Bão sắp vào Biển Đông, các địa phương theo sát diễn biến

Áp thấp nhiệt đới sẽ nhanh chóng di chuyển vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 4, với hướng di chuyển phức tạp.

Áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông di chuyển nhanh, đường đi phức tạp hơn siêu bão Yagi
Hướng đi và thời điểm áp thấp nhiệt đới trở thành bão số 4 trên Biển Đông
Thêm một áp thấp gần Philippines, có thể thành bão vào biển Đông

Bão sắp vào Biển Đông, các địa phương theo sát diễn biến- Ảnh 1.

Vị trí và hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới. Nguồn: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 1 giờ ngày 17-9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 17,0 độ Vĩ Bắc; 122,0 độ Kinh Đông, trên đất liền phía Đông đảo Luzon (Philippines). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7, giật cấp 9; di chuyển chủ yếu theo hướng Tây khoảng 15 km/giờ.

Đến 1 giờ ngày 18-9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,6 độ Vĩ Bắc; 116,4 độ Kinh Đông, trên khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 420 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất cấp 8, giật cấp 10, di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, khoảng 25 km/giờ, di chuyển vào Biển Đông, mạnh lên thành bão số 4.

Đến 1 giờ ngày 19-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,3 độ Vĩ Bắc; 112,2 độ Kinh Đông, trên khu vực quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất cấp 9, giật cấp 10, di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, khoảng 15-20 km/giờ.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15 km.

Do tác động của áp thấp nhiệt đới, vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10 biển động mạnh.

Vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông sóng biển cao 2-4 m, từ chiều 17-9 tăng lên 3-5 m. Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn.

Tây Nguyên, Nam Bộ mưa rất to
Đêm qua và sáng sớm nay (17-9), ở khu vực Trung và Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ đã có mưa rào và dông, cục bộ có nơi mưa to đến rất to, có nơi trên 50 mm như: Tuy Đức (Đăk Nông) 69.2 mm, A Lưới (Thừa Thiên- Huế) 50,6 mm, Cửa Cạn (Kiên Giang) 114,8 mm, Châu Thành (Hậu Giang) 82 mm, Xuân Hòa (Sóc Trăng) 71 mm, Ô Môn (Cần Thơ) 61,6 mm, …

Dự báo từ sáng sớm ngày 17-9 đến đêm 18-9, ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 40-80 mm, cục bộ có nơi trên 150 mm (thời gian mưa tập trung vào chiều và đêm).

Ngoài ra, ngày và đêm 17-9, ở khu vực Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 10-30mm, cục bộ có nơi trên 50 mm (thời gian mưa tập trung vào chiều tối và đêm). Ở khu vực Trung Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to đến rất to với lượng mưa từ 15-30 mm, cục bộ có nơi trên 80 mm (thời gian mưa tập trung vào chiều tối và đêm).

Chiều 16-9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Công điện số 6851/CĐ-BNN-ĐĐ đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận và các Bộ, ngành liên quan chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông có thể mạnh lên thành bão.

Đề nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới; quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Các Bộ, ngành, địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu, đồng thời tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai).