Vạch mắt võng ở làn rẽ phải, có đèn đỏ – được phép đi hay phải dừng lại?

Trên đường có kẻ vạch mắt võng màu vàng, mũi tên rẽ phải, nhưng không có biển được phép rẽ phải khi đèn đỏ, thì tài xế cần xử lý như nào cho đúng luật (Độc giả Thanh Long).

Gần đây tôi gặp một tình huống giao thông mà thấy đi tiếp hay dừng lại đều có thể sai. Xin được nêu lên đây để mọi người cùng thảo luận và tư vấn.

Vạch mắt võng ở làn rẽ phải, có đèn đỏ - được phép đi hay phải dừng lại? - 1
Tại làn rẽ phải, có vạch mắt võng, không có biển đèn đỏ được rẽ phải, khi gặp đèn đỏ thì tài xế cần xử lý như nào (Ảnh minh họa: VTC).

Cụ thể tại một ngã tư, làn rẽ phải có mũi tên trên mặt đường, đồng thời có kẻ vạch mắt võng màu vàng. Tôi hiểu rằng khi đó tài xế không được dừng xe trong phạm vi có vạch mắt võng, có thể để tránh ùn tắc giao thông.

Tuy nhiên, tôi đi xe vào khu vực đó lúc đèn đỏ, cũng không có biển phụ “đèn đỏ được phép rẽ phải”, không có biển phụ cho phép rẽ. Lúc này, tôi hiểu rằng phương tiện của mình phải dừng lại trước vạch đèn đỏ.

Phải chăng 2 yêu cầu trên là mâu thuẫn với nhau, dừng cũng vi phạm mà đi cũng vi phạm? Trong tình huống này, tài xế cần xử lý sao cho đúng luật?

Cách đi khi gặp vạch kẻ đường mắt võng – Đừng để bị phạt mới nắm luật

Theo quy định, vạch kẻ đường kiểu mắt võng được sử dụng để báo cho người điều khiển phương tiện không được dừng đỗ trong phạm vi phần mặt đường có bố trí vạch để tránh ùn tắc giao thông.

Tùy vào sự cần thiết mà vạch mắt võng được đặt ở vị trí phù hợp. Chẳng hạn, có thể dùng để xác định phạm vi cấm dừng tại nút giao thông cùng mức, trên nhánh dẫn ra/vào của nút giao thông hoặc những vị trí mặt đường cần thiết không cho phép dừng xe.

Như vậy, khi thấy vạch kẻ mắt võng này, tài xế phải điều khiển xe đi tiếp, không được dừng lại trong phạm vi vạch này.

– Vạch mắt võng kiểu đơn giản: gồm vạch chéo trong lòng hình chữ nhật, màu vàng, bề rộng nét vẽ 20 cm – 40 cm; áp dụng ở khu vực trung tâm hoặc trên nhánh dẫn ra hoặc vào các nút giao có lưu lượng giao thông ít.

– Vạch mắt võng kiểu thông thường: vạch có nét vẽ màu vàng, vạch vành ngoài giới hạn phạm vi kẻ vạch mắt võng có bề rộng vạch 20 cm. Vạch mắt võng bên trong nghiêng 45⁰ so với vành ngoài, vạch rộng 10 cm khoảng cách đường chéo 1 – 5 m.

Gặp vạch mắt võng cần đi như nào để không vi phạm

Theo quy định, khi thấy vạch kẻ đường mắt võng, người điều khiển phương tiện không được phép dừng lại trong khu vực này. Tuy nhiên, việc di chuyển qua vạch kẻ đường cũng được chia thành 2 trường hợp:

Vạch mắt võng không có mũi tên chỉ hướng: Gặp vạch này, nếu đèn tín hiệu xanh, lái xe đi thẳng qua vạch mắt võng sẽ không bị coi là vi phạm. Nếu gặp đèn đỏ mà lái xe dừng tại vạch mắt võng thì bị xem là vi phạm lỗi không tuân thủ hiệu lệnh vạch kẻ đường.

Vạch kẻ mắt võng có mũi tên xác định hướng phải đi: Tài xế điều khiển xe theo hướng phải đi của mũi tên được phép đi qua. Những người đi qua vạch nhưng không đi theo hướng mũi tên vẫn bị coi là vi phạm lỗi không tuân thủ hiệu lệnh vạch kẻ đường.

Như vậy, vạch kẻ đường mắt võng khi sử dụng độc lập thì người điều khiển phương tiện giao thông buộc phải tuân theo ý nghĩa của vạch kẻ đường này.

Vạch kẻ đường sử dụng kết hợp với đèn tín hiệu hoặc biển báo hiệu thì người tham gia giao thông phải tuân theo quy định với thứ tự ưu tiên là hiệu lệnh của người điều khiển giao thông > hiệu lệnh của đèn tín hiệu > hiệu lệnh của biển báo > hiệu lệnh của vạch kẻ đường.

Chẳng hạn với vạch mắt võng có kèm mũi tên rẽ phải, đồng nghĩa với việc làn chỉ dành cho các phương tiện rẽ phải. Nếu xe đi thẳng dù đèn tín hiệu là xanh hay đỏ thì đều vi phạm lỗi không tuân thủ vạch kẻ đường.

Dừng trên vạch mắt võng bị phạt bao nhiêu?

Nếu dừng trên vạch mắt võng hoặc điều khiển xe đi qua không đúng quy định thì tài xế sẽ bị phạt lỗi không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn biển báo hiệu, vạch kẻ đường. Mức phạt quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP cụ thể như sau:

– Đối với ô tô: Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng (điểm a, khoản 1, Điều 5). Nếu gây tai nạn giao thông sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng (điểm c, khoản 11, Điều 5).

– Đối với xe máy: Phạt tiền từ 100.000 – 200.000 đồng (điểm a, khoản 1, Điều 6). Nếu gây tai nạn giao thông thì còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng (điểm c, khoản 10, Điều 6).