Tôi nhớ mãi mẹ chồng nói: “Khi mẹ t:ức gi:ận, con phải để mẹ mắng ch:ử:i cho thỏa”

Mười năm qua, tôi chưa từng phụ thuộc vào chồng, tôi nghĩ mình đã sống rất trọn vẹn nghĩa tình suốt thời gian đó rồi.

Tôi là tác giả của bài viết “Tôi hối hận vì không khám tiền hôn nhân”. Gia đình tôi khá giả, ngược lại, gia đình chồng chỉ đủ ăn đủ mặc. Do hồi nhỏ hay chứng kiến cảnh ba đánh mẹ nên tôi thương anh vì tính hiền lành. Trước khi kết hôn, anh rơi vào cảnh thất nghiệp. Gia đình và tôi vẫn luôn bên cạnh, động viên anh. Nhà tôi chẳng thách cưới. Ngày cưới, ngoại trừ bộ nhẫn, tất cả vòng vàng đều là đồ giả mà vợ chồng tôi đi thuê. Tôi chỉ đơn giản nghĩ hai vợ chồng yêu thương nhau sẽ từ từ làm nên được. Căn hộ chung cư, phần lớn tiền là của hồi môn của tôi.

Chồng tôi thu nhập khá nhưng không phải là người có năng lực. Mười năm cưới nhau, ba lần anh bị thất nghiệp, cứ một hai năm lại nhảy việc một lần. Anh luôn phàn nàn về công việc. Tôi khuyên chồng học thêm để nâng cao năng lực nhưng anh luôn nản lòng rất sớm. Do đó, tôi luôn trong trạng thái phập phồng về tài chính nên chưa bao giờ dám phung phí gì cho bản thân.

Về gia đình chồng, tôi không đề cập nhiều trong bài viết trước vì quá chán nản. Họ xem thường người nước ngoài, dù che giấu kỹ nhưng lâu lâu vẫn bộc lộ ra. Trước đây, gia đình chồng không cho rằng bệnh của anh là do gene vì nhà họ không ai mắc bệnh này. Thế nên mẹ chồng luôn mang tâm lý đổ lỗi cho tôi và Việt Nam vì đã gây ra căn bệnh cho anh ấy.

 

Nhiều lần, vì những chuyện vặt vãnh như chăn màn không kịp gấp, chén đũa chưa kịp rửa, bà ấy chửi tôi 2-3 giờ liền. Có đợt còn gọi cả họ hàng nhà chồng đến để dạy tôi cách cung phụng nhà chồng. Trong buổi họp đó, tôi nhớ mãi mẹ chồng nói: “Khi mẹ tức giận, con phải để mẹ mắng chửi cho thỏa. Dù mẹ có sai, con cũng không được lên tiếng. Vài ngày sau, mẹ nguôi giận rồi, con mới được phép nói”. Sau buổi họp gia đình đó, cô bạn phiên dịch bảo tôi là: “Em nghĩ chị đừng nên học tiếng làm gì. Vì nếu hiểu được, chị sẽ còn uất ức hơn nhiều đấy”. Chồng tôi tuy biết mẹ quá đáng, nhưng im thin thít và luôn bắt tôi xin lỗi bà ấy.

Tháng 8 năm 2023, chồng tôi bị công ty ở Việt Nam sa thải. Lúc đó, mẹ chồng bị hỏng điện thoại, ba chồng mua cho bà chiếc mới. Mẹ chồng biết rõ nhà chúng tôi còn nợ nần, chồng tôi bệnh nặng và đang thất nghiệp nhưng trong bữa ăn với họ hàng, bà ấy vẫn nói: “Lần trước điện thoại mẹ hỏng, con trai thứ mua cho mẹ rồi. Lần này thì bố mua cho mẹ. Vậy đến bao giờ con trai trưởng (chồng tôi) mới mua điện thoại cho mẹ nhỉ?”.

Hồi tháng năm, sau khi chồng tôi và con về Việt Nam, anh có yêu cầu bé sắp xếp hành lý. Lúc đó bé mệt và đói nên chỉ ngồi nghỉ. Không nói quá hai câu, chồng tôi cầm chiếc balo mà bé yêu thích nhất đem ra nhà rác của chung cư vứt khiến bé khóc rất nhiều. Tôi nghe bé kể lại nên nhận ra chồng bị trầm cảm. Tôi chia sẻ với nhà chồng, mong họ hỗ trợ tâm lý giúp anh nhưng kết quả là bản thân lại bị chửi ngược. Tôi biết họ xót con họ, nhưng người chịu tổn thương vẫn là tôi và con.

Sau nhiều chuyện như vậy, tôi mới quyết định trở về Việt Nam. Năm năm chồng bệnh, tôi luôn đồng hành cùng anh. Tôi đã phải nghe nhiều chẩn đoán kinh khủng và nhìn thấy nhiều bệnh nhân đi đứng không vững, nói không thành tiếng khi chờ đợi trước cửa phòng khám. Đó là sự tra tấn tâm lý. Tôi luôn cố tỏ ra bình tĩnh trước mặt chồng, rồi lén khóc nức nở mỗi khi một mình. Những ngày thành phố bị phong tỏa vì dịch Covid-19, tôi luồn lách qua các chốt kiểm dịch để đưa chồng đi tập vật lý trị liệu.

Trước đây tôi là trưởng phòng ở các tập đoàn nước ngoài. Do chưa rành tiếng nên gần hai năm bên đất nước này, tôi làm đủ mọi nghề, từ rửa chén, dọn khách sạn, dạy tiếng Anh, phụ bếp, cọ nhà vệ sinh. Nhiều lúc vừa làm vừa khóc. Công việc của tôi kết thúc lúc 11h đêm, bữa cơm tối thường là 11h30. Tôi làm liên tục, có ốm cũng không dám nghỉ ngơi dù chỉ một ngày. Đây là xứ sở trọng nam khinh nữ. Phụ nữ thực sự rất khó tìm được công việc tử tế. Một người bạn của tôi cũng kết hôn và qua đây bốn năm, đã rành tiếng và có học vấn nhưng vẫn chưa tìm được việc làm. Những công việc chân tay như tôi thì bị người bản xứ coi thường lắm.

 

Như đã nói ở bài viết trước, tôi hiểu quyết định của mình là sự tàn nhẫn với chồng. Tôi từng cân nhắc về việc đưa con sang đất nước này sống, nhưng tôi chẳng có chỗ dựa. Con còn nhỏ, nếu tôi đi làm từ sáng đến tận khuya mới về, ai sẽ là người chăm sóc cho con tôi đây? Để bé sống với một người cha có vấn đề về tâm lý liệu có phải là lựa chọn tốt? Chồng tôi bị trầm cảm nên lúc nào tôi cũng như đi trên tảng băng mỏng. Ví dụ như khi anh bị sa thải, tôi khuyên anh đừng đi Malaysia chữa bệnh theo phương pháp dân gian nữa, hãy giữ lại số tiền trợ cấp thôi việc cho bản thân và cho con. Anh ấy đáp lại là: “Tôi bệnh. Tôi phải lo cho bản thân trước. Cô chỉ biết nghĩ đến con, không biết nghĩ gì đến tôi cả. Có phải ăn phân voi thì tôi cũng chấp nhận ăn. Bạn bè còn quan tâm đến tôi hơn cô…”. Cả việc tôi yêu cầu xem kết quả xét nghiệm gene để xem bé có thể bị di truyền không, tôi cũng bị chồng và nhà chồng mắng là ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến con.

Mười năm qua, tôi chưa từng phụ thuộc vào chồng, tôi nghĩ mình đã sống rất trọn vẹn nghĩa tình suốt thời gian đó rồi. Hiện tại, tôi đưa anh đi trị liệu tâm lý hàng tuần ở một trung tâm phúc lợi của chính phủ. Trong thời gian còn lại, tôi sẽ cố đối xử thật tốt với anh. Tôi cố sống thật tốt mỗi ngày, làm tốt những công việc có thể, tập thể dục và ăn uống đầy đủ để giữ sức khỏe cho bản thân vì tôi biết con chỉ còn trông cậy vào mẹ. Lần này xin hãy để tôi ích kỷ một chút, bù đắp cho con. Cảm ơn các bạn đã cảm thông, thấu hiểu và dành lời động viên cho tôi. Chúc mọi người luôn hạnh phúc và khỏe mạnh.