Dù đã ngoài 70 tuổi nhưng ngày nào cụ Long vẫn miệt mài với công việc thầm lặng của mình, bất kể cái nắng gay gắt của thời tiết hay chuyện sức khoẻ ngày một yếu đi.
Nắng buổi trưa như đổ lửa xuống mặt đường, ông Tư tỉ mẩn chỉnh sửa từng đoạn ổ gà lổm ngổm, chốc chốc đưa mắt quan sát xe cộ để kịp thời tránh né. Không ít người đi đường tỏ ra ngạc nhiên: “Úi cha, hơi đâu mà làm ông ơi, việc sửa đường có nhà nước lo”. Người ta tự hỏi người đàn ông này làm vậy thì được lợi lộc gì?
“Được lợi chứ, dù không thể lấp hết ổ gà trên đường, nhưng thà làm còn hơn không, để bà con đi lại an toàn, để mấy cháu nhỏ học trò đến trường bình an” – nghĩ vậy nên ông Tư cứ miệt mài với công việc của mình, dù tuổi đã không còn trẻ.
Ông Tư Long 6 năm vá đường ở thành phố Long Xuyên.
Dù tuổi cao nhưng ông Tư vẫn cống hiến sức mình cho cộng đồng.
Ông Tư Long 6 năm đội nắng vá đường: “Coi như tui tập thể dục cho khoẻ người vậy mà!”
Ông Tư tên thật là Cao Văn Long (76 tuổi) nhưng người ở Long Xuyên (An Giang) vẫn quen gọi với cái tên thân thương là bác Tư Long hay ông già vá đường. Kể cũng lạ, ở cái tuổi người ta tìm đến niềm vui quây quần bên con cháu, tận hưởng thú tao nhã với cây cỏ, chim muông thì ông Tư lại chọn công việc có phần nhọc nhằn – vá đường.
“Lần đó tui đi qua chỗ cầu quay, vô tình nhìn thấy bên công trình người ta ủi bỏ phần nhựa đường bị bong tróc. Cái tui xin đem về để vá mấy cái ổ gà trong hẻm” – sau nhiều lần thử vá ổ gà bằng xi măng nhưng không thành công, ông Tư tìm tòi phương cách tái chế phần bê tông nhựa.
Bắt đầu từ việc vá những ổ gà trong con hẻm nhà mình, ông tư dần dần sửa những tuyến đường trong thành phố.
Quy trình tái chế ngó thì đơn giản nhưng không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để làm công việc này. Đầu tiên ông Tư đến những đoạn đường đang thi công để xin phần bê tông nhựa đã bỏ đi, sau khi đem về nhà ông dùng búa đập vụn rồi ủ với dầu hoả trong nhiều giờ đồng hồ để lớp hắc ín tan chảy. Khi ra hiện trường chỉ cần quét một lớp dầu hoả xuống phần ổ gà, sau đó trải nhựa lên, sức nóng của nắng và độ nén của xe cộ chạy qua sẽ giúp phần nhựa và mặt đường kết dính với nhau.
Ông tư dùng búa đập vụn phần bê tông nhựa để tái sử dụng.
Trong nhà ông luôn chất đầy vật tư.
Từ những ổ gà trong con hẻm nhà mình, ông Tư rong ruổi khắp thành phố để chắp vá từng đoạn đường xuống cấp. Chỉ trừ ngày mưa không thể đi làm, chứ hễ trời nắng ráo là ông Tư lại tất bật cùng chiếc xe đạp cũ lỉnh kỉnh đồ nghề.
“Trời càng nắng càng tốt, vì sẽ giúp nhựa mau kết dính với đường” – ông Tư giải thích.
“Nhưng ông Tư lớn tuổi rồi, làm việc dưới trời nắng trong một thời gian lâu như vậy có ổn không?” – tôi lo lắng.
“Làm riết rồi quen chú ơi! Cái nắng nó giúp mình mà. Cũng có bữa trong người yếu sẵn, ra gặp nắng là say xẩm, thở không nổi. Nhưng về nghỉ chút xíu là khoẻ. Coi như tui tập thể dục cho khoẻ người đó mà” – ông Tư cười hiền.
Công việc dẫu có vất vả nhưng đâu đó đem lại niềm vui tuổi già cho người đàn ông này. Thấu hiểu điều đó nên cả gia đình đều ủng hộ ông dành thời gian rỗi cho công việc.
Ông xem công việc này như làm tập thể dục vừa giúp bản thân khoẻ, vừa giúp ích cho bà con.
Cơn mưa bất ngờ và tình người ấm áp
Đầu giờ trưa tranh thủ trời đứng nắng, ông Tư chở mớ vật tư ra đoạn đường cách nhà khoảng 5km để làm việc. Xe cộ chạy liên tục khiến bụi đường bay không ngớt.
– Xe chạy ầm ầm, ngó nguy hiểm quá?
– Hồi đó vừa làm vừa phải né xe. Sau này bà con biết mình sửa đường nên họ tự tránh mình hà.
Dưới cái nắng gay gắt buổi trưa, mắt ông Tư nhoè đi nhiều. Đôi mắt đã yếu đi nhiều sau lần phẫu thuật đục thuỷ tinh thể mấy năm trước, giờ đây lại càng thêm gió sương. Thế nhưng chuyện đó cũng chẳng phải là vấn đề lớn lao khiến ông bận tâm.
Trời đang nắng thì bỗng nhiên chuyển tối đen, dòng người vội vã chạy nhanh hơn để trốn mưa. Ông Tư vẫn khoan thai làm phần việc của mình. Ông bảo: “Còn một chút xíu nữa thôi nên ráng cho xong“. Thế là mưa cứ rơi, người đời cứ hối hả, còn ông Tư vẫn cặm cụi sửa đường. Mưa ướt tấm lưng ông già.
Mưa vội vã ghé qua, ông tư cố gắng làm cho xong đoạn đường đang dang dở.
Một số người đi đường ngoái nhìn, và trong số họ có một người dừng xe lại. Anh thanh niên lấy chiếc áo mưa của mình gửi cho ông Tư.
“Chú mang áo mưa vào kẻo bệnh” – nói rồi anh phụ ông Tư mặc áo. Trong giây phút tôi bất chợt hân hoan. Ừ, con người ta đâu có quên nhau giữa bon chen cuộc đời. Có lần ông Tư bảo với tôi rằng mình cứ thiệt thà, rồi người ta cũng mến.
Dòng đời dẫu có hối hả, nhưng con người ta đâu có quên nhau.
Tui thương bà cũng nửa thế kỷ rồi hen
Để ông Tư có thời gian và sức khoẻ đi làm mỗi ngày, thì luôn có bà Tư đứng phía sau quán xuyến công việc nhà, chăm lo từng miếng ăn giấc ngủ. Ngót nghét cũng gần 50 năm ông bà đi cùng nhau, tình cảm vợ chồng giản dị mà vững bền theo tháng năm. Ông Tư kể: “Hồi cưới nhau, tui với bả có miếng đất rồi tui trồng rau, bả bưng ra chợ bán, ở nhà nuôi thêm bầy heo, đàn gà vậy mà sống thoải mái lắm”.
Chiếc xe đạp theo năm tháng đã cũ mèm, đôi ba lần gãy đôi nhưng rồi ông tư lại đem đi sửa và sử dụng tốt. Cũng giống như tình thương của ông bà, dù nửa thế kỷ trôi qua vẫn vẹn nguyên như ngày nào.
Hỏi ông Tư chứ có bao giờ mua món quà gì đặc biệt tặng cho bà Tư chưa, ông lắc đầu cười: chưa. Nhưng xá gì đâu, bà Tư hiểu hết. Thử hỏi có món quà nào đắt giá bằng mấy chục năm trời sáng nào ông Tư cũng đạp xe đưa bà đi chợ, rồi đợi để đón về. Có lời yêu thương nào giá trị bằng thứ tình cảm bình dân ấy?
Có lời yêu thương nào giá trị bằng thứ tình cảm bình dân ấy?
Bởi, con người sống tình cảm nên làm gì cũng đậm nghĩa tình. Lúc chia tay ông Tư, tôi có hỏi: “Bao nhiêu lâu nữa thì ông Tư thôi không còn làm công việc này nữa?”.
Ông Tư cười: “Tui vẫn sẽ làm, cho tới khi nào cơ bắp không còn nghe theo mình nữa, thì lúc đó buông. Mà dạo gần đây tui cảm nhận cái tuổi đời mình không còn bao nhiêu, nên tui tiếc việc lắm! Hễ ngày nào còn làm được là sẽ tranh thủ làm!”.
Có những con người như ông Tư, lặng lẽ cống hiến cho đời mà chưa bao giờ màng đến thiệt hơn.