Di chúc là sự thể hiện ý chí của một người nhằm chuyển giao tài sản của người đó sau khi chết cho người khác. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào người chết cũng kịp lập di chúc, hoặc có những trường hợp di chúc được lập nhưng không hợp pháp, không có hiệu lực.
1. Căn cứ pháp lý
Luật Công chứng 2014;
Luật Đất đai 2013;
Bộ Luật Dân sự 2015.
2. Quy định về thừa kế khi không có di chúc
– Khi người có tài sản qua đời mà không để lại di chúc thì tài sản sẽ được phân chia theo quy định của luật dân sự (Thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định).
– Việc xác định người thừa kế theo hàng thừa kế dựa trên ba mối quan hệ: hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng.
– Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 71 BLDS 2015.
– Thời hiệu thừa kế để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với BĐS, 10 năm đối với động sản kể từ thời điểm mở thừa kế.
– Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì được giải quyết như sau:
+ Thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định.
+ Nếu không có người chiếm hữu thì tài sản thuộc về Nhà nước.
– Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
3. Thừa kế theo pháp luật
Những trường hợp áp dụng chia thừa kế theo pháp luật gồm:
– Trường hợp 1: Không có di chúc.
– Trường hợp 2: Có di chúc nhưng di chúc không hợp pháp. Di chúc không hợp pháp sẽ không có hiệu lực pháp luật.
– Trường hợp 3: Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
– Trường hợp 4: Người thừa kế theo di chúc không có quyền hưởng di sản.
– Trường hợp 5: Người thừa kế theo di chúc từ chối nhận di sản.
– Trường hợp 6: Phần di sản không được định đoạt trong di chúc thì chia thừa kế theo pháp luật.
Nguyên tắc chia di sản theo pháp luật
– Phân chia đều nhau, theo thứ tự hàng thừa kế, phân chia cho những những người nằm trong diện thừa kế.
– Phương thức phân chia gồm có phân chia theo hiện vật và theo giá trị của hiện vật, nếu không thỏa thuận được thì hiện vật được bán để chia.
Tùy vào từng trường hợp mà pháp luật quy định về người thừa kế, điều kiện áp dụng, trường hợp áp dụng thực hiện phân chia di sản thừa kế.
4. Xác định hàng thừa kế
a. Hàng thừa kế thứ nhất
Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b. Hàng thừa kế thứ hai
Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c. Hàng thừa kế thứ ba
Cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
HÀNG THỪA KẾ
Lưu ý:
– Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau
– Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
5. Thừa kế thế vị
– Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống;
– Nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.
6. Điều kiện nhận thừa kế quyền sử dụng đất
– Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
– Người để lại di sản (người sử dụng đất) có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ/sổ hồng)
– Đất không có tranh chấp.
– Đất không bị kê biên để đảm bảo thi hành án.
– Đất còn thời hạn sử dụng.
7. Thủ tục khai di sản thừa kế là đất đai không có di chúc
Bước 1: Người thừa kế chuẩn bị và nộp đầy đủ hồ sơ:
– Phiếu yêu cầu công chứng (theo mẫu của tổ chức hành nghề công chứng) do người thừa kế ghi đầy đủ thông tin kèm chữ ký.
– Dự thảo Văn bản thoả thuận phân chia di sản thừa kế hoặc Văn bản khai nhận di sản thừa kế (nếu những người thừa kế có soạn trước văn bản này).
– Giấy tờ tuỳ thân của những người thừa kế (bản sao): CMND/CCCD/Hộ chiếu còn hạn sử dụng, giấy khai sinh (trong trường hợp là con hoặc cháu… của người chết), đăng ký kết hôn (nếu người thừa kế là vợ, chồng của người chết), giấy xác nhận tình trạng hôn nhân,…
– Giấy tờ tuỳ thân của người để lại di sản (bản sao): Giấy chứng tử của người chết và của những người ở các hàng thừa kế (nếu có).
– Sổ đỏ hoặc sổ hồng
Bước 2: Công chứng viên kiểm tra, xem xét đầy đủ hồ sơ, giấy tờ; nghe và xem xét trường hợp chia thừa kế của người yêu cầu công chứng và đưa ra quyết định:
– Tiếp nhận, thụ lý và ghi vào sổ công chứng.
– Từ chối công chứng.
– Yêu cầu người thừa kế bổ sung giấy tờ, tài liệu còn thiếu.
Bước 3: Công chứng viên phải soạn thảo văn bản niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp xã nơi thường trú cuối cùng của người chết. Nếu nơi này và nơi có đất khác nhau thì công chứng viên còn cần phải niêm yết tại trụ sở UBND cấp xã nơi có đất.
Việc niêm yết này được thực hiện trong 15 ngày làm việc.
Bước 4: Sau khi nhận được kết quả niêm yết từ UBND cấp xã, công chứng viên sẽ hướng dẫn người thừa kế ký vào một trong hai văn bản: Thỏa thuận phân chia di sản hoặc khai nhận di sản nếu không có khiếu nại, tố cáo về nội dung chia thừa kế.
Bước 5: Công chứng viên đối chiếu bản chính với bản sao giấy tờ đã được người yêu cầu công chứng nộp trước đó. Nếu đầy đủ hồ sơ thì ký xác nhận vào từng trang của văn bản chia thừa kế, ký tên vào lời chứng và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.
Thời gian thực hiện công chứng là từ 02 – 10 ngày làm việc không kể thời gian xác minh, niêm yết thông báo và nhận kết quả niêm yết.
8. Giải quyết tranh chấp khi chia thừa kế đất đai không có di chúc
Bước 1: Xác định nội dung tranh chấp thừa kế muốn khởi kiện
– Tài sản nào (di sản) yêu cầu phân chia và cách phân chia mong muốn.
– Thời hiệu khởi kiện đòi quyền thừa kế đối với tài sản đó còn hay không.
Bước 2: Nộp hồ sơ khởi kiện tranh chấp di sản thừa kế tới Tòa án
Người khởi kiện phải tự mình hoặc ủy quyền thực hiện thủ tục nộp hồ sơ khởi kiện và nhận các thông báo, công văn từ Tòa án.
Bước 3: Nộp án phí tại Chi cục thi hành án dân sự
Hồ sơ sau khi được Tòa án tiếp nhận thì bạn sẽ nhận được thông báo đóng tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm. Bạn cần thực hiện việc đóng tạm ứng án phí trong vòng 07 ngày đúng với nội dung thông báo. Án phí nộp xong thì gửi biên lai gốc cho Tòa án.
Bước 4: Yêu cầu thi hành án bản án giải quyết tranh chấp di sản thừa kế
Tranh chấp thừa kế sau khi được Tòa án giải quyết bằng một bản án, quyết định có hiệu lực mà người có nghĩa vụ không thực hiện thì người có quyền lợi được quyền nộp đơn yêu cầu thi hành án tới chi cục thi hành án dân sự để được thi hành bản án.