Mặc dù là món đồ quen thuộc, nhưng người Trung Quốc đang có xu hướng “bỏ bê” bếp từ vì một vài lý do xảy ra trong quá trình sử dụng thiết bị. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng trước khi bị “chê” thì bếp từ cũng được nhiều gia đình tin tưởng lựa chọn. Vậy nên không ít thì nhiều, món đồ này cũng có vài điểm hữu ích.
Hãy cùng tìm hiểu cả ưu – nhược điểm của bếp từ để hiểu được nguyên nhân sâu xa của việc món đồ này ngày càng không làm hài lòng đối tượng người dùng Trung Quốc.
Ưu điểm của bếp từ
1. Dễ sử dụng
Người Trung Quốc đều đồng loạt công nhận tính dễ dùng của bếp từ. Về cơ bản, chỉ cần cắm điện và đặt nồi lên bếp là có thể sử dụng một cách nhanh chóng, giúp tiết kiệm kha khá thời gian nấu nướng. Trên bếp từ cũng được trang bị các nút điều chỉnh nhiệt độ và chế độ nấu cơ bản, chỉ cần tìm hiểu sơ qua là có thể sử dụng dễ dàng.
2. Giá thành hợp lý
Bếp từ sở hữu đa dạng mẫu mã và kiểu dáng đến từ nhiều thương hiệu khác nhau. Có thể nói dù ở phân khúc bình dân hay cao cấp thì giá nào cũng có đủ. Vậy nên chúng phù hợp với tài chính của nhiều gia đình, khi chỉ cần bỏ ra một mức giá hợp lý là có thể sắm được chiếc bếp từ tiện ích, giúp công cuộc nấu ăn thêm nhàn.
3. Linh hoạt trong cách sử dụng
Vì cơ chế hoạt động của bếp từ là cắm điện để sử dụng, cho nên bạn hoàn toàn có thể đặt bếp từ trong nhà bếp hoặc phòng khách, thậm chí là ban công. Miễn là ở những nơi ấy phải có ổ cắm điện. Vào những dịp picnic dã ngoại hoặc 1 buổi tụ tập ăn lẩu nướng tại nhà thì tính năng này của bếp từ sẽ được phát huy mạnh mẽ, đem lại nhiều điểm tiện lợi cho người dùng.
Nhược điểm khiến bếp từ bị người Trung Quốc “chê”
1. Gián đoạn nấu ăn khi mất điện
Như đã nói ở trên, bếp từ chỉ có thể sử dụng khi được cắm điện và không thể thay thế bằng bất cứ nhiên liệu nào khác. Vậy nên nếu đang nấu nướng và bị mất điện, bạn phải chấp nhận quá trình chế biến sẽ gặp gián đoạn. Trừ khi gia đình có máy phát điện thì mới có khả năng khắc phục điều này. Tuy nhiên, nếu lượng điện từ máy phát điện không cao thì cũng không đủ để cung cấp cho bếp từ.
2. Gia nhiệt không đều
Nồi dùng cho bếp từ thường được khuyến khích là các loại nồi có đường kính đáy từ 12 – 26cm và độ dày từ dưới 3mm. Quan trọng nhất là đáy nồi phải phẳng thì bếp từ mới truyền nhiệt đều và hiệu quả. Nếu đáy nồi quá mỏng hoặc quá dày có thể khiến nồi bị biến dạng theo thời gian sử dụng, khiến nhiệt lượng yếu đi, giảm hiệu suất gia nhiệt. Từ đó thức ăn khó chín đều dù được nấu trong cùng 1 nồi, cùng 1 thời điểm.
3. Kén nồi
Có thể nói đây là một trong những lý do phổ biến khiến nhiều người Trung Quốc “quay lưng” với bếp từ, đó là vì chúng rất kén nồi. Bếp từ chỉ có thể sử dụng tốt với các loại nồi có đáy kim loại và có từ tính như sắt, gang, thép… Đồng nghĩa rằng nồi đất, gốm sứ rất khó có thể sử dụng trên bếp từ. Còn nồi thủy tinh và nồi inox tùy từng loại vẫn có thể dùng được, nhưng lại cần lót thêm miếng hợp kim sắt ở đáy nồi để bếp có khả năng tiếp nhận. Đây được xem là một điểm rất “cồng kềnh” của bếp từ, khiến nhiều người ngao ngán.
Nhìn chung, bếp từ có sự tiện lợi nhưng cũng khá “đỏng đảnh khó chiều”. Nếu mua nhầm nồi, hoặc là bạn phải thêm công đoạn lót miếng hợp kim hoặc là phải sắm mới 1 bộ nồi khác. Cách nào cũng tốn tiền và tốn thời gian.
4. Tiêu tốn nhiều điện năng
Về vấn đề bếp từ có tốn nhiều điện hay không, đến thời điểm hiện tại vẫn có nhiều ý kiến tranh cãi. Tuy nhiên, đa số người Trung đều cho rằng món đồ này rất tốn điện. Nếu chỉ xét riêng việc tiêu thụ điện năng thì bếp từ được cho là tiêu hao nhiều hơn so với bếp gas. Kết hợp thêm 3 lý do phía trên, món đồ vốn được lòng người dùng Trung Quốc, những năm gần đây lại đang dần bị bỏ bê.