Phát hiện nhiều cơ sở san chiết, đóng gói mì chính không rõ nguồn gốc

Thông tin từ Tổng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho biết qua xác minh và kiểm tra sơ bộ đã phát hiện 26 tổ chức, cá nhân tại 9 tỉnh thành gồm: Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, An Giang, Bình Định, Bình Dương, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Trị có hành vi san chiết, đóng gói mì chính không rõ nguồn gốc xuất xứ để tiêu thụ tại các chợ, tạp hóa… toàn quốc.

Phát hiện nhiều cơ sở san chiết, đóng gói mì chính không rõ nguồn gốc- Ảnh 1.

Một số loại mì chính san chiết đóng gói không rõ xuất xứ đang lưu thông trên thị trường

Các tổ chức, cá nhân này không phải là công ty sản xuất mì chính trực tiếp được cấp phép tại Việt Nam. Cùng đó nhiều sản phẩm mì chính được đóng gói cũng không rõ thông tin về thời hạn sử dụng.

Đơn cử, như Công ty TNHH thực phẩm Starfood Việt Nam có sản phẩm mì chính là: Mì chính King và Arion (trên bao bì chỉ ghi địa chỉ là số 27/533 đường Tam Trinh, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai; đóng gói tại: số 93 Lĩnh Nam, phường Mai Động, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội).

Công ty này cũng có thêm sản phẩm mì chính Aji-Gold (trên bao bì có ghi địa chỉ số 30, Lô N5A, khu tái định cư X2B phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội).

Phát hiện nhiều cơ sở san chiết, đóng gói mì chính không rõ nguồn gốc- Ảnh 2.

Công ty TNHH Thực phẩm Starfood Việt Nam- cơ sở có sản phẩm mì chính san chiết

Theo Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội, qua kiểm tra Công ty TNHH thực phẩm Starfood Việt Nam đã chuyển cơ sở sản xuất tại số 93 Lĩnh Nam và không còn ở địa chỉ nói trên, hiện chưa tìm thấy địa chỉ mới. Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội đang tiếp tục xác minh các cơ sở khác.

Tại tỉnh Vĩnh Phúc, Cơ quan quản lý thị trường tỉnh cũng tiến hành xác minh, kiểm tra cơ sở đóng gói mì chính nhãn hiệu Asato (tên ghi trên bao bì là Công nghệ sản xuất và thương mại thực phẩm Nhân Thịnh – TTT Phúc Sơn, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc). Khi cơ quan chức năng đến địa chỉ trên cũng không tìm thấy tên cơ sở đóng gói; địa chỉ ghi trên bao bì cũng không chính xác.

Ngoài ra, theo cơ quan chức năng, trên thị trường còn phát hiện một số sản phẩm có tên mì chính Kimochi, Sakara, Fuji-Moto, Acook, Famimoto, Phuta777, Sela… không ghi thông tin xuất xứ hàng hóa, ngày đóng gói; không thông tin tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa hoặc ghi nhãn không đúng, không theo quy định.

Cục Quản lý thị trường một số địa phương cho biết qua xác minh, khảo sát, kiểm tra tại một số địa phương ghi nhận nhiều cơ sở có “địa chỉ ảo”, không có thật. Kiểm tra một số cơ sở đóng gói mì chính theo địa chỉ ghi trên bao bì, cơ sở đã ngưng sản xuất, không lưu mẫu.

Trước đó, đầu tháng 10 vừa qua Tổng Cục Quản lý thị trường đã có văn bản gửi các tỉnh, TP: Vĩnh Phúc, Hà Nội, Phú Thọ, Quảng Trị, Bình Định, Đà Nẵng, TP HCM, An Giang xác minh nguồn gốc xuất xứ, sang chiết, đóng gói, ghi nhãn mì chính.

Phát hiện nhiều cơ sở san chiết, đóng gói mì chính không rõ nguồn gốc- Ảnh 3.

Sản phẩm mì chính đóng gói không đúng quy định được bày bán tại các cửa hàng

Theo tiến sĩ- bác sĩ Nguyễn Thị Hương Lan, Giảng viên bộ môn dinh dưỡng và an toàn thực phẩm (Trường Đại học Y Hà Nội), người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sức khỏe, tuy nhiên lại chưa có thói quen kiểm tra kỹ nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm trước khi mua.

“Việc sử dụng các loại thực phẩm, gia vị không đảm bảo chất lượng sẽ gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, có thể là trước mắt hoặc về lâu về dài. Do đó, người tiêu dùng nên kiểm tra kỹ thông tin trên bao bì sản phẩm trước khi mua để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình, nhất là đối với các mặt hàng thực phẩm, gia vị”- bác sĩ Lan khuyến cáo.