thấy vui vẻ, tích cực, cũng như… bớt chán đời. Nhất là hiện nay có một số người trẻ khi gặp chuyện không như ý, vì chưa đủ bản lĩnh nên dễ suy nghĩ tiêu cực, nhìn đâu cũng thấy đen tối, mất lòng tin trong cuộc sống.
Và câu chuyện với anh Sang cũng mang lại những thông điệp ý nghĩa nên chị đã chia sẻ, hy vọng lan tỏa sự tử tế, năng lượng tích cực đến người đọc. Chị Hồng Tuyên cảm thấy vui khi câu chuyện chị kể đã và đang nhận được sự hưởng ứng, chia sẻ của cộng đồng mạng.
Cũng cần chia sẻ thêm, anh Sang hiện nay là thạc sĩ toán học, sinh sống và làm việc tại TP.HCM. Anh vẫn liên tục làm thiện nguyện bằng nhiều cách khác nhau. Trong đó có việc mở lớp dạy toán miễn phí cho trẻ, đóng góp vào quỹ từ thiện ở quê tỉnh Quảng Nam…