Tại thời điểm xảy ra vụ cháy, trong ngôi nhà có hàng chục người thuê trọ, nhưng không có chủ nhà ở cùng.
Vào khoảng 23h ngày 26/10, xảy ra vụ cháy tại số nhà 52 ngõ 205 đường Giải Phóng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Ngay sau khi nhận được tin báo, lực lượng PCCC quận Hai Bà Trưng đã có mặt phối hợp cùng với cán bộ và nhân dân địa bàn tiến hành dập lửa. Đến 23h18 cùng ngày, đám cháy đã được xử lý.
Sáng 27/10, theo ghi nhận của PV, ngôi nhà nhỏ khoảng 4 tầng nằm trong ngõ 205 đường Giải Phóng không có dấu hiệu bị bám khói và cũng không thiệt hại nhiều tài sản ở các tầng phía dưới.
Nhiều người dân sống gần khu vực đó cho hay, ngôi nhà trên được mua bán lại qua chủ mới sau đó chia nhiều phòng để cho thuê trọ, chứ chủ nhà không ở tại đây.
“Bên trong có nhiều phòng, cửa có máy vân tay, lúc xảy ra vụ cháy ở tầng thượng mọi người hốt hoảng hô hào nhau bỏ chạy ra ngoài vẫn kịp nên không có thiệt hại về người và tài sản. Tuy nhiên, chúng tôi rất hoang mang vì ý thức của người sử dụng dịch vụ đã từng vứt bừa bãi rác thải ra ngoài”.
Song, nhiều người hàng xóm cũng mong muốn chủ nhà thường xuyên có mặt nhắc nhở người thuê nâng cao ý thức và có những quy định chặt chẽ để đảm bảo an toàn chung.
Theo xác định ban đầu, không có người mắc kẹt trong đám cháy. Hiện, nguyên nhân vụ cháy vẫn đang được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
Các biện pháp an toàn PCCC đối với loại hình nhà trọ, nhà cho thuê để ở và chung cư mini
Mới đây, Công an thành phố Hà Nội đưa ra khuyến cáo, trên địa bàn thành phố Hà Nội liên tiếp xảy ra các vụ cháy tại những ngôi nhà hình ống, nhà trọ, khu nhà ở nhiều căn hộ (chung cư mini), gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Để giảm thiểu nguy cơ về cháy nổ, bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại khu dân cư, đặc biệt tại các khu dân cư tập trung nhiều khu nhà trọ, nhà cho thuê để ở, khu nhà ở kết hợp nhiều căn hộ (chung cư mini); Công an thành phố cảnh báo và khuyến cáo an toàn PCCC một số nội dung sau:
Đối với cư dân, người thuê trọ, cần cảnh giác và thực hiện các quy định bảo đảm về PCCC:
1. Tuân thủ pháp luật, nắm vững kiến thức cần thiết về PPCC; biết sử dụng dụng cụ, phương tiện PCCC thông dụng.
2. Thường xuyên kiểm tra và bảo dưỡng hệ thống điện và các thiết bị điện định kỳ để tránh nguy cơ chập điện gây cháy hoặc ngắn mạch.
3. Không nên sử dụng nhiều thiết bị điện có công suất lớn vào cùng một ổ cắm; sạc điện thoại, máy tính, xe đạp điện, xe máy điện qua đêm; để thiết bị điện có sinh nhiệt trên vật dụng, gần các thiết bị, vật dụng dễ cháy; để vật liệu dễ cháy phủ lên dây dẫn, ổ cắm, cầu dao, các thiết bị điện…; không phơi, sấy quần, áo trực tiếp lên đèn, quạt sưởi, bếp điện, ấm điện… Trước khi đi ngủ hoặc ra khỏi nhà, tắt các thiết bị điện không cần thiết.
4. Không bố trí, sử dụng các thiết bị có áp lực, dễ nổ (bình xịt diệt côn trùng, bình gas mini, chai chứa khí nén) gần vị trí sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt hoặc nơi có nguy cơ phát lửa, phát nhiệt.
5. Thường xuyên kiểm tra hệ thống gas, nguồn lửa, nguồn nhiệt khi đun nấu…, phải tắt lửa hoàn toàn khi đi ra ngoài và làm việc khác. Không sử dụng bình gas mini đã qua sử dụng nhiều lần không đảm bảo an toàn PCCC… Sử dụng bếp gas đảm bảo chất lượng; van xả khí phải tự động đóng trong trường hợp lửa ở bếp bị tắt đột ngột (bị gió tạt, nước đun sôi tràn ra ngoài…); các khớp nối liên kết giữa bếp, dây dẫn, van xả và bình gas phải được lắp đặt đúng kỹ thuật, chắc chắn và đảm bảo độ kín chống rò rỉ gas, đây là cũng là nguyên nhân của nhiều vụ cháy tại loại hình này.
6. Trước khi rời khỏi nhà và trước khi đi ngủ, phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết.
7. Không dự trữ xăng dầu, khí đốt, khí dễ cháy nổ và các chất lỏng dễ cháy ở trong nhà ở, trường hợp cần phải để dự trữ thì chỉ dự trữ số lượng ít nhất và để ở khu vực riêng biệt tránh nhầm lẫn và đổ vỡ.
8. Quản lý chặt chẽ trong quá trình sạc điện đối với các phương tiện sử dụng pin cho xe đạp điện, xe máy điện, sạc dự phòng, điện thoại…; tuyệt đối không sạc qua đêm khi không kiểm soát được các thiết bị đang sạc.
9. Bố trí nơi thờ cúng hợp lý, tường phía đặt bàn thờ, trần phía trên ban thờ phải bằng vật liệu không cháy. Đèn, bát hương, nến phải đặt chắc chắn trên các vật không cháy, cách xa vật dễ cháy, hạn chế tối đa vàng mã, hương, nến để trên bàn thờ. Không đốt nhang, nến thờ cúng khi đi ngủ, khi ra khỏi nhà.
10. Tìm hiểu kiến thức về an toàn PCCC và trang bị các dụng cụ phương tiện chữa cháy và thoát nạn phù hợp với kiến trúc của nơi mình ở.
11. Chìa khóa mở khóa phòng trọ, căn hộ nhà ở phải để nơi dễ lấy và phổ biến cho gia đình đều biết… Cần bố trí thêm lối ra khẩn cấp qua ban công, lô gia, cửa sổ (nghiên cứu tận dụng bố trí lối thoát nạn thứ 2 trên cửa sổ, mái nhà, qua ban công…) trường hợp lắp đặt lồng sắt, lưới sắt cần bố trí ô cửa để thoát nạn (kích thước khoảng 0,6m x 0,6m).
12. Chủ hộ gia đình phải trang bị các bình chữa cháy, dụng cụ phá dỡ thông thường (búa, rìu, xà beng, kìm cộng lực), đèn chiếu sáng sự cố đảm bảo phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC; vị trí đặt ở nơi dễ thấy, dễ lấy, thuận tiện cho việc sử dụng để kịp thời chữa cháy, thoát nạn khi sự cố cháy, nổ xảy ra, thoát nạn khẩn cấp khi có cháy.
13. Nếu có thể, mỗi hộ gia đình trang bị bổ sung hệ thống, thiết bị báo cháy tự động, mặt nạ phòng độc, thang dây, ống tụt cứu người để tăng cường giải pháp an toàn tại nơi ở.
14. Tự xây dựng phương án, tổ chức giả định phương án chữa cháy và thoát nạn cho gia đình mình để thực tập xử lý khi có cháy, nổ xảy ra để chữa cháy hiệu quả và thoát nạn an toàn. Nhà có trẻ nhỏ, người già, người tàn tật thì phải có nhiều biện pháp thoát nạn, cứu người phù hợp và không được khóa cửa phòng của những người nêu trên.
15. Phản ánh kịp thời đến quản lý chung cư mini, phòng trọ về những nguy cơ mất an toàn về PCCC, có thể gây phát sinh cháy, nổ.
16. Khi có sự cố cháy, nổ xảy ra, phải bình tĩnh xử lý, tìm lối thoát nạn an toàn, đồng thời, báo cho mọi người xung quanh để kịp thời ra khỏi khu vực nguy hiểm. Trong khi di chuyển cần cúi thấp người (có thể bò khom), đặc biệt chú ý khi có trẻ em thoát nạn, cần sử dụng khăn, vải nhúng ướt bịt mũi hoặc trùm chăn ướt lên người trẻ nhỏ trong quá trình di chuyển thoát nạn để hạn chế khói khí độc xâm nhập vào đường hô hấp và bị bỏng do lửa gây ra.
17. Khi phát hiện có cháy xảy ra trong hộ gia đình, nhất là hộ gia đình có kiểu nhà ống, nhà kín có một lối thoát nạn duy nhất là cửa chính nơi mặt tiền, hãy thật bình tĩnh suy xét, hô hoán báo động cho tất cả các thành viên trong gia đình biết để mau chóng di chuyển ra ngoài, ra nơi an toàn qua cửa chính và lối thoát nạn thứ 2.
18. Tuyệt đối không được núp trong phòng, nhà vệ sinh.
19. Khi xảy ra cháy, hãy thật bình tĩnh suy xét, hô hoán báo động cho tất cả mọi người mau chóng di chuyển ra ngoài, tổ chức chữa cháy, cứu người, cứu tài sản, đồng thời, gọi điện báo cháy ngay cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH theo số máy 114, hoặc sử dụng App BAOCHAY 114, báo cho Đội Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an quận hoặc Công an phường gần nhất, đồng thời, sử dụng phương tiện để chữa cháy và thoát nạn theo tình huống đã dự kiến.
Đối với ban quản lý, chủ (người đại diện) khu nhà ở kết hợp nhiều căn hộ (chung cư mini), chủ nhà trọ đáp ứng các quy định bảo đảm an toàn PCCC:
1. Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH); lắp đặt các hệ thống, phương tiện, thiết bị PCCC đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn quy định. Chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật về công tác bảo đảm các điều kiện an toàn PCCC tại các dự án công trình do mình làm chủ đầu tư, chủ sở hữu.
2. Kiện toàn Ban quản trị nhà chung cư, Ban quản lý tại các khu nhà trọ, phòng trọ, phát huy hiệu quả mô hình tự quản tại cơ sở; chủ động phối hợp với cơ quan cảnh sát PCCC & CNCH và chính quyền địa phương trong việc kiểm tra, rà soát điều kiện đảm bảo an toàn PCCC và hướng dẫn thực hiện công tác PCCC tại khu chung cư, khu nhà trọ, khu nhà ở tập trung.
3. Thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở các chủ hộ gia đình, thành viên trong hộ gia đình, người thuê phòng thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC, nắm vững kiến thức cơ bản về PCCC, thoát nạn, cứu người trong đám cháy, sơ cứu ban đầu.
4. Tham gia lớp tập huấn về PCCC do cơ quan Cảnh sát PCCC hoặc chính quyền địa phương tổ chức.
5. Định kỳ kiểm tra các phương tiện PCCC, cứu nạn, cứu hộ đã trang bị; bảo dưỡng thường xuyên để đảm bảo hoạt động hiệu quả.
6. Nơi để các phương tiện giao thông (xe máy điện, xe đạp điện…) phải đúng vị trí quy định, không vượt quá số lượng cho phép; không để chung với vật dụng dễ cháy, nổ, các thiết bị điện (tủ điện, máy bơm…). Không sắp xếp xe gần các tủ điện, thiết bị điện. Không sắp xếp xe ở các vị trí che khuất các phương tiện, dụng cụ PCCC để tránh gây cản trở trong việc sử dụng, triển khai chữa cháy khi xảy ra sự cố cháy, nổ. Khu vực để xe luôn sắp xếp gọn gàng, đảm bảo an toàn về đường, lối thoát nạn, khoảng cách PCCC.
7. Đảm bảo có lối thoát an toàn và dễ dàng tiếp cận cho tất cả cư dân, người thuê trọ. Không lắp đặt “chuồng cọp”, bịt lối thoát nạn. Lối thoát không bị chặn hoặc bị cản trở bởi vật dụng, đồ đạc. Không sắp xếp hàng hóa, vật dụng che chắn, cản trở lối thoát nạn; đồ dùng, hàng hóa, vật liệu dễ cháy phải được bố trí cách xa nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt ít nhất 0,5m.
8. Trong nhà trọ, nhà ở nhiều hộ gia đình (chung cư mini) có một lối thoát nạn, cần thiết kế lối thoát nạn dự phòng có thể là thang sắt ngoài nhà, thang dây, dây thả chậm, lối lên mái, ra ban công, sân thượng sang nhà liền kề… Đối với các khu nhà trọ 1 tầng, cần đảm bảo lối thoát chính ra bên ngoài thông thoáng, không bị cản trở.
9. Bố trí các không gian liên thông giữa tầng hầm/nửa hầm với các tầng phía trên như: Cầu thang bộ, giếng thang máy đi từ tầng hầm/nửa hầm lên cần được ngăn cách với khu vực khác của nhà (gara để xe, phòng kỹ thuật) bằng vật liệu phù hợp để bảo đảm khả năng chịu lửa và ngăn khói.
10. Khuyến khích sử dụng vật liệu không cháy hoặc khó cháy để hoàn thiện, trang trí tường và trần (bao gồm cả tấm trần treo, nếu có), vật liệu ốp lát, vật liệu phủ sàn trên đường thoát nạn. Ưu tiên sử dụng các loại vật liệu không cháy hoặc khó cháy và hạn chế sử dụng các vật liệu dễ cháy hoặc sinh khói, sinh độc lớn như mút, xốp, nhựa tổng hợp, cao su… trên đường thoát nạn, lối thoát nạn, các lối thoát khẩn cấp hoặc khu vực lánh nạn tạm thời.
11. Phối hợp với cơ quan, tổ chức và hộ gia đình khác trong việc đảm bảo an toàn về PCCC; quản lý chặt chẽ và sử dụng an toàn chất dễ gây cháy nổ.
12. Đảm bảo rằng hệ thống điện trong phòng trọ, chung cư mini được lắp đặt và sử dụng an toàn và thường xuyên kiểm tra thay thế, khắc phục những nguy cơ mất an toàn về điện có thể gây cháy, nổ. Thường xuyên tự kiểm tra, phát hiện và khắc phục kịp thời nguyên nhân gây cháy nổ, nguồn lửa, nguồn nhiệt.
13. Máy phát điện chung không được bố trí trong khu vực kín, ẩm ướt; gian phòng có người ở; gần các vật dụng, hóa chất dễ cháy, nguồn lửa, nguồn nhiệt.
14. Quy định chặt chẽ việc nấu nướng, thờ cúng, đốt vàng mã, sạc điện đối với xe đạp, xe máy điện, thiết bị tiêu thụ điện, đặc biệt là tại tầng hầm, khu vực để xe… Nghiêm cấm sử dụng bình gas mini đã qua sử dụng nhiều lần không đảm bảo an toàn PCCC.
15. Xây dựng và thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ với nhiều tình huống giả định để chủ động xử lý khi có cháy, nổ, sự cố, tai nạn xảy ra; tổ chức tập huấn kỹ năng, cách sử dụng các phương tiện, thiết bị PCCC tại chỗ cho quản lý, bảo vệ và người thuê trọ.
16. Tăng cường công tác thường trực, tuần tra, đảm bảo đủ lực lượng PCCC cơ sở để giải quyết kịp thời khi có cháy, nổ xảy ra;
17. Tổ chức cuộc diễn tập PCCC định kỳ để đảm bảo tất cả cư dân, người thuê trọ biết cách ứng phó, sơ tán trong trường hợp khẩn cấp. Cung cấp hướng dẫn về an toàn PCCC cho tất cả cư dân, người thuê trọ, niêm yết Nội quy PCCC, Tiêu lệnh chữa cháy, Sơ đồ thoát nạn… tại các vị trí, khu vực dễ thấy, dễ đọc.
18. Trang bị đầu báo cháy tự động tại các tầng, gian, lối đi chung. Thông báo các hộ gia đình, chủ nhà thuê lắp các đầu báo cháy tại căn hộ (phòng trọ) giúp phát hiện sớm đám cháy, từ đó, giúp giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
19. Bố trí các phương tiện liên lạc khẩn cấp như loa thông báo, chuông báo cháy… để thông báo cho tất cả cư dân trong trường hợp có sự cố.
20. Trang bị phương tiện PCCC tại chỗ và các dụng cụ phá dỡ phù hợp với quy mô, tính chất, đặc điểm của khu nhà (tự trang bị hệ thống báo cháy, lắp đặt hệ thống cảnh báo cháy nhanh, bình chữa cháy, dụng cụ phá dỡ, mặt nạ phòng độc, thang dây, dây tự cứu…). Các phương tiện, thiết bị bố trí ở nơi phù hợp và thuận lợi cho việc thao tác sử dụng khi cần thiết.
21. Thực hiện quy định khác có liên quan đến trách nhiệm cá nhân của Luật Phòng cháy và chữa cháy.