Chiều 25-10, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan chủ trì cuộc họp trực tuyến với các bộ, ngành và các tỉnh, thành từ Quảng Ninh đến Bình Thuận để ứng phó với bão số 6 (bãoTrami).
Báo cáo tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết sau khi vào Biển Đông, bão số 6 đang di chuyển ổn định theo hướng Tây, hướng về quần đảo Hoàng Sa.
Hồi 16 giờ ngày 25-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,6 độ Vĩ Bắc; 116,6 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 450 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, giật cấp 12. Di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 20 km/giờ.
Theo ông Khiêm, đặc điểm của bão số 6 có hoàn lưu bão rất rộng, vùng mây gây mưa 500 -600 km, gió mạnh cấp 8 có bán kính khoảng 250 km. Phần lớn hoàn lưu bão nằm lệch phía Tây tâm bão nên tâm bão chưa đến nhưng phía tây đã có mưa to, gió lớn.
Về các dự báo quốc tế, ông Khiêm cho biết hiện nay các dự báo đều thống nhất bão số 6 đi vào vùng biển miền Trung và cường độ mạnh nhất của bão khi ở trên Biển Đông mạnh cấp 12-13. Trong đó đài Hồng Kông dự báo mạnh cấp 12, Trung Quốc dự báo mạnh cấp 13.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đánh giá từ chiều 26-10, bão di chuyển đến Bắc quần đảo Hoàng Sa sẽ đạt cường độ mạnh cấp 12, giật cấp 15. Đến chiều và đêm chủ nhật (27-10), bão ở trên vùng biển Quảng Bình – Quảng Ngãi.
Đối với tác động của bão số 6, ông Mai Văn Khiêm cho biết dự báo ở khu vực ở Bắc Biển Đông có gió cấp 12, giật 15, sóng 5-7 m, gần tâm 7-9 m. Từ gần sáng 27-10, vùng biển Quảng Bình đến Quảng Ngãi, bao gồm đảo Lý Sơn có gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-11, giật cấp 14. Vùng ven biển các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định có sóng 2-4m, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam sóng cao 3-5 m.
Về gió trên đất liền, ông Khiêm lưu ý với hướng di chuyển như hiện nay và kịch bản khi bão vào gần bờ hoặc chạm bờ (xác suất khả năng cao nhất 60-70%) thì ven biển Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió cấp 6-8, giật cấp 10.
Còn nếu bão đi sâu hơn vào đất liền, khả năng có gió mạnh hơn, gió cấp 7-9, giật cấp 11-12. Trong đó trọng tâm cần lưu ý là các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi.
“Do hoàn lưu bão rất rộng, nguy cơ mưa lớn diện rộng ở Trung Trung Bộ”- ông Khiêm lưu ý.
Theo ông Khiêm, dự báo các tỉnh Quảng Trị đến Quảng Ngãi mưa to với tổng lượng mưa phổ biến 300-500 mm, cục bộ có nơi trên 700 mm, cảnh báo nguy cơ mưa lớn trong thời gian ngắn trên 100 mm trong 3 giờ. Trên các sông Quảng Trị đến Quảng Ngãi có thể lên báo động 2 – báo động 3. Cần lưu ý ngập úng, ngập lụt đô thị ở Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế. “Nếu bão thay đổi hướng sớm hơn (xác suất thấp) thì tác động mưa gió trên đất liền sẽ giảm hơn” – ông Khiêm cho hay.
Dù vậy, ông Mai văn Khiêm cũng lưu ý dự báo về bão số 6 còn có khả năng thay đổi, nên chính quyền các địa phương và người dân cần thường xuyên theo dõi bản tin dự báo để chủ động ứng phó.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh đây là cơn bão rất mạnh và là con bão đầu tiên vào miền Trung trong năm nay. Ngay từ đầu năm, dự báo đã có những trận lụt lớn năm Giáp Thìn, vừa rồi bão số 3 (Yagi) gây ra lụt khủng khiếp sau 70 năm ở miền Bắc. Với kịch bản hiện tại “rất lo lắng một đợt lụt nữa xảy ra ở miền Trung như năm 2020” – ông Hiệp khuyến cáo.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu các địa phương tổ chức di chuyển tránh trú bão một cách hợp lý, tránh trường hợp để lại người trên lồng bè; thu hoạch sớm hoặc đánh chìm các lồng bè để bảo đảm an toàn cho vùng nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, sớm lên phương án thu hoạch đối với các diện tích hoa màu trước ngày 27-10.