Tại sao bố chồng lại kéo chúng tôi vào chuyện này?
Nhà bố mẹ chồng tôi có 2 người con trai và 1 gái, vợ chồng tôi và anh cả ở ngay cạnh ông bà. Từ trước đến nay, mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái rất tốt, không có vấn đề gì xảy ra.
Thậm chí tôi còn cảm nhận thấy bố mẹ chồng rất coi trọng dâu trưởng và thờ ơ với dâu út. Mỗi khi chuẩn bị giỗ chạp gì, ông luôn gọi dâu trưởng qua bàn chuyện cỗ làm những món gì và mời bao nhiêu khách.
Còn bà thì chăm chút các cháu của chị dâu chu đáo để anh chị yên tâm làm việc. Bởi bà cho rằng vợ chồng chị dâu có điều kiện, nhanh nhẹn tháo vát, là người sẽ lo chu toàn cho ông bà lúc về già.
Mỗi khi tôi biếu gì ông bà không bao giờ khoe với ai nhưng dâu trưởng biếu quà là khoe cả làng, nhắc lại từ năm này sang năm khác. Nhiều lúc tôi cảm thấy chạnh lòng vì bản thân không được bố mẹ chồng coi trọng.
Tôi nhớ lúc vợ chồng muốn ra ở riêng, ông nội còn nói chúng tôi ở đâu cũng được, ông không quan tâm, bởi chỉ cần có con trưởng ở bên là đủ.
Trong mắt ông bà, dâu út như kẻ thừa nhưng mỗi khi gia đình có việc gì là tôi đều có mặt, nếu thiếu là có chuyện.
Bố chồng tôi là trưởng tộc, mỗi năm phải đảm nhận 8 cái giỗ trong họ. Mọi người trong họ không ai thoát ly làm ăn xa, gia đình nào cũng đông con trai nên mỗi khi có giỗ ít là 5 mâm, còn nhiều là 10 mâm.
Cứ mỗi lần có giỗ là bố chồng tôi báo cho con cháu, ai đến tham dự được thì báo suất và đóng tiền, ông cũng nhắc nhở mọi người đến sớm làm cỗ. Thế nên mỗi lần có cỗ, mọi người đến từ sớm làm cỗ và mỗi người một công việc, ai cũng có ý thức dọn dẹp lau chùi nhà cẩn thận sau mỗi khi cỗ bàn ăn xong.
Ảnh minh họa
Ngày hôm kia là giỗ tổ, trong lúc họp bàn làm 25 mâm cỗ thì chị dâu của tôi đứng lên phát biểu. Chị nói:
“Gia đình ai cũng đi làm công ty, một tháng nghỉ buổi ăn cỗ là mất tiền chuyên cần. Con nghĩ các cụ nên tổng hợp 8 cái giỗ thành một cái chung và giỗ thật to, có đông đủ con cái cháu chắt như thế sẽ rất vui vẻ, ý nghĩa. Hiện tại, tháng nào cũng giỗ chạp, chúng con không kham nổi”.
Chị dâu tôi vừa nói xong, bố chồng tức giận đập bàn quát im miệng và đuổi chị ấy ra khỏi cuộc họp, nói chị là trẻ con, ăn nói không suy nghĩ trước sau, không xứng là dâu trưởng, con cháu bất hiếu không được ngồi bàn chuyện.
Bố chồng bảo ai cũng có suy nghĩ như chị dâu thì làm gì còn họ tộc, tổ tiên. Những người đã khuất là người gây dựng lên dòng họ này, mọi người phải ghi nhớ công ơn của những bậc tiền bối và mỗi năm tưởng nhớ một ngày. Nếu gộp tất cả các giỗ lại thì còn ra thể thống gì nữa. Sau này con cháu làm sao nhớ nổi ai là kỵ, ai là cụ ông, cụ bà.
Việc mỗi năm con cháu nhớ ngày giỗ người đã mất là thể hiện sự hiếu thảo, hiếu kính và dạy dỗ cho thế hệ sau biết nhớ đến cội nguồn, một việc làm ý nghĩa thế, vậy mà chị dâu tôi lại mở miệng nói nhăng nói cuội được.
Trách chị dâu xong, bố chồng quay qua vợ chồng tôi, nói hãy đảm nhận chức trưởng tộc và không cần con cả phải gánh vác nữa. Bởi ông sợ chị dâu sẽ làm dòng họ tan nát.
Buổi tối hôm đó, chồng tôi bàn tính, nếu anh cả không ở nhà thì chúng tôi sẵn sàng thay thế anh ấy lo toan cho cả họ nhưng anh sống ở quê, làm sao chúng tôi có thể vượt mặt được. Với lại nhiệm vụ của trưởng họ rất lớn, không đơn giản chỉ đến ăn cỗ hay làm cỗ là xong, chúng tôi sợ không đảm nhận được mọi người chê cười. Tôi không biết phải làm sao nữa?