Dưới đây là những thông tin hữu ích do TS. BS Nguyễn Trọng Hưng – Viện Dinh dưỡng Quốc gia cung cấp về những lưu ý khi chế biến, sử dụng và bảo quản các bộ phận của cây sen.
1. Thành phần chất có trong cây sen
Lá sen: có chứa các hoạt chất như anonain, pronuxiferin, N-nornuxiferin, liriodenin, D.N.metylcoclaurin, roemerin, nuxiferin và O.nornuxiferin. Ngoài ra, còn chứa rất nhiều ancaloit, vitamin C, axit xitric, axit tactric, axit oxalic, axit succinic.
Tâm sen: có chứa asparagin và ancaloit( 0.06%).
Ngó sen: có chứa asparagin 2% acginin, trigonelin, tyrocin, ete photphoric, glucoza, vitamin C.
Hạt sen: có chứa nhiều tinh bột, trigonelin, đường, protit 16.6%, chất béo 2%, cacbonhydrat 62%. canxi 0.089%, photo 0.285%, sắt (Fe) 0.0064%.
Gương sen: có chứa protit 4.9%, cacbon hydrat 9% carotin 0.00002%, nuclein 0.00009%, vitamin C 0.017%.
Nhị sen: có chứa tanin và một số hoạt chất khác.
2. Công dụng của cây sen
Cây sen giúp bảo vệ tim, tốt cho tim mạch, tinh thần thoải mái
Trong củ sen, lá sen, tâm sen có chứa: vitamin nhóm B, natri kali, giúp bảo vệ tim, kiểm soát sự tiết mồ hôi của cơ thể, điều hòa nhịp tim và huyết áp ở mức ổn định, kiểm soát cường độ homocysteine trong máu.
Vitamin B trong cây sen có tác dụng điều chỉnh và xoa dịu các triệu chứng khó chịu như: căng thẳng, đau đầu, stress, suy nhược thần kinh, tạo cảm giác thoải mái, vui vẻ.
Trong củ sen, lá sen, tâm sen chứa tanin có tác dụng cải thiện các bệnh lý về gan như bệnh phì đại gan và bệnh gan nhiễm mỡ, thanh nhiệt, giải độc giúp gan khỏe mạnh.
Cây sen giúp ngăn ngừa táo bón
Trong củ sen, lá sen, tâm sen có chứa nhiều chất xơ, vitamin C, vitamin nhóm B, khoáng chất và chất điện giải làm giảm tình trạng táo bón, khó tiêu, tốt cho tiêu hóa.
Các bộ phận này của cây sen không chứa nhiều calo có tác dụng điều hòa các nhu động ruột, hỗ trợ hệ tiêu hóa, giảm cảm giác thèm ăn nên phù hợp với những người đang ăn kiêng để giảm cân.
Trong hạt sen cũng giàu magie, protein, kali, phốt pho bên cạnh đó hàm lượng natri, mỡ bão hòa và cholesterol rất thấp.
Chất an thần trong hạt sen còn có tác dụng giúp cho người dùng có giấc ngủ ngon. Trong hạt sen còn có chứa một loại enzyme đặc biệt giúp hàn gắn và phục hồi protein trong cơ thể và dưỡng da trẻ trung.
Những nghiên cứu gần đây cho thấy hạt sen (của cả sen trắng và sen hồng) có thể làm giảm tình trạng viêm. Một nghiên cứu năm 2013 cho thấy hai loại polysaccaride trong hạt sen có hiệu quả chống viêm rất lớn.
Trong hạt sen có tâm sen, người ta cùng dùng tâm sen phơi khô sau đó hãm thành trà để uống sẽ có tác dụng chữa chứng mất ngủ hiệu quả.
Ngó sen có chứa nhiều vitamin C và các vitamin nhóm B, khoáng chất, chất xơ và chất điện giải. Tuy trong ngó sen có chứa nhiều chất xơ nhưng nó lại không cung cấp nhiều calo nên giúp giảm cân dễ dàng. Khi dùng ngó sen sẽ giúp giảm cholesterol và giảm đi lượng đường trong máu, giúp điều hòa nhu động ruột ngoài ra nó còn giúp phòng trĩ, táo bón.
Các món ăn được làm từ ngó sen có hương vị thơm ngon và hấp dẫn người ăn. Đặc biệt, món ăn từ ngó sen rất bổ dưỡng, tốt cho phụ nữ sau sinh.
Lá sen và hoa sen
Lá sen và hoa sen khi đem pha trà sẽ giúp giảm lượng cholesterol trong máu. Lá sen cũng chứa các chất giúp loại bỏ mỡ thừa trong máu như vitamin C, tanin. Lá sen cũng thường được dùng để gói xôi hoặc gói cốm giúp tăng thêm hương vị cho món ăn.
Củ sen giàu vitamin C, kali, giảm lượng đường huyết và cholesterol
Củ sen chứa rất nhiều khoáng chất và chất dinh dưỡng, như vitamin C, rất quan trọng cho chức năng hàng ngày của cơ thể. Một trong số các khoáng chất có trong củ sen là kali – chất giúp điều chỉnh huyết áp.
Củ sen chứa cả chất xơ và carbohydrate có tác dụng kiểm soát lượng cholesterol và đường huyết, giúp bạn duy trì quá trình tiêu hóa chậm và ổn định.
Cây sen giúp bổ máu
Trong củ sen cũng chứa nhiều sắt và đồng. Những chất này giúp cơ thể sản xuất bào hồng cầu, ngăn chặn các triệu chứng thiếu máu, tăng cường sức sống và lưu lượng máu trong cơ thể.
3. Ai cần lưu ý khi sử dụng cây sen?
Thực tế, 70% củ sen là tinh bột nên người bị bệnh đái tháo đường không nên ăn nhiều. Hạn chế với những người mắc bệnh đại tràng hay dạ dày.
Củ sen sống dưới bùn lầy nên rất dễ nhiễm các loại ký sinh trùng. Vì vậy, nên chế biến kĩ củ sen trước khi ăn để tránh nhiễm các loại ký sinh trùng.
Nếu bị đầy bụng, khó tiêu, táo bón thì nên hạn chế sử dụng hạt sen.
Do tâm sen có hàm lượng alkaloid cao nên sẽ tác động lực mạnh và ảnh hưởng đến tim. Vì vậy, những người bị bệnh tim nên chú ý chỉ nên dùng hạt sen bỏ tâm hoặc dùng tâm sen với lượng vừa phải.
Dùng tâm sen có tác dụng an thần tuy nhiên, nếu sử dụng dài ngày về lâu dài dễ bị mệt mỏi, mất trí nhớ, tim đập thất thường.
Dùng nhiều tâm sen cũng có thể ảnh hưởng tới chức năng sinh lý và giảm ham muốn tình dục cho cả nam và nữ giới. Tâm sen sử dụng lâu dài cũng khiến cho kinh nguyệt nữ giới bị xáo trộn.
Việc ăn quá nhiều hạt sen có thể gặp một số vấn đề như: gây táo bón, đầy bụng, khó tiêu bởi hạt sen chứa nhiều chất dinh dưỡng.
Không nên ăn quá 2g hạt sen một ngày, không dùng liên tục hạt sen trong vòng 1 tuần. Sau khi sử dụng vài ngày, tạm nghỉ để cơ thể có thời gian hấp thụ sau đó tiếp tục sử dụng tiếp.
4. Cách bảo quản hạt sen để sử dụng lâu dài
Vì een chỉ có mùa hè, mùa thu sen tàn và mùa đông chỉ còn phần củ sen, hay còn gọi là ngó sen. Để sử dụng hạt sen quanh năm cần có cách bảo quản cho phù hợp, chống nấm mốc mà vẫn giữ được dược chất, hương vị thơm ngon, có độ dẻo, mềm, thơm ngon.
Phơi khô hạt sen
Sau khi mua hạt sen tươi về, tách vỏ xanh bỏ và giữ lại phần hạt sen màu trắng bên trong. Tiếp theo, dùng dao cắt bỏ một ít 2 phần đầu của thân hạt sen rồi nhẹ nhàng khía dọc hạt, dùng tăm để lấy tâm sen ra sau đó đem phơi khô cho vào túi nilon bọc kín sử dụng đến đâu gói chặt đến đó để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh chỗ ẩm ướt.
Hạt sen tươi để đông đá
Sau khi tách vỏ bạn cần chia nhỏ hạt sen thành từng phần cho mỗi lần sử dụng, sau đó cho vào hộp nhựa sạch, bỏ vào ngăn đá của tủ lạnh. Khi cần sử dụng, hạt sen đông đá, bạn lấy từng phần sen đã cho vào hộp trước đó để rã đông bằng nước ấm. Nếu không dùng cách rã đông này, bạn có thể hấp lại hạt sen rồi có thể chế biến lại tùy ý.
5. Một số món ăn chế biến từ cây sen ngon, bổ, dễ làm
Cơm hấp lá sen
Nguyên liệu: Tôm tươi, hạt sen tươi, đậu Hà Lan, cà rốt, nấm hươngcvài cái. Gia vị, dầu ăn, hành khô… Gạo ngon vừa ăn tùy số lượng người
Cách thực hiện: Tất cả các thành phần này rửa sạch, thái hạt lựu và trộn cùng với nhau và nêm nếm gia vị vừa ăn. Cho vào lá sen buộc túm đầu và hấp cách thủy. Khi ăn, cắt đầu buộc là lá sen ra.
Nộm ngó sen tai heo
Nguyên liệu: Ngó sen tươi, cà rốt, dưa chuột, tai heo, lạc rang, rau kinh giới, rau mùi, nước mắm, đường, dấm hoặc chanh tươi.
Cách thực hiện: Tai heo rửa sạch và cho nồi nước luộc chín cùng một thìa gia vị. Khi tai heo nguội thái thành miếng dài mỏng vừa ăn.
Ngó sen rửa sạch cắt khúc, dưa chuột rửa sạch bỏ hạt và cắt lát, bào sợi cà rốt. Rau thơm, kinh giới, rau mùi rửa sạch thái khúc.
Pha nước trộn: Dùng nước mắm, giấm, đường với tỉ lệ: 1:2:1 vào bát và khuấy đều thành hỗn hợp chua ngọt, có thể cắt thêm ớt nếu ăn cay.
Cho tất cả các nguyên liệu (trừ rau) vào âu to và rưới nước trộn đã làm trộn đều để khoảng 5-7 phút ngấm đều, sau đó cho lạc, rau thơm trộn đều bày ra đĩa.
Củ sen muối
Củ sen gọt vỏ rửa sạch cắt lát ngâm nước muối pha loãng cho ra nhựa. Sau đó vớt ra và chần sơ củ sen trong nước nóng. Bước này giúp củ sen hết nhựa đen và nhớt.
Cà rốt, su hào, dưa chuột gọt vỏ và thái con chì. Ớt sừng và gừng rửa sạch đem xay nhuyễn hoặc thái mỏng.
Trộn đều củ quả với muối. Tiếp tục thêm mắm, giấm, đường vào bát rau củ, trộn đều và cuối cùng cho ớt, gừng vào trộn để rau củ ngấm gia vị.
Cho hỗn hợp vào hũ, đậy kín, rau củ sau khi trộn có thể ăn ngay hoặc để 1-2 ngày cho chua hơn ăn càng ngon.
Cá điêu hồng nướng lá sen
Cách thực hiện: Cá diêu hồng làm sạch và dùng dao khứa dọc thân cá rồi cho gia vị vào ướp. Sau khi ướp dùng lá sen bọc kín cá lại và nướng trên than hồng. Chị em nội trợ có thể nướng bằng lò nướng. Khi lá sen cháy xém bên ngoài là cá có thể ăn được.
Ngó sen xào tôm
Cách thực hiện: Ngó sen cắt thành khúc vừa ăn, rửa sạch ngâm với nước cho thêm tí chanh để ngó sen được trắng. Tôm bóc vỏ và xẻ dọc sống lưng bỏ hết chỉ đen. Tỏi băm phi thơm và cho tôm vào xào trên lửa lớn, khi tôm đã săn lại cho ngó sen vào xào chín tới và nêm gia vị vừa ăn. Sau đó bày ra đĩa.
Cách ướp trà sen
Cách ướp trà sen “xổi”. Nên thực hiện ướp trà vào bông sen ngay sau khi mua hoa về để đảm bản hương hoa còn đượm nhất. Vén các cánh hoa, để lộ ngụy, sau đó cho trà vào (khoảng từ 15-20 gram mỗi bông), sau đó xếp lại cánh hoa, dùng lá gói trọn bông hoa cho kín, chú ý không gói chặt tay quá.
Sau đó, bạn cắm hoa vào bình hoặc chậu để qua 1 đêm và lấy ra dùng. Để bảo quản trà sen, bạn có thể đưa các bông trà sen vào ngăn đá tủ lạnh (tránh để gần các loại thực phẩm khác sẽ bị lẫn mùi) . Với cách bảo quản này, trà sen có thể dùng trong một tháng.
Cách ướp trà sen kỹ sao khô. Đây là cách ướp trà sen cầu kỳ hơn, nhưng có thể sử dụng cả năm, lâu hơn trà sen ướp xổi.
Cần tách gạo ra khỏi từng bông sen. Sau khi tách xong, sàng lọc để loại bỏ những phần lẫn tạp vào gạo sen. Dùng một cái thúng phẳng đáy, lót lá sen vào, rãi đều xen kẽ một lớp trà đến một lớp gạo sen, phủ lớp lá sen lên trên rồi đem đi ủ qua đêm.
Hôm sau đem sao chỗ trà sen vừa ướp, sau đó sàng bỏ gạo sen cũ, lấy trà đi ướp với gạo sen mới. Cứ như vậy, ướp rồi sao, rồi ướp mới 5 – 7 lần để trà thấm hương sen.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Món ăn bổ dưỡng từ thịt gà