Hình ảnh ông lão mù gầy gò, ốm yếu ở Ninh Thuận gần 60 năm qua ôm đàn guitar đi hát rong nuôi 5 người con khôn lớn đã gây xúc động cho nhiều người.
Ninh Thuận vào những ngày cuối năm cũng là lúc thời tiết chuyển mùa, những cơn gió bấc thổi giật từng cơn như muốn cuốn phăng đi mọi thứ.
Trong cái thời tiết se lạnh, gió cát mù mịt ấy, ở một góc đường Yên Ninh, huyện Ninh Hải, giữa dòng người hối hả, người ta vẫn thấy hình ảnh một ông lão mù, gầy gò, ốm yếu, da dẻ nhăn nheo ôm cây đàn guitar cũ kỹ ngồi hát những bài tình ca để đánh động lòng trắc ẩn của người qua đường.
Ông lão mù ấy tên là Nguyễn Văn Vinh (74 tuổi, ngụ ở thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận). Gần 60 năm qua, dù nắng hay mưa, ông Vinh hàng ngày vẫn lặng lẽ ôm đàn guitar hành khất. Giờ đây chân đã mỏi, sức đã kiệt, ông Vinh chỉ ngồi một chỗ ven đường cất lên những ca khúc mang giai điệu buồn như mang nỗi chất chứa của chính cuộc đời mình khi đã bên kia sườn dốc.
Số phận không mỉm cười với ông Vinh ngay từ khi còn nhỏ. Năm lên 7 tuổi, ông bị đau mắt đỏ nhưng lúc đó, do điều kiện khó khăn, không được chữa trị kịp thời nên đôi mắt của ông đã mãi mãi chỉ còn là bóng tối. Ông bảo, nếu như vào thời buổi bây giờ, ông đã không phải chịu kiếp mù lòa.
Rồi thời gian thấm thoát trôi qua, ông Vinh bước vào tuổi thanh niên, đây cũng là lúc cuộc đời ông có nhiều ngã rẽ. Ông luôn suy nghĩ, số phận mình đã không may mắn như người ta thì cũng phải kiếm một nghề nào đó để mưu sinh, không thể dựa dẫm vào gia đình mãi được.
Năm 17 tuổi, ông bước chân vào Sài Gòn theo học trong một ngôi trường dành cho người khiếm thị, cũng tại đây ông mới biết tới cây đàn guitar rồi từ từ lần mò học đánh đàn, học thêm chữ nổi và các bài hát.
“Lúc đó học đàn khó ghê lắm, nhưng mà mình nghĩ có nghề đó còn kiếm sống được thôi nên cũng ráng học, chứ ai giúp đỡ được mình nữa”, ông Vinh nhớ lại.
Sau 3 năm học tại trường, có chút nghề trong tay, ông bắt đầu lang thang khắp Sài Gòn, đi qua những khu chợ, bến xe hành khất ăn xin.
Đến năm 21 tuổi ông trở về TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa tiếp tục hành nghề hát rong ăn xin. Tại đây, ông gặp được người vợ của mình là bà Nguyễn Thị Lành (68 tuổi, quê Nha Trang).
Bà Lành kể, hồi đó cha mẹ đồng ý gả bà cho ông Vinh vì thấy ông hiền lành, tội nghiệp. “Khi lấy ông ấy tui mới có 19 tuổi thôi, chưa biết gì, lúc đó cứ cha mẹ đặt đâu con ngồi đó nên cũng đồng ý ưng ông, rồi dần dần 2 vợ chồng càng thương yêu nhau nhiều hơn. Sau khi về ở với nhau, tui cũng theo ông đi khắp nơi ăn xin, ông đàn rùi tui hát. Hai vợ chống cứ thế dìu dắt nhau qua những ngày gian khó, có khi vô Sài Gòn, khi lên Đà Lạt”, bà Lành chia sẻ.
Sau 1975, ông Vinh dắt vợ về quê nhà ở huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận sinh sống. Khi mới về nhà cửa không có, hai vợ chồng ông được người trong làng, trong xóm thương tình cho ở nhờ. Rồi cũng tại đây, lần lượt những đứa con của ông bà ra đời, mang theo những niềm hạnh phúc vô bờ bến nhưng cùng với đó, gánh nặng về kinh tế cũng thêm chồng chất trên vai đôi vợ chồng nghèo khó.
Để trang trải cuộc sống và nuôi các con, hàng ngày, ông Vinh chống gậy lang thang ăn xin. Bà Lành ở nhà vừa giữ con, vừa đi nhổ cỏ, cắt cành cho các vườn nho vườn táo, kiếm thêm đồng ra đồng vào.
“Lúc đẻ đứa con gái út vào thời kỳ bao cấp khó khăn, vất vả quá, hai vợ chồng mới ẵm nó theo xuống bãi biển ăn xin, rồi có ông khách trong Sài Gòn ra, thấy vậy ông ấy theo về nhà và năn nỉ xin con bé về nuôi. Nhưng mình nghĩ dù có đói, có cháo ăn cháo chứ cũng ráng đùm bọc nuôi con”, bà Lành tâm sự.
Thời gian dần trôi, 5 người con của ông bà đã xây dựng gia đình riêng, nhưng họ cũng đều nghèo khó nên không người nào chăm lo được gì cho cha mẹ. Ông Vinh bảo rằng, về già cũng thấy chạnh lòng với người ta nhưng hoàn cảnh các con của mình nghèo quá, nên hai vợ chồng cũng ráng nương tựa vào nhau sống tiếp những ngày cuối đời.
Hiện hai vợ chồng ông Vinh đang ở nhờ nhà cháu nội tại thị trấn Khánh Hải, sức khỏe ông đã yếu đi nhiều. Mới đây, ông phải vào nhập viện vì bệnh thận nhưng không có đủ tiền chữa trị nên đã xin về nhà, ráng uống thuốc nam cầm cự qua ngày.
Ôm cây đàn cũ kỹ trong tay, ông Vinh trải lòng: “Cây đàn này theo tui mấy chục năm nay rồi, cũng là được người ta cho, nó là tài sản lớn nhất của tui, nó giúp tui tồn tại đến ngày hôm nay và nuôi các con khôn lớn”.
Dù nghèo khó bám víu lấy đôi vợ chồng già, nhưng với bà Lành: “Từ lúc ưng ông đến giờ mặc dù nghèo khổ nhưng tui cũng không hối hận gì, miễn sao là vợ chồng yêu thương, đùm bọc nhau, trong gia đình đầm ấm là được rồi”.
Ở tuổi xế chiều, ông Vinh hàng ngày vẫn tiếp tục ôm đàn hát rong như gần 60 năm qua. Ngày nào gặp khách du lịch thương tình, ông cũng kiếm được 100 ngàn đồng, còn như bình thường cũng được vài chục ngàn đồng, có ngày ông xách đàn về không. “Nhiều hôm mưa gió tui vẫn phải ráng ngồi đó kiếm thêm chút để trang trải trải cuộc sống”, ông Vinh bộc bạch.
Buổi chiều sắp tàn, gió càng ngày càng thổi mạnh hơn, khách du lịch giờ này cũng vắng vẻ, ông Vinh đeo cây đàn lên vai, chống gậy lần mò trở về nhà cách đó hơn 1km với nét mặt buồn bã. Hôm nay, chiếc túi quần nhăn nheo của ông vẫn trống rỗng…
Nhìn dáng vẻ liêu xiêu của ông lão lần mò bước đi chông chênh như ngọn đèn trước gió, nhiều người không khỏi xót xa cho số phận của ông. Đáng lẽ ở tuổi này, ông phải đang vui vẻ, thảnh thơi bên con cháu thì người đàn ông mù này vẫn phải nhọc nhằn hát rong mưu sinh qua ngày.