Đau lòng ước mơ có chiếc cũi sắt “nhốt” các con tâm thần

 

Dù đã lớn tuổi nhưng vợ chồng ông Vinh vẫn còn rất nhiều nỗi lo về những đứa con bị tâm thần. Nhiều năm qua, vợ chồng già vẫn ước ao có chiếc cũi sắt để “nhốt” các con.

Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Ông Thái Kim Đồng, Bí thư Chi bộ thôn Bến Hến, xã Trường Sơn (Đức Thọ, Hà Tĩnh) cho biết, hoàn cảnh gia đình ông Nghiêm Quang Vinh (86 tuổi) và bà Dương Thị Thập (78 tuổi) đặc biệt khó khăn. Hai người tuổi cao, không còn khả năng lao động. Hơn 10 năm qua, họ vất vả nuôi hai đứa con bị bệnh tâm thần nặng là Nghiêm Thị Nga (SN 1971) và Nghiêm Viết Sỹ (SN 1982).

“Anh Sỹ phải xích lại bằng một sợi dây xích to, dài 3m để đảm bảo an toàn cho gia đình và bà con lối xóm. Nếu thoát được ra ngoài, Sỹ sẽ đánh bất kì ai, bằng bất cứ vật gì vớ được nên rất nguy hiểm”, ông Đồng thông tin thêm.

dau-long-uoc-mo-co-chiec-cui-sat-nhot-cac-con-tam-than
Ông Vinh, bà Thập thường xuyên phải hứng những trận đòn mỗi khi các con nổi cơn tâm thần

Trên cánh tay, khuôn mặt của ông Vinh, bà Thập vẫn còn hằn những vết sẹo do đứa con bất hạnh gây ra trong những lần lên cơn. Đến bữa, ông bà phải nhằm lúc Sỹ đang ngủ rồi rón rén đặt bát cơm bên cạnh. Nếu tỉnh giấc, Sỹ sẽ cầm ngay bát cơm ném thẳng vào người.

Căn nhà cấp 4 vốn xập xệ, mỗi lần trời đổ mưa là nước từ mái nhỏ xuống lênh láng khắp nơi. Đồ dùng chỉ có chiếc gường dành cho 3 người ở bếp, một cái dành cho Sỹ ở nhà trên. Tuy nhiên, Sỹ chỉ lên gường khi nền nhà đã ngập nước, thường ngày thì quấn chiếu nằm dưới đất.

Trong căn bếp dột nhìn thấu trời cũng chỉ có vài ba cái nồi cùng chiếc kiềng sắt để nấu ăn. Nhiều lần bà Thập phải sang nhà hàng xóm xin cơm vì trời mưa, bếp không thể nấu ăn được.

Với chị Nga, căn bệnh có vẻ nhẹ hơn người em, nhưng chị cũng không nhận thức được hành vi của mình, cả ngày chỉ quanh quẩn, nhặt nhạnh, chơi đùa với những đồ vật lượm được. Trước đây khi bệnh tình còn chưa phát, chị Nga đi gánh nước thuê cho người dân trong làng.

dau-long-uoc-mo-co-chiec-cui-sat-nhot-cac-con-tam-than-0
Đã 10 năm qua, anh Sỹ phải xích lại bằng sợi xích sắt để đảm bảo an toàn cho mọi người

Bản thân ông Vinh từng bị bệnh tai biến, hiện tại không được minh mẫn. Bà Thập vốn bị khuyết tật ở tai từ nhỏ nên gặp khó khăn trong giao tiếp. Trong câu chuyện thường bị ngắt quãng vì sự lãng tai của mình, bà Thập cho hay, bản thân gia đình không có ruộng sản xuât. Trước đây ông Vinh là thợ đóng thuyền còn bà chỉ ở nhà.

Ông bà có 5 người con (2 trai, 3 gái). Anh Sỹ và chị Nga ở cùng cha mẹ từ nhỏ. Ba người con còn lại đã phải rời quê hương từ rất sớm để mưu sinh vì quá nghèo.

dau-long-uoc-mo-co-chiec-cui-sat-nhot-cac-con-tam-than-5
Chị Nga phát bệnh, lượm nhặt các vật dụng về chơi

Để ngăn Sỹ tấn công người trong gia đình, đêm xuống, 3 người phải khóa trái cửa rồi ngủ trong căn nhà bếp chật hẹp.

“Cuối đời rồi, giờ sống ngày nào chỉ biết đến ngày đó. Bây giờ hai vợ chồng tui (tôi) chỉ mong muốn có ít tiền, đủ để hàn một chiếc cũi sắt nhốt thằng Sỹ lại, chứ trói nó bằng xích sắt loét cả chân, tội nó lắm”, bà Thập ngậm ngùi.

dau-long-uoc-mo-co-chiec-cui-sat-nhot-cac-con-tam-than-3
Sỹ thường xuyên năm dưới nền nhà, chỉ những lúc trời mưa nước tràn vào nhà Sỹ mới lên chiếc gường dành riêng cho mình

Ông Lê Đình Tài – Chủ tịch UBND xã Trường Sơn xác nhận, gia đình ông Vinh thuộc diện nghèo. Cuộc sống của 4 người chỉ dựa vào tiền trợ cấp chưa đầy 2 triệu đồng/tháng.

“Hai người con của ông Vinh đều mắc bệnh tâm thần, đặc biệt là anh Sỹ bị rất nặng. Họ thật sự rất cần sự chia sẻ, giúp đỡ của cộng đồng”, ông Tài mong muốn.