Nước lá vối là thức uống yêu thích của nhiều người, vậy nhưng uống nước lá vối khô tốt hơn hay tươi tốt hơn?
Uống nước vối có tác dụng gì?
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, vối là cây thực vật thân gỗ, có hoa. Chiều cao của cây trung bình là 5m với đường kính vào khoảng 50cm. Có 2 loại cây vối là cây vối nếp với lá nhỏ và cây vối tẻ với lá xanh thẫm, hình thoi.
Vỏ cây vối màu đen, nhẵn, nứt theo chiều dọc. Cành cây tròn, lá màu xanh, phiến dày và cứng, hình bầu dục và dần nhọn lại ở đầu lá. Ở dưới lá thường có các chấm đen. Mùi lá thơm dễ chịu, vị lá đắng và khá chát.
Hoa cây vối màu trắng, bắt đầu xuất hiện từ tháng 5-7 hàng năm, thường mọc theo cụm và không có cuống hoa.
Cây vối được trồng nhiều ở vùng trung du Bắc Bộ, các tỉnh Tây Nguyên và đồng bằng ở Hà Giang, Lào Cai, Bắc Giang, Thanh Hóa, Yên Bái… Cây thường được trồng để lấy lá và hoa để pha trà và đun lấy nước uống.
Về thành phần, trong lá vối có tinh dầu, alkaloid, vitamin, tanin và các khoáng chất.
Lá vối thường được đun lên lấy nước uống. Nấu lá, vỏ, nụ và hoa để chữa đầy hơi, chướng bụng, cân bằng thói quen đi đại tiện và trị viêm đại tràng.
Điều chế thành thuốc để thoa vào khớp bị sưng đau hoặc bào chế thành siro để uống giúp giảm phong thấp.
Ngoài ra, lá vối còn giúp sát trùng, điều trị vết loét, làm giảm mụn nhọt. Bệnh nhân có thể dùng chồi non giã nhuyễn hoặc đun nước uống để làm giảm bệnh viêm ngoài da.
Khi cần lấy nước uống, cần dùng khoảng 5 lá vối tươi và đun sôi cùng nước trong 20 phút, để nguội là có thể sử dụng ngay. Nếu dùng lá khô thì bạn sử dụng khoảng 6 lá, pha với khoảng 1 lít rưỡi nước và đun trong khoảng 20 phút là có thể sử dụng.
Uống nước lá vối khô tốt hơn hay tươi tốt hơn?
Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời BS Vũ Duy Thành cho biết, sử dụng lá vối khô sẽ tốt hơn vì trong lá vối tươi thường chứa lượng chất kháng khuẩn nhiều hơn. Hơn nữa, nếu sử dụng kéo dài lá vối tươi có thể ảnh hưởng đến lượng vi khuẩn có lợi trong cơ thể, hao huyết.
Bác sĩ Thành cho biết, khi uống nước vối bạn cần lưu ý những điều dưới đây:
– Không uống nước vối khi đói, vì lá vối tác dụng kích thích tiêu hóa, làm tăng nhu động ruột do đó, uống khi đói sẽ khiến bụng cồn cào khó chịu.
– Nên chia ra nhiều lần uống trong ngày, không uống nhiều nước vối một lúc.
– Không uống sau ăn vì có thể ảnh hưởng quá trình tiêu hóa, hấp thụ thức ăn.
– Không dùng cho người có thể trạng gầy yếu suy nhược.
– Không nên dùng cho trẻ em dưới 12 tuổi do hệ tiêu hóa của trẻ còn non yếu, phụ nữ có thai không nên dùng nước vối quá nhiều, quá đặc ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, bài tiết.
– Chọn lá vối có chất lượng tốt, sạch sẽ, không bị phun thuốc trừ sâu, có chứa thành phần chất bảo quản có hại cho cơ thể.
– Những người đang điều trị bệnh, sử dụng thuốc tây y, thuốc nam không nên uống nước lá vối, vì có thể làm giảm tác dụng của thuốc đang sử dụng. Nếu muốn sử dụng lá vối làm nước uống, cần tham khảo ý kiến bác sĩ.