Chuyển nhượng quyền sử dụng đất là một trong những quyền cơ bản của người sử dụng đất, trong đó có đất nông nghiệp. Nếu đang có nhu cầu chuyển nhượng đất nông nghiệp nhưng chưa nắm được quy trình, bạn đọc có thể tham khảo bài viết dưới đây.
Ảnh minh hoạ: Phan Anh
Các bước chuyển nhượng đất nông nghiệp
Khi mua bán đất nông nghiệp, hai bên tiến hành ký kết và công chứng, chứng thực hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giống như bình thường.
Hai bên chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng đến tổ chức công chứng trên địa bàn tỉnh nơi có đất yêu cầu công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Hồ sơ yêu cầu công chứng gồm phiếu yêu cầu công chứng hợp đồng; dự thảo hợp đồng (nếu có); bản sao chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu của bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng; bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; bản sao giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng mà pháp luật quy định phải có.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ, nộp hồ sơ đăng ký biến động và thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.
Điều 79, Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định cụ thể, người sử dụng đất nộp 1 bộ hồ sơ thực hiện quyền của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Hồ sơ đăng ký biến động đất đai đối với chuyển nhượng đất nông nghiệp gồm đơn xin đăng ký biến động quyền sử dụng đất; hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (có công chứng); giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; chứng minh nhân dân của bên chuyển nhượng và bên chuyển nhượng; tờ khai lệ phí trước bạ và tờ khai thuế thu nhập cá nhân do chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Trường hợp thực hiện quyền của người sử dụng đất đối với một phần thửa đất, người sử dụng đất đề nghị Văn phòng Đăng ký đất đai thực hiện đo đạc tách thửa đối với phần diện tích cần thực hiện quyền của người sử dụng đất trước khi nộp hồ sơ thực hiện quyền của người sử dụng đất.
Văn phòng Đăng ký đất đai sẽ có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, nếu đủ điều kiện thực hiện các quyền theo quy định thì thực hiện gửi thông tin địa chính đến cơ quan thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định; xác nhận nội dung biến động vào Giấy chứng nhận đã cấp theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Trường hợp phải cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất , quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất.
Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao giấy chứng nhận cho người sử dụng đất hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.
Thời hạn thực hiện thủ tục cấp sổ đỏ đất nông nghiệp
Trao đổi với PV Báo Lao Động, luật sư Nguyễn Phó Dũng – Giám đốc Công ty Luật TNHH OPIC và Cộng sự, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội – cho biết thời hạn thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất nông nghiệp.
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì thời hạn cấp không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ và đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra sẽ không quá 40 ngày đối với những nơi thuộc vùng sâu vùng xa hoặc vùng có điều kiện kinh tế khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn.
Đồng thời cần phải lưu ý rằng, thời hạn cấp sổ đỏ sẽ không được tính vào thời gian của các ngày nghỉ hoặc ngày lễ theo quy định của pháp luật Việt Nam, sẽ không được tính vào thời gian tiếp nhận hồ sơ và thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người có nhu cầu.