Cô không thể tưởng tượng được một ngày, mình sẽ gặp lại người cha thất lạc 10 năm theo cách đặc biệt như thế.
Diana Kim (người gốc Hàn Quốc) sinh ra và lớn lên ở hòn đảo nhỏ Maui – thuộc quần đảo Hawaii, Hoa Kỳ. Bố cô khi đó là ông chủ của một cửa tiệm nhiếp ảnh và ông cũng là người đã đưa cô đến với niềm đam mê bên cạnh chiếc máy ảnh.
Diana có một khởi đầu thật ngọt ngào bên cha mẹ, nhưng mọi thứ nhanh chóng trở thành một câu chuyện cổ tích, khi cha mẹ cô chia tay, lúc cô mới 5 tuổi. Kể từ đó, cha cô thường xuyên vắng mặt, còn Diana phải sống một cuộc sống bấp bênh khi phải ở nhờ nhà người thân và bạn bè khắp nơi. Thậm chí, một vài năm, Kim còn lưu lạc ở công viên nhưng không hề cảm thấy nản lòng bởi cô tin vào bản năng sinh tồn của bản thân, nhờ đó cũng mạnh mẽ hơn rất nhiều.
Một thời gian dài sau, Kim nhận được tin báo từ bà nội về tình trạng tâm lý không ổn định và ngày càng xấu đi của bố cô. Ông không ăn uống, tắm rửa và từ chối điều trị y tế, lang thang khắp mọi nơi và không một ai biết nơi ở chính xác của ông.
Thời gian cứ trôi, cô gái nhỏ năm nào đã trở thành một nhiếp ảnh gia theo nghề của bố. Diana kiên trì theo đuổi một dự án chụp ảnh cộng đồng vô gia cư ở Honolulu trong suốt 10 năm. Không phụ lại công sức của cô, Diana không chỉ có được những tấm ảnh chân thật về những số phận kém may mắn. Năm 2012, Kim tìm được cha cô là một trong số những người vô gia cư ở Honolulu (Hawaii) lọt vào ống kính của nhiếp ảnh gia nằm trong dự án.
Kể về câu chuyện gặp lại bố, Kim nói:
“Ngay lần đầu gặp lại, tôi nhận ra bố đã gầy đi rất nhiều và không còn nhận ra tôi. Khi đó, một người phụ nữ đi ngang bảo tôi đừng quan tâm vì ngày nào ông chẳng đứng đấy. Ngay lúc đó, tôi muốn hét lên với cả thế giới rằng ông chính là bố tôi.”
“Tôi vẫn quyết tâm chụp ảnh cho bố. Chiếc máy chụp hình khi ấy giúp tôi giữ vững tinh thần bởi nhìn thấy tình cảnh của ông như thế hoàn toàn không phải là điều dễ chịu. Có những ngày tôi đứng đó và chỉ cắm mặt xuống đất bởi bản thân chẳng dám đối diện với hình ảnh tồi tệ của người bố ruột thịt cùng dòng máu nhưng giờ đây trở nên quá đỗi xa lạ.”
Kể từ đó về sau, Kim đã tìm đủ mọi cách để chăm sóc và bù đắp cho cha – người mà cô từng nghĩ đã ra đi mãi mãi. Kim đều đặn mang cơm đến cho cha và không ngừng thuyết phục ông đi bệnh viện nhưng vô ích. Đến tháng 10/2014, cơn đau tim khiến ông phải thỏa hiệp.
Những ngày tháng tiếp theo thật khó khăn khi bố Kim bắt đầu việc điều trị ở trong bệnh viện. Dù tình hình sức khỏe rất đáng lo ngại nhưng cuối cùng bố Kim dần chấp nhận phác đồ điều trị của bác sĩ và từng ngày trôi qua, ông bắt đầu giành lại quyền kiểm soát cuộc sống của mình.
Kim hạnh phúc khi cha đã trở lại bình thường, bắt đầu hòa nhịp với cuộc sống. Hai cha con cùng nhau làm những việc chưa từng được làm trước đó. Kim cũng cho rằng nhiếp ảnh không đơn thuần là tạo ra những khung hình. Nó là sự trải nghiệm, là cách chia sẻ cảm xúc và những điều cô học được với mọi người.
“Tôi nghĩ rằng nếu không nhờ chiếc máy ảnh, tôi đã không dám đối mặt với cha mình. Tôi không nghĩ sẽ có ngày tôi đi du lịch cùng ông và ghi lại cuộc hành trình này. Trước khi tìm được cha, ý định của tôi là chụp hình những người vô gia cư trên đường phố nhằm mục đích nhân đạo. Mỗi người trong họ đều có một câu chuyện tôi hy vọng bằng cách này có thể giúp đỡ họ“, cô nói.