Vạch kẻ trắng liền sát vỉa hè có ý nghĩa gì đối với người và phương tiện tham gia giao thông và nó được kẻ ở những loại đường nào?
Vạch kẻ đường là gì?
Vạch kẻ đường là một dạng báo hiệu để hướng dẫn, điều khiển giao thông nhằm nâng cao an toàn và khả năng thông xe. Vạch kẻ đường có thể dùng độc lập hoặc có thể kết hợp với các loại biển báo hiệu đường bộ hoặc đèn tín hiệu chỉ huy giao thông.
Vạch kẻ đường bao gồm các loại vạch, chữ viết, hình vẽ ở trên mặt đường xe chạy, trên thành vỉa hè, trên các công trình giao thông và một số bộ phận khác của đường để quy định trật tự giao thông, khổ giới hạn của các công trình giao thông, chỉ hướng đi của làn đường xe chạy.
Đối với đường cao tốc, đường có tốc độ thiết kế lớn hơn hoặc bằng 60km/h và các đường có tốc độ V(85) từ 80 km/h trở lên, vạch kẻ đường phải có vật liệu phản quan.
Ý nghĩa của vạch kẻ đường sát mép vỉa hè
Trên thực tế, khi tham gia giao thông chúng ta luôn bắt gặp vạch kẻ này trên đường và nó có ý nghĩa như thế nào.
Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN về báo hiệu đường bộ, đây chính là một trong các vạch kẻ đường nằm trên mặt đường thuộc nhóm vạch giới hạn mép phần đường xe chạy.
Vạch kẻ trắng liền sát vỉa hè chỉ có ý nghĩa giúp tài xế nhận biết giới hạn của lòng đường để đảm bảo an toàn trong lưu thông. (Ảnh: Xuân Tiến)
Cụ thể đó là vạch 3.1 – Vạch giới hạn mép ngoài phần đường xe chạy hoặc vạch phân cách làn xe cơ giới và làn xe thô sơ.
Vạch kẻ này có ý nghĩa để xác định mép ngoài phần đường xe chạy; hoặc phân cách làn xe cơ giới và làn xe thô sơ, xe chạy được phép đè lên vạch khi cần thiết và phải nhường đường cho xe thô sơ.
Quy cách thiết kế vạch kẻ đường này được quy định như sau:
-Khi sử dụng vạch 3.1 để xác định mép ngoài phần xe chạy (phần lề gia cố có kết cấu tương đương với kết cấu mặt đường được coi là phần xe chạy) thì mép ngoài cùng của vạch cách mép ngoài cùng của phần xe chạy từ 15-30 cm đối với đường thông thường và phân chia làn dừng khẩn cấp với phần đường xe chạy đối với đường cao tốc.
Chỉ kẻ vạch giới hạn mép phần đường xe chạy trên đường cao tốc, đường có bề rộng phần đường xe chạy từ 7,0 m trở lên và các trường hợp cần thiết khác.
-Khi sử dụng vạch 3.1 để phân chia giữa làn đường xe cơ giới và làn đường xe thô sơ thì có biển báo hoặc sơn chữ “XE ĐẠP”, hoặc biểu tượng xe đạp trên làn xe thô sơ.
Trên cơ sở quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ và thông tin thực tế thì vạch kẻ đường màu trắng, nét liền sát mép đường chỉ có tác dụng giúp tài xế nhận biết giới hạn của lòng đường để đảm bảo an toàn trong lưu thông (không lao lên vỉa hè, tránh nắp cống ở sát vỉa hè hay giúp tài xế căn được giới hạn bánh xe của mình để tránh đâm vào dải phân cách.
Vạch kẻ đường màu trắng sát vỉa hè này không liên quan tới quy định cấm dừng, cấm hoặc đỗ xe.