Dự báo trong sáng nay, bão số 6 sẽ đi vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ (Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi). Sau đó, bão đổi hướng di chuyển theo hướng đông nam, đi về phía vùng biển các tỉnh Quảng Nam – Quảng Ngãi và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
TP.HCM mưa lớn do ảnh hưởng của bão Trà Mi
Theo thông tin từ báo Tiền Phong, do ảnh hưởng từ bão Trà Mi, từ sáng sớm 27/10, trên địa bàn TPHCM đã xuất hiện cơn mưa cực lớn, xảy ra trên diện rộng.
Mưa trắng trời trên Quốc lộ 22.
Đường Phạm Văn Sáng (Hóc Môn) ghi nhận cơn mưa cực lớn gây hạn chế tầm nhìn.
Thừa Thiên – Huế: Sóng biển tràn qua khu vực bãi tắm Phú Thuận
Theo ghi nhận báo Người lao động, sau một khoảng thời gian lặng gió vào sáng sớm thì từ 8 giờ đến hiện tại, tỉnh Thừa Thiên – Huế bắt đầu có có mưa to trở lại, gió giật mạnh.
Tại khu vực bãi tắm biển Phú Thuận (huyện Phú Vang) giáp ranh phường Thuận An (TP Huế) sóng biển đã tràn qua. Nơi đây đang bị sạt lở nặng với chiều dài gần 1 km, nhiều ngày qua lực lượng chức năng cố gắng đắp vá để hạn chế sạt lở.
Triều cường dâng cao khiến nhiều khu vực dân cư ở sát phá Tam Giang, đoạn gần cửa biển Thuận An tại tổ dân phố Hải Tiến, phường Thuận An nước ngập vào tới hiên nhà.
Còn tại các vùng thấp trũng và đường Kinh Dương Vương (Quốc lộ 49) nước đã dâng cao khoảng 0,2-0,3 m, giao thông đi lại khó khăn.
Đà Nẵng: Gió lớn, bão quật đổ cây
Sáng 27/10, tại TP Đà Nẵng đã bắt đầu có gió mạnh từng cơn. Do ảnh hưởng của gió,một số khu vực có cây ngã đổ.
Hiện, TP Đà Nẵng đã ra công điện, đề nghị người dân hạn chế ra đường từ 10 giờ sáng nay.
Chia sẻ với PV báo Người lao động, ông Nguyễn Văn Thương, ngụ quận Sơn Trà cho biết tối qua không có gió nhưng sáng sớm nay bắt đầu gió mạnh.
Thừa Thiên Huế yêu cầu người dân không ra đường
Theo thông tin từ PLO, sáng 27/10, Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết do ảnh hưởng của bão Trà Mi (bão số 6), địa phương này yêu cầu người dân không ra đường từ 7 giờ sáng cùng ngày cho đến khi có thông báo mới.
Việc yêu cầu người dân không ra đường này, trừ lực lượng làm nhiệm vụ và các trường hợp đặc biệt.
Quảng Nam: Bão Trami tiến sát, Cù Lao Chàm có gió cấp 8
Tại tỉnh Quảng Nam, theo ghi nhận của Báo Người Lao Động, từ khuya 26 đến rạng sáng 27-10, nhiều địa phương ven biển có mưa vừa và có gió nhẹ. Từ khoảng 4 giờ sáng 27-10, gió bắt đầu mạnh dần lên và mưa cũng nặng hạt hơn.
Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An, từ thời điểm 5 giờ 10 phút sáng 27-10, tại xã đảo Cù Lao Chàm đã có gió mạnh cấp 8, sóng biển dữ dội.
Trong khi đó, tại các địa phương vùng núi của Quảng Nam từ đêm qua vẫn tiếp tục duy trì mưa với lượng khá. Nhiều huyện như Nam Trà My, Tây Giang, Đại Lộc đã sơ tán khẩn cấp từ hàng chục đến hàng trăm hộ dân để đề phòng nguy cơ sạt lở đất.
7 giờ, tin nhanh về bão
Vị trí tâm bão: Khoảng 16.8 độ Vĩ Bắc; 108.6 độ Kinh Đông, cách Đà Nẵng khoảng 95km về phía Đông Đông Bắc.
Sức gió mạnh nhất: Cấp 9 (75-88km/h), giật cấp 11.
Dự báo: Trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, tốc độ khoảng 15km/h.
6 giờ, tin nhanh về bão
Theo thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, vị trí tâm bão Trà Mi ở khoảng 16.8 độ Vĩ Bắc; 108.9 độ Kinh Đông, cách Đà Nẵng khoảng 110km về phía Đông Đông Bắc.
Sức gió mạnh nhất: Cấp 9-10 (75-102km/h), giật cấp 12.
Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, tốc độ khoảng 15km/h.
Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cũng nhận định, diễn biến bão số 6 còn rất phức tạp và có thể có thay đổi. Cần lưu ý cập nhật trong các bản tin bão tiếp theo.
Dự báo bão số 6 Trà Mi có thể gây ra những tác động như sau:
Gió mạnh, sóng lớn, nước dâng
Trên biển:
– Vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 6-7, sáng 27/10 có lúc cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao 2,0-4,0m; biển động mạnh.
– Vùng biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi (bao gồm đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-10, giật cấp 12, sóng biển cao 3,0-5,0m; biển động rất mạnh.
Nước dâng do bão vùng ven bờ: từ sáng ngày 27/10, ven biển các tỉnh từ Quảng Bình tới Quảng Nam có khả năng xuất hiện nước dâng do bão cao từ 0,4-0,6m.
– Tàu/thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên (đặc biệt trên khu vực huyện đảo Hoàng Sa), khu vực biển ven bờ từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.
– Nguy cơ cao sạt lở đê, kè biển tại ven biển các tỉnh từ Quảng Trị tới Quảng Nam do tác động của sóng lớn và nước dâng do bão.
Trên đất liền:
Trên đất liền Quảng Bình đến Quảng Ngãi có gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 8-9; vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 11.
Mưa lớn
Từ sáng sớm ngày 27/10 đến đêm 28/10, ở khu vực Quảng Bình đến Quảng Nam có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 200-400mm, cục bộ có nơi trên 600mm. Cảnh báo nguy cơ có mưa cục bộ cường suất lớn (>100mm/3h). Khu vực Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Bình Định và Bắc Tây Nguyên có mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-180mm, có nơi trên 250mm.
Đà Nẵng khẩn trương ứng phó ảnh hưởng bão số 6
Theo thông tin từ báo Đà Nẵng, các địa phương, đơn vị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng khẩn trương triển khai công tác ứng phó với bão số 6 được dự báo gây gió mạnh và mưa rất to trên địa bàn thành phố trong ngày 27/10.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Công an thành phố đã tổ chức duy trì nghiêm trực chỉ huy, trực ban, trực chiến; chủ động tổ chức lực lượng trực phòng, chống thiên tai phù hợp, bảo đảm khả năng xử lý các tình huống diễn ra trên địa bàn; theo dõi và nắm tình hình, tổng hợp báo cáo theo phân cấp, tham mưu lãnh đạo địa phương thực hiện các biện pháp ứng phó, xử lý kịp thời, theo phương châm “4 tại chỗ”,…
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố đã tổ chức 20 tổ biên phòng gồm 150 cán bộ, chiến sĩ phối hợp với các ban, ngành, địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân triển khai phòng, chống bão; tổ chức 6 lượt xuồng với 20 cán bộ, chiến sĩ thông báo, hướng dẫn cho các phương tiện neo đậu tránh trú bão an toàn.
Hiện đã có 1.159 tàu, thuyền đánh cá với 8.316 ngư dân đã vào vị trí neo đậu, không có phương tiện nào hoạt động trên biển.
Các quận, huyện triển khai công tác sơ tán nhân dân ra khỏi các khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở đất, lũ quét; hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa, kê cao hoặc di dời đồ đạc, tài sản; triển khai lực lượng, phương tiện phục vụ ứng cứu, cứu hộ…
Nhóm PV