Nữ thiếu tá đóng phim Việt giờ vàng VTV: Khi buồn, tôi cảm nhận tận cùng nỗi đau

Theo nữ diễn viên Kim Dung, những lúc cho phép bản thân thả trôi theo nỗi buồn, chị sẽ có chất liệu chân thực để vào vai khắc khổ, nội tâm sâu sắc.

Thiếu tá Nguyễn Thị Kim Dung, Phó đoàn trưởng Đoàn diễn 1, Nhà hát Kịch nói Quân đội, sinh năm 1990 tại Tuyên Quang. Với 12 năm làm việc tại Nhà hát Kịch nói Quân đội, Kim Dung đã đạt nhiều thành tích xuất sắc.

z5904100561259_606c53a0c0d30f4d51286221f8070180.jpg
Kim Dung trong phim “Những nẻo đường gần xa”. Chị cũng được khán giả nhớ đến qua một số vai diễn trong các bộ phim Việt giờ vàng trên VTV như: “Gái già xì-tin”, “Chạm tay vào nỗi nhớ”, “Lời ru mùa đông”, “Cao hơn bầu trời”, “Phố trong làng”…

Hoạt động ở cả mảng sân khấu và truyền hình, nữ nghệ sĩ chia sẻ dù có kiến thức cơ bản về diễn xuất trước ống kính máy quay khi bước ra từ Trường Cao đẳng Truyền hình, nhưng đôi khi chị vẫn nhầm lẫn giữa cách diễn sân khấu và phim truyền hình.

“Năm ngoái, tôi tham gia phim Tiểu đội hoa hồng của Điện ảnh Quân đội cùng lúc đảm nhận vai bà Tham trong vở diễn Hoa khôi dạy chồng tại Liên hoan quốc tế sân khấu thể nghiệm. Thời gian đó, tối tôi nhẩm thoại cho kịch, sáng lại lên đoàn phim quay nên những cảnh đầu tiên tôi diễn như trên sân khấu, đạo diễn phải nhắc: ‘Em cứ diễn thật đời cho anh’. Mỗi khi ôn lại kỷ niệm này, cả đoàn lại cười nghiêng ngả”, chị nhớ lại.

Theo nữ diễn viên, ban đầu vẫn có sự lẫn lộn giữa hai lĩnh vực nhưng sau thời gian dài tích lũy kinh nghiệm, chị đã tiết chế và cân bằng được cách diễn cho cả truyền hình và sân khấu.

Kim Dung thường được khán giả nhớ tới bởi tạo hình khắc khổ, có nội tâm sâu sắc như Lành của Phố trong làng và một số nhân vật trong các vở kịch của Nhà hát Kịch nói Quân đội. Những vai diễn đó khá giống con người thật của chị ngoài đời.

z5904100575244_d224aca216d8c890fb2afb694cec2c8a.jpg
“Mỗi khi buồn, tôi cho phép bản thân cảm nhận tận cùng nỗi đau, khóc cho hết và sau đó tự vực mình đứng dậy. Chính những lúc cho phép mình thả trôi theo nỗi buồn ấy, tôi có chất liệu để vào vai khắc khổ, nội tâm sâu sắc”, Kim Dung bày tỏ.

Là một nghệ sĩ khoác áo lính, Kim Dung luôn có ý thức giữ gìn hình ảnh cho bản thân cũng như nhà hát. Trước mỗi vai diễn, chị đều nghiên cứu kỹ xem nhân vật đó có phù hợp với một quân nhân hay không rồi mới nhận lời. Nếu các đoàn phim yêu cầu đóng các vai diễn có phần táo bạo, lệch chuẩn, nữ thiếu tá đều tham khảo ý kiến của lãnh đạo đơn vị.

z5904100409759_ee0c0db02dd35df621428ab5e901269f.jpg

Khẳng định không bao giờ chỉ chọn các vai diễn mà bản thân có lợi thế, Kim Dung cho hay: “Tôi không kén chọn mà luôn nỗ lực hết mình để hoàn thành, dù là vai lớn hay nhỏ”. Tôi hướng tới hình ảnh một con người mang lại nguồn năng lượng tích cực nên vai diễn dù khắc khổ hay cá tính cũng phải ẩn chứa những giá trị văn hóa, bài học sâu sắc. Tôi không ngại khó khăn, sẽ luôn tìm cách vượt qua thử thách để chinh phục các vai diễn kể cả ‘khác màu'”.

z5904100415842_fbdff27830072f3597af9befaa5f98a0.jpg

Dù đã đạt được một số thành công nhất định nhưng Kim Dung không ngừng trau dồi kiến thức để phát triển nghề nghiệp. Chị học thêm từ bạn bè, thầy cô, những người luôn thấu hiểu và chia sẻ đam mê nghệ thuật.

“Thầy tôi, đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu, mỗi lần đi nước ngoài có cơ hội tiếp cận với những điều mới mẻ là thầy kể cho tôi nghe về sự phát triển của nền nghệ thuật thế giới. Những video, hình ảnh về sân khấu thầy chia sẻ đã giúp tôi định hình phần nào góc nhìn về sân khấu. Thầy cũng giới thiệu những người bạn trong nghề để tôi có thể theo dõi và học hỏi”, nữ nghệ sĩ chia sẻ với VietNamNet.