Ca ngợi HLV Park nhưng ít ai biết HLV Troussier mới là người các cầu thủ cần và yêu quý

HLV Park Hang-seo mang lại bộ sưu tập danh hiệu đồ sộ cùng bóng đá Việt Nam, nhưng cái giá để trả cũng rất đắt.

Nhiều cầu thủ hỏng sự nghiệp sau triều đại Park Hang Seo

Thời gian gần đây người hâm mộ nói rất nhiều đến câu chuyện HLV Troussier gạch tên những cầu thủ như Công Phượng, Duy Mạnh ở chiến dịch VL World Cup 2026. Xa hơn, tại Asian Cup hồi đầu năm, ông cũng thẳng tay gạch bỏ nhiều cái tên là trụ cột vì chấn thương dù rất muốn có lực lượng mạnh nhất.

Trong quá khứ, cách dùng người của HLV Park Hang Seo lại khác. Thành công của HLV Park đi kèm với nhiều sự đánh đổi, đặc biệt là chấn thương của các cầu thủ.

Trong những năm dẫn dắt ĐTVN, ông Park chỉ thường xuyên sử dụng 1 đội hình, với những sự thay đổi gần như rất hạn chế. Mỗi khi chuẩn bị cho giải đấu nào đó, người ta biết ngay ông sẽ gọi những ai.

Việc các cầu thủ phải liên tục cày ải, đặc biệt khi chấn thương nhưng vẫn phải thi đấu khiến nhiều cầu thủ bị chấn thương dai dẳng và sau đó vật lộn với quá trình hồi phục.

Trường hợp tiêu biểu và đáng tiếc nhất phải kể đến là Đình Trọng. Hậu vệ được xem là ‘của hiếm’ của bóng đá Việt Nam, với cách chơi bóng đầu óc, được mệnh danh ‘chuyên gia săn Tây’ nay đang vật lộn với chấn thương, mà nguyên nhân đến từ cách dùng người của HLV Park.

Bác sỹ Nguyễn Trọng Thủy, người từng nhiều lần lên tuyển để chăm sóc sức khỏe cho các cầu thủ kể câu chuyện đau lòng về Đình Trọng, khi anh chưa hoàn toàn bình phục nhưng vẫn phải thi đấu: “Khi chuẩn bị cho SEA Games 2019, Đình Trọng đã lên tập cùng đội tuyển và bị đau. Ngày ấy tôi cũng đã trả lời truyền thông, nói rằng Đình Trọng dù có được phẫu thuật tốt, phục hồi tốt, cơ địa tốt như thế nào đi chăng nữa thì với từng ấy thời gian (chưa đầy 6 tháng từ ngày dính chấn thương – PV) cũng chưa thể nào tập luyện được với cường độ cao cùng đội, chứ đừng nói là thi đấu.

Bản thân tôi khi đó không ở trong đội nên cũng không thể biết nguyên nhân do đâu mà Đình Trọng lại tập luyện như vậy. Chỉ thấy rằng bạn ấy cũng rất khát khao cống hiến nhưng như vậy là quá sớm. Và mọi thứ sau đó ảnh hưởng rất lớn, Trọng phải mổ đi mổ lại, tốn nhiều thời gian hơn rất nhiều.

Tôi nghĩ điều cần thiết lúc ấy là tôn trọng quá trình liền sẹo và tuân thủ đúng quá trình phục hồi, chuẩn chỉ thời gian thì bạn ấy sẽ không mất lâu thời gian phục hồi như vậy”.

Lỡ hẹn với SEA Games 2019, Đình Trọng sau đó ra sân thi đấu cả 3 trận (2 lần thay người, 1 lần đá chính) ở VCK U23 châu Á vào tháng 1/2020. Sau giải đấu này, trung vệ 23 tuổi liên tục phải lên bàn mổ.

Trong năm 2020 và 2021, anh 2 lần phẫu thuật để điều trị chấn thương dây chằng và sụn chêm đầu gối. Đến đầu năm 2023, Đình Trọng tiếp tục gặp vấn đề với đầu gối trái và phải nghỉ cả mùa.

Ngoài Đình Trọng, có thể kể thêm những trường hợp đáng tiếc khác, tiêu biểu như Đoàn Văn Hậu, như Phan Văn Đức… Đây đều là những tài năng sáng giá của bóng đá Việt Nam, vậy mà giờ đây họ đều đang phải vật lộn với chấn thương.

Sự khác biệt của HLV Troussier

Ông Troussier có thể không được lòng NHM hay truyền thông vì những phát ngôn ‘thẳng như ruột ngựa’, nhưng với cách dùng người, ông có nguyên tắc rõ ràng và phải thừa nhận đây là mẫu HLV mà các cầu thủ cần và sẽ yêu quý về sau này.

Tại Asian Cup, HLV Troussier chịu nhiều sức ép về thành tích nhưng ông nhất quyết gạch bỏ những cái tên được xem là trụ cột như Hoàng Đức (dù có thể đá ở những trận sau đó), Thành Chung, Văn Hậu…

Đến Vòng loại WC mới đây, ông cũng thẳng tay gạch bỏ Công Phượng, Duy Mạnh, dù cả hai cũng rất quan trọng. Công Phượng thậm chí nài nỉ được tập luyện nhưng khi nghe các bác sĩ tham vấn, ông loại bỏ Công Phượng để anh bình phục. Tương tự là Duy Mạnh.

cong-phuong-3-1710891429.jpg

Công Phượng có thể trách HLV Troussier lúc này nhưng sau này anh sẽ phải cảm ơn HLV Troussier khi ông đã không dùng anh khi đang còn chấn thương.

HLV Troussier có triết lý và quan điểm rõ ràng, ai đang chấn thương, có nguy cơ nặng nếu cố dùng ông sẽ không dùng.

Có thể HLV Park mang lại nhiều danh hiệu nhưng HLV Troussier xứng đáng nhận được sự tôn trọng, về tính nhân văn trong cách dùng người của mình.