Nước cúng trên ban thờ nên là nước gì mới đúng? Cúng nước như thế nào để may mắn giàu có tài lộc?
Nước là thứ không thể thiếu khi dâng cúng từ ban gia tiên tới ban thờ Phật, ban Thần Tài nhưng nhiều người vẫn chưa hiểu ý nghĩa của cúng nước.
Ý nghĩa của cúng nước?
Nước cũng như trầu cau, hoa quả, trà thuốc, bánh kẹo gần như không thể thiếu mỗi khi dâng cúng. Thậm chí các vật phẩm khác có thể bỏ nhưng khi đã thắp hương thì không thể thiếu nước trên ban thờ. Nước trên ban thờ cũng giống như nước trong đời sống, cuộc sống không tồn tại khi không có nước.
Nước dâng lên ban thờ là đảm bảo yếu tố Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ trong thờ cúng. Nước là nguồn sống, là lễ vật không thể thiếu trong đời sống. Nước trong phong thủy còn là yếu tố may mắn tài lộc.
Khi dâng lễ cúng với ban thờ tổ tiên và ban Thần linh thì nước là một cúng phẩm để dùng như thức ăn và để cầu xin may mắn.
Còn khi dâng nước lên ban thờ Phật thì nước là để soi chiếu tâm hồn tu dưỡng bản thân. Nước tinh khiết để soi mình.
Nên dùng nước gì, nước lọc, nước trà, nước ngọt, rượu?
Khi dâng cúng phật thì nước ở đây là để người cúng soi mình. Bởi thế dâng cúng Phật thì chọn nước lọc có thể nấu chín hoặc nước lã miễn là nước sạch và trong lành để phật tử soi vào đó thấy được sự thanh tịnh nhắc nhở bản thân. Do vậy dâng cúng Phật chỉ dùng nước lọc không dùng nước ngọt nước có màu như trà, cà phê, hoa quả… Đặc biệt nước cúng Phật không được dùng nước có cồn, có gas.
Trên ban thờ gia tiên: Nước ở ban gia tiên là nước để dành cho người khuất dùng, nên người xưa quan niệm “ma dùng nước lã” do đó nhiều nơi sẽ lấy nước lã chứ không phải dùng nước từ cây nóng lạnh rót ra, cũng không phải nước rót từ chai ra, cũng không phải nước đun sôi để nguội. Nhưng quan niệm nhiều nơi là trần sao âm vậy do đó sẽ tùy theo thờ ai mà dâng nước cho hợp. Thế nên ngoài việc sẽ có những chén nước lọc thì còn có thế thêm các loại nước khác như: nước sữa cho trẻ nhỏ, nước trà cho người khi còn sống thích trà, rượu cho người khi sống thích rượu, nước ngọt hoặc cà phê cho người khi sống thích cà phê rượu. Thậm chí trên ban thờ gia tiên có đủ các loại nước đó để cho gia tiên dùng và còn là để gia tiên “mời” hàng xóm họ hàng.
Với ban thờ thần tài: Nước trong thờ cúng thần tài mang ý nghĩa tụ thủy. Nên nước trên ban thần tài thường sẽ là nước lọc hoặc nước lã, miễn là sạch và dâng lên với sự chỉn chu thành kính, không phải là nước đã uống dở là được. Ở ban thần tài cũng thường có thêm rượu vì thần tài thích ăn thịt quay uống rượu, và cũng có khi có thêm bia, nước ngọt.
Lưu ý dù dùng nước gì thì cũng cần dâng cúng với lòng thành và chú ý nguồn nước, tuyệt đối không dùng nước không sạch để thờ cúng. Các loại nước rượu bia, nước ngọt không rõ nguồn gốc cũng không được cúng, không đặt các loại nước hết hạn lên cúng.
Đặt mấy chén nước mới đúng? Có nhất thiết phải dùng kỷ nước không?
Trong đồ thờ cúng thì người ta bán những kỷ đựng nước gồm kỷ 3 chén hoặc kỷ 5 chén. Kỷ nước này thường đặt phía trước bát hương. Tuy nhiên có gia đình dùng kỷ nước có gia đình không dùng mà dùng chén thông thường hoặc cốc thủy tinh. Thực tế kỷ nước chỉ đơn giản là một cách thiết kế để thay thế việc dùng bộ ấm chén nước thông thường, để hài hòa hợp với các đồ dùng trên ban thờ mà thôi. Còn việc gia đình dùng kỷ nước hay dùng các chén đựng nước thông thường không ảnh hưởng gì.
Việc đặt 1 hay 3, hay 5 tùy thuộc vào cấu trúc ban thờ và diện tích ban thờ còn lại không ảnh hưởng tới ý nghĩa tâm linh thờ cúng, chỉ là không nên dùng số chẵn như 2, 4, 6 chén nước. Thông thường ở ban thờ Phật chỉ cần đặt 1 cốc nước tinh khiết, ban thờ gia tiên và thần linh thường có kỷ 3 chén và một số chai nước, lon bia, lon nước ngọt phía sau.
Lưu ý khi thờ cúng nước: Sau khi thắp hương xong cần chú ý tránh để nước cúng bị đổ vương vãi quanh khu vực thờ. Nếu thờ rượu hay nước trà, nước ngọt thì thắp hương xong cần hạ nước xuống, tránh để chúng bám lâu ố vàng hoặc lên mùi trên ban thờ. Còn với nước lọc thì bạn có thể để nguyên cho tới lần chuẩn bị lễ cúng sau thì thay nước mới.