Suốt hơn 30 năm hành nghề bóng đá, huấn luyện viên (HLV) Philippe Troussier trải qua những thất bại, thành công, tung hô, chỉ trích… nhưng quan điểm bóng đá của ông không hề thay đổi: Khái niệm thành công trong bóng đá tùy thuộc vào góc nhìn và mục tiêu nghề nghiệp của mỗi người. Có lẽ, bởi quan điểm này, công việc của ông là một trong những chủ đề thể thao được bàn luận nhiều nhất ở Việt Nam năm qua.
Thất bại không phải là điều đáng hổ thẹn
PV: Bóng đá đỉnh cao không còn chứng kiến nhiều HLV trên 60 tuổi hiện diện ở những CLB nổi tiếng thế giới. Ông có nghĩ rằng, chuyện xê dịch của mình suốt 20 năm trở lại đây, sau thành công cùng bóng đá Nhật Bản chỉ là thỏa chí phiêu lưu cho chính cá nhân mình, hơn là đem đến một tiếng vang cho vùng đất bóng đá mà mình đặt chân đến?
HLV Philippe Troussier: Vậy chắc anh quên mất Carlo Ancelotti. Ông ấy cũng đã 64 tuổi, tức là chỉ kém tôi 4 tuổi thôi. Ông ấy đang làm HLV cho Real Madrid, CLB hay nhất thế giới. Có cần tôi phải kể lại trước đó, Ancelotti đã dẫn dắt những CLB nào không? Parma, Juventus, AC Milan, Chelsea, PSG, Bayern Munich, Napoli…, đó toàn là những đội bóng hàng đầu thế giới đấy.
Đồng ý rằng nghề huấn luyện cần sức khỏe, sự lỳ lợm và bản lĩnh, nhưng tôi tin rằng những HLV lục tuần cũng chẳng lỗi thời so với các đồng nghiệp trẻ. Nhìn tôi đi, cơ thể có thể già đi, đầu gối có thể yếu dần nhưng tôi luôn có một niềm khát khao đối diện với thử thách. Tôi luôn duy trì một triết lý đầy sức sống, tạo nên động lực để sẵn sàng chinh phục những cột mốc, áp lực từ ngày này qua tháng khác.
PV: Nhưng, Carlo Ancelotti chọn các đội bóng rất mạnh để định hình giá trị bản thân. Còn ông lựa chọn những CLB, ĐTQG đang phát triển để làm việc. Ông có cho rằng, điều đó chỉ thỏa mãn bản thân trong khát khao chinh phục thử thách hơn là đem đến thành công cho những đội bóng mà mình làm việc?
HLV Philippe Troussier: Vậy thì anh định nghĩa thế nào là thành công? Danh hiệu nhất thời hay sự phát triển có định hướng cho bóng đá từ phạm vi cấp CLB cho đến cả một nền bóng đá? Tôi lựa chọn góc độ thứ hai. Bởi, đó là một chặng đường dài, căn cơ và bản lề. Chỉ một nền bóng đá có một cái móng vững vàng, chúng ta mới tự tin nghĩ đến những cú hích ổn định trong tương lai. Thành công của một CLB trong một mùa giải hay một ĐTQG trong một giai đoạn cũng sẽ chỉ là nhất thời. Có ai dám chắc rằng, sau dấu ấn đó, họ sẽ lại tiếp tục thành công hay vươn mình hơn nữa hay không?
PV: Vấn đề nằm ở chỗ lòng kiên nhẫn của người hâm mộ bóng đá luôn là thứ xa xỉ, và có ý kiến cho rằng, ở một vị trí “xanh chín” như ghế HLV, quan điểm của ông chưa thực sự phù hợp?
HLV Philippe Troussier: Tôi chấp nhận sự mạo hiểm ấy từ lâu rồi, ngay cả trước thời điểm giúp Đội tuyển Nhật Bản vô địch Asian Cup cách đây 20 năm. Gia đình tôi có 5 anh em, tôi là con trai cả. Chuyện chăm sóc, giúp đỡ, giáo dục các em của mình đã theo tôi một chặng đường rất dài. Vô hình trung, việc huấn luyện, giúp đỡ, hướng dẫn và tạo động lực cho người khác trở thành thứ DNA vô hình trong tôi.
Sau này, qua những chuyến đi, đến những nền bóng đá ở các quốc gia khác nhau trên thế giới, tôi nghiệm ra rằng, liệu có sự tồn tại đúng nghĩa của thất bại? Cố Tổng thống Nelson Mandela của Nam Phi từng chia sẻ với tôi một triết lý đầy giá trị: “Trong đời tôi không bao giờ thua. Bởi mỗi một dấu mốc là một lần tôi học hỏi”. Tôi thích quan điểm ấy của Mandela và tin rằng cuộc sống này luôn tồn tại hai giá trị thất bại, thành công song hành. Sau mỗi sai lầm, chúng ta lại trưởng thành, lại thành công và để rồi lại trải qua một thất bại khác. Từ thất bại ấy, chúng ta lại hoàn thiện bản thân mình hơn.
Cuộc đời của chúng ta, suy cho cùng, cũng như một vòng xoáy trôn ốc. Ở đó, chúng ta không trở lại vạch xuất phát mà đi đến một nhịp xuất phát tiếp theo. Số 0 ở tương lai đương nhiên không phải là số 0 của hiện tại. Không có ai mắc cùng một sai lầm liên tiếp. Nhưng, chúng ta có thể mắc một sai lầm khác trong tương lai mà bản thân không lường trước được. Dù sao, đấy là lúc để chúng ta hoàn thiện và không mắc lại sai lầm đã trải qua.
Với bóng đá, tôi tin rằng, nếu không mạo hiểm, chúng ta sẽ không biết mình sẽ thành công hay thất bại. Bên kia sườn dốc là ẩn số. Chúng ta phải sẵn sàng tin vào điều mà mình làm, chấp nhận rủi ro và quyết đoán. Tôi tiếp cận các trận đấu mà không hối tiếc hay do dự. Tôi biết quyết định của mình có thể dẫn đến thất bại. Nhưng, tôi không coi điều đó là đáng hổ thẹn. Với tôi, đó là cơ hội để bản thân học hỏi và hoàn thiện hơn mà thôi.
“Đam mê có thể khiến tôi đổ gục trên đường biên, theo nghĩa đen”
PV: Tôi còn nhớ, tại SEA Games, ông từng nói một câu khiến tất cả ngã ngửa. Đó là bản chất thất bại nhiều hơn là chiến thắng trong các trận chính thức. Những trận thua có thể ảnh hưởng đến danh tiếng của ông?
HLV Philippe Troussier: Tôi hiểu! Bóng đá là vậy. Cuộc sống là vậy. Nhưng, ở tuổi gần kề 70, tôi muốn đem đến sự lạc quan cho các người trẻ. Tất cả đều không phải là một thực thể hoàn hảo. Chẳng có điều gì là tuyệt đối. Chúng ta không tránh khỏi việc mắc lỗi. Điều quan trọng là sau cú vấp ấy, chúng ta hiểu mình đã sai ở đâu và sửa chữa điều đó như thế nào. Như tôi đã nói, chúng ta sẽ tránh lặp lại những sai lầm tương tự trong tương lai.
Tôi không thích chỉ trích cầu thủ về những sai lầm dẫn đến thất bại. Tôi muốn họ nhận ra, sửa chữa sai lầm và cố gắng. Tôi đánh giá cao nỗ lực của họ sau khi thay đổi. Tôi tin điều đó giúp cầu thủ hoàn thiện hơn.
Đúng là tôi đã thất bại và chịu nhiều thử thách trong hành trình của bản thân. Nhưng, có một câu nói kinh điển mà nhiều người hay nhắc đến: Đường tới thành công bao giờ cũng trải đầy gai hoa hồng. Đó là trở ngại. Chúng ta phải tìm cách vượt qua nó để đi đến thành công. Đích đến luôn chờ ở phía trước. Những cách mà chúng ta đi, cách chúng ta trưởng thành, cách chúng ta lựa chọn sẽ định hình thời gian, hiệu quả, năng suất khi chạm tới vạch đích.
Tóm lại, cuộc đời tôi đã thành công, đã thất bại. Tôi tin rằng, thất bại không phải là một bước thụt lùi. Đó chính là bước đệm hướng tới thành công. Tất nhiên, để làm được điều đó, tôi nghĩ cần có cả sự quyết tâm, lỳ lợm và bản lĩnh để làm nên sự từng trải.
PV: Liệu đó có phải là hệ tư tưởng của người Pháp sinh ra ở giai đoạn những năm 50 thuộc thế kỷ trước không, thưa ông?
HLV Philippe Troussier: Có lẽ vậy. Tôi không chắc thế hệ trẻ đổi thay ra sao. Nhưng, tôi cảm thấy rằng những người đồng niên với tôi, dù đã tuổi cao vẫn sẵn sàng ra đường và lao động. Chúng tôi luôn duy trì nhiệt huyết, thích khám phá, ham phiêu lưu và sẵn sàng đầu tư cho sự từng trải.
Bóng đá cho tôi cơ hội đó. Nhờ công việc này, tôi may mắn được khám phá nhiều quốc gia khác nhau, những ngôn ngữ khác nhau, những nền ẩm thực khác nhau, những loại rượu và những con người khác nhau.
Tôi nghĩ mình may mắn khi có cơ hội du ngoạn nhiều nơi trên khắp thế giới. Tôi muốn cảm ơn bóng đá vì điều đó. Cho đến nay, tôi vẫn cháy bỏng đam mê của mình với bóng đá, dù đã gần 70 tuổi. Tôi thực sự không biết mình sẽ duy trì năng lượng cho niềm đam mê bóng đá đến khi nào. Tôi cũng không biết khi nào mình sẽ dừng lại. Có thể, tôi sẽ gục ngã ngay trên đường biên của sân. Nhưng, vào lúc này, tôi còn nguyên nguồn năng lượng. Tôi tận hưởng cuộc sống của mình, tạo ra rất nhiều cơ hội khai phá bản thân. Và, bạn hãy nhớ, nếu đã là “khai phá” thì luôn bao gồm sự mạo hiểm.
Kế nhiệm Park Hang-seo, mạo hiểm hay phiêu lưu?
PV: Với một phạm trù cụ thể, ở đây là ĐTQG Việt Nam, ông có cho rằng mình đã mạo hiểm khi đến với một nền bóng đá vốn đang thành công dưới bàn tay người tiền nhiệm Park Hang-seo?
HLV Philippe Troussier: Tôi cảm ơn ông Park với những gì mà HLV này đã làm được với bóng đá Việt Nam. Nhưng, tôi cũng thấy được con đường mà mình có thể đi cùng với nền bóng đá này. Mục tiêu của tôi là giúp Đội tuyển Việt Nam vượt qua ranh giới Đông Nam Á, hướng tới những thành công mới, như cách mà Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran… từng trải qua.
Tôi muốn cầu thủ Việt Nam được trải nghiệm bản thân ở những thử thách mới, thay vì tạo nên một vỏ kén và nghĩ rằng mình đã giỏi trong giới hạn của mình.
Bóng đá Việt Nam cần những cầu thủ tới châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản để tích lũy kinh nghiệm. Các CLB Việt Nam cần có nguồn lực tốt, thu hút hiền tài, xây dựng cơ sở vật chất tốt, có học viện bóng đá, phát triển toàn diện về mọi mặt. Nền bóng đá Việt Nam cũng phải thu hút được những cầu thủ gốc Việt đang thi đấu ở nước ngoài, khuyến khích, thuyết phục họ đóng góp cho ĐTQG.
Nếu muốn Đội tuyển Việt Nam lọt vào top 10 châu Á, chúng ta cần cải thiện môi trường bóng đá tổng thể và phát triển nền tảng cầu thủ vững mạnh hơn. Đó không phải là vấn đề về huấn luyện. Vì, ngay cả những HLV giỏi nhất cũng sẽ phải vật lộn để đạt được thành công với nguồn lực hiện tại. Chúng ta phải thực hiện các bước để nâng cao động lực của bóng đá Việt Nam và nhờ đó, chất lượng tổng thể của môn thể thao này sẽ được cải thiện.
PV: Một năm qua cũng là quãng thời gian đủ để ông nhìn thấy những điểm sáng lẫn tối của bóng đá Việt Nam. Liệu có cơ hội nào để Việt Nam tiến tới World Cup?
HLV Philippe Troussier: Tôi phải thừa nhận rằng, với tình hình hiện tại, Việt Nam chỉ có 10% khả năng dự World Cup trên giấy tờ mà thôi. Chúng ta cần phải phát triển cầu thủ hơn nữa. Động lực để tôi trở lại với bóng đá Việt Nam đó là tôi thấy được tiềm năng trong thế hệ cầu thủ trẻ từ năm 2003-2005. Họ khả năng tương đương với những cầu thủ tôi đã có trong thời gian ở Nhật Bản khi chúng tôi lọt vào trận chung kết U20 World Cup cách đây 20 năm.
Thật sự, tôi có một khát vọng tại Vòng chung kết U23 châu Á 2024 tới đây. Đó là U23 Việt Nam có thể giành vé dự Olympic Paris 2024. Tôi tin rằng, với nội lực hiện tại, chúng ta có thể mơ về điều kỳ diệu.
PV: Vậy, với những cầu thủ mà người ta vẫn nói là di sản của HLV Park Hang-seo thì sao?
HLV Philippe Troussier: Tôi tôn trọng HLV Park Hang-seo. Có điều, tôi vẫn cảm thấy Đội tuyển Việt Nam tập trung nhiều vào SEA Games và AFF Cup. HLV Park cũng chỉ sử dụng một lượng cầu thủ nhất định trong mọi thời điểm.
Với tôi, ngay từ đầu khi đến Việt Nam, tôi đã thấy có một số cầu thủ không phù hợp với hệ thống của tôi. Tôi đã thực hiện một sự thay đổi lớn vì tôi biết những yếu tố cần thiết để chơi nhanh hơn, đoàn kết hơn.
Các cầu thủ Việt Nam còn thiếu sót nhiều về kỹ thuật. Tuy nhiên, họ bù đắp điểm yếu ấy bằng kỷ luật, chịu khó lắng nghe, cầu tiến và khát khao. Sẽ nhiều người hy vọng cầu thủ có sự thay đổi rõ ràng mỗi khi lên tập trung đội tuyển. Tôi cần phải nói thêm thế này, thời gian lên tập trung ĐTQG có hạn, họ chẳng thể tạo nên một cú bứt phá diệu kỳ so với giai đoạn thi đấu tại CLB. Với nhiều HLV, trong đó cả tôi, nhiệm vụ là cố gắng chỉnh sửa tối đa trong năng lực và thời gian cho phép.
Tôi nghĩ, công việc phát triển bóng đá Việt Nam không chỉ nên phó mặc cho HLV trưởng ĐTQG. Đó còn là công việc của các HLV cấp CLB. Khâu đào tạo trẻ cần giúp cầu thủ cải thiện kỹ thuật cá nhân cơ bản. Trong khi đó, các giải đấu chuyên nghiệp cũng cần tiếp tục nâng cao chất lượng. Những cầu thủ giỏi cần khuyến khích ra nước ngoài. Tôi đã nói với cầu thủ rằng, họ phải luôn nỗ lực, không từ bỏ để khi thất bại cũng không thất vọng với bản thân.
Dù sao thì đến hiện tại, 30% thành viên ĐTQG lúc này đến từ sản phẩm ấy. Nhưng, muốn đi xa, chúng ta cần phải xét tới những yếu tố khác. Kinh nghiệm của tôi ở Nhật Bản đã định hướng cho việc ra quyết định của tôi và giúp tôi tránh được rủi ro.
“Hãy nghĩ về bóng đá qua điểm nhìn rượu vang”
PV: Và, sự mạo hiểm, bản tính thích phiêu lưu ấy chắc hẳn khiến ông tiếp tục đưa bản thân vào một công việc nặng nhọc khác, là sản xuất rượu vang?
HLV Philippe Troussier: Khi gần 60 tuổi, tức là 10 năm về trước, tôi thừa kế một vườn nho tại Bordeaux. Cơ hội này đến với tôi như số phận. Tôi không mong đợi, chờ đón. Nó đến như một duyên phận. Tôi nghĩ: “Được rồi, Philippe. Hãy làm một điều gì đó với thửa đất này”. Sau cùng, tôi tạo ra một dây chuyền sản xuất rượu vang.
Nhưng này. Tôi không phải là người kinh doanh rượu. Đó chưa bao giờ là kim chỉ nam trong cuộc đời ham phiêu lưu của tôi. Tôi muốn đặc sản của vùng Tây Nam nước Pháp quê hương tôi được đến với nhiều miền đất. Từ rượu, chúng ta có thể kết nối con người lại với nhau. Trên bàn tiệc, qua những ly rượu vang, chúng ta có thể nói về những vùng đất, về cảnh đẹp đất nước, về con người, lịch sử hay giá trị vùng miền. Với tôi, rượu là sự kết nối. Giống như bóng đá vậy.
PV: Liệu có một sợi dây hay tính trùng lặp giữa bóng đá và rượu vang không, thưa ông?
HLV Philippe Troussier: Có chứ. Triết học cũng chỉ có 6 cặp phạm trù tương hỗ mà thôi. Thế giới này chẳng có điểm gì rạch ròi và riêng rẽ cả. Luôn có những điểm tương đồng gắn kết với nhau. Với tôi, tiến trình làm rượu vang và đào tạo bóng đá có những điểm rất giống nhau. Một đội bóng là tổng thể của những cá thể với tính cách khác nhau, độ tuổi khác nhau. Rượu vang được sản xuất với nguyên liệu là các loại nho đến từ nhiều mảnh đất khác nhau dọc nước Pháp.
Bóng đá có cầu thủ trẻ, già, trưởng thành; có cầu thủ thể hình cao to vạm vỡ, nhỏ bé, nhanh nhẹn. Rượu vang cũng không thể đảm bảo 100% tất cả những quả nho đều tròn trịa một kích cỡ, với vị chua hay ngọt đồng bộ tuyệt đối cả. Tôi tin rằng, nguyên liệu đầu vào cho hai tiến trình này vốn đã thử thách cho người tạo sản phẩm đầu ra.
Quá trình để tạo nên sản phẩm ấy cũng có những tương đồng. Đó là thời gian và sự hỗ trợ của cả một tập thể. Rượu cần 12 tháng để ủ. Bóng đá cần nhiều năm để tạo ra một lứa cầu thủ chơi bóng đỉnh cao. Hơn thế nữa, như tôi đã nói, bóng đá cũng rủi ro chẳng khác gì đầu tư, kinh doanh cả. Sản xuất rượu cũng vậy. Chẳng ai dám chắc chắn rằng, sau ngần ấy thời gian, sản phẩm thu lại là thứ rượu hảo hạng tuyệt đối.
Dọc theo thời gian của cả một quá trình, chúng ta phải chấp nhận tính rủi ro dẫn đến thất bại về thành phẩm. Với bóng đá, cầu thủ có thể bị chấn thương, bị bất lợi bởi quyết định của trọng tài… hay kinh khủng hơn là không thể tạo được một cầu thủ nào giỏi trong cả một lứa đầu vào. Cũng như thế với rượu vang, chúng ta có thể trải qua mùa màng tồi tệ như mưa rét, băng giá… và rất nhiều vấn đề khác có thể tác động đến kết quả. Đó là lí do vì sao tôi cho rằng cả hai lĩnh vực là tương đồng. Kể cả khi tôi không phải là người làm rượu chuyên nghiệp, tôi vẫn cố gắng xoay xở với tiến trình mình có, cũng giống như việc tôi đang làm trên cương vị HLV trưởng ĐTQG.
Tôi tin rằng, việc trở thành một HLV, dù trong bóng đá hay sản xuất rượu vang, đều liên quan đến việc tạo ra một đội gắn kết hay như sản xuất một loại rượu ngon. Tương tự như cách làm rượu vang ngon nhất cần những chùm nho chín mọng, trong bóng đá, các cầu thủ giàu kinh nghiệm cũng có vai trò riêng của họ. Tôi thích gọi họ là những cầu thủ trưởng thành, có kinh nghiệm hơn là già. Bởi, những cầu thủ trẻ nếu được va chạm sớm cũng tích lũy nhiều trải nghiệm trong bóng đá đỉnh cao.
PV: Chúng ta có nên khép lại bằng một câu chuyện ngoài lề bóng đá không, thưa ông? Bởi, tôi có cảm giác hành trình của ông với những chuyến phiêu lưu thường khá cô độc?
HLV Philippe Troussier: Tôi làm HLV bóng đá. Tôi là một người sản xuất rượu vang. Cuộc sống của tôi nghe có vẻ chiêm nghiệm nhưng cũng chỉ xoay quanh những phạm trù đó. Nhưng, sẽ chẳng có một Troussier bền bỉ thế này nếu như không có vợ tôi và hai cô con gái mà chúng tôi nhận nuôi khi sang Morocco. Mỗi khi có dịp nghỉ, tôi lại bay về Pháp, tận hưởng khoảnh khắc làm chồng, làm cha. Đó cũng là khoảng thời gian mà tôi cảm thấy an yên, nhẹ nhõm hơn cả.
Rồi sẽ có lúc, Troussier này phải dừng lại và nghỉ hưu. Rồi cũng sẽ đến một ngày, hành trình của tôi khép lại. Nhưng, có một thứ vĩnh hằng định nghĩa nên tôi. Đó là một Troussier không từ bỏ!
– Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!