Từ năm 2025, CSGT chỉ được dừng xe trong 4 trường hợp

Tôi nghe nói Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ mới đã bổ sung quy định về các trường hợp cảnh sát giao thông được dừng xe của người tham gia giao thông để kiểm tra.

Trường hợp nào cảnh sát giao thông được phép dừng xe? Mong được giải đáp cụ thể.

Độc giả Thiên Ý

Luật sư tư vấn:

Luật Giao thông đường bộ 2008 không quy định về các trường hợp cảnh sát giao thông được dừng phương tiện tham gia giao thông để kiểm tra, kiểm soát mà giao cho Bộ trưởng Công an quy định chi tiết (hiện nay thực hiện theo khoản 1 Điều 16 Thông tư 32/2023/TT-BCA của Bộ trưởng Công an).

Tuy nhiên, theo Điều 66 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 (bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2025) đã quy định rõ cảnh sát giao thông được dừng phương tiện tham gia giao thông đường bộ để kiểm tra, kiểm soát khi có một trong các căn cứ sau:

– Trường hợp 1: Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc có căn cứ xác định có hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ hoặc vi phạm pháp luật khác.

– Trường hợp 2: Thực hiện theo mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của cấp có thẩm quyền để phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ mà buộc phải dừng phương tiện để kiểm tra, kiểm soát mới phát hiện được.

So với quy định hiện hành tại Thông tư 32/2023/TT-BCA, quy định mới chặt chẽ hơn và nêu rõ “chỉ trường hợp phải dừng phương tiện để kiểm tra, kiểm soát mới phát hiện được vi phạm” thì mới phải dừng xe. Trường hợp không cần dừng phương tiện vẫn kiểm tra, kiểm soát được thì không phải dừng xe.

– Trường hợp 3: Phục vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống thiên tai; phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống dịch bệnh.

Như vậy, so với quy định hiện hành tại Thông tư 32/203/TT-BCA, quy định mới đã bỏ yêu cầu “có văn bản đề nghị của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự; đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống thiên tai, cháy nổ; phòng, chống dịch bệnh; cứu nạn, cứu hộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện giao thông dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp” và thay vào đó là nội dung ngắn gọn như trên.

– Trường hợp 4: Có tin báo, tố giác, phản ánh, kiến nghị, đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân về tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật khác.

Luật sư Phạm Thanh Hữu
Đoàn luật sư TP HCM