Cách xe trước bao nhiêu mét không được bật đèn pha chiếu xa?

Ở Mỹ, phần lớn các bang quy định trong vòng 61-91 m không được bật đèn pha chế độ chiếu xa, trong khi Việt Nam không có quy định cụ thể.

Tầm quan sát hạn chế vào ban đêm có thể là điều đáng sợ kể cả với các tài xế có kinh nghiệm. Và lái xe vào ban đêm cũng nguy hiểm hơn so với lúc trời sáng. Đèn pha, hay đèn chiếu xa, chiếu theo góc để soi sáng mặt đường cách 106-122 m phía trước, hay khoảng gấp đôi so với đèn chiếu gần, hay đèn cos.

Trong khi đèn pha giúp cho bạn được an toàn, thì thiết bị này cũng có thể gây nguy hiểm cho các tài xế khác nếu bạn sử dụng không đúng cách. Mọi bang ở Mỹ đều có luật quy định tài xế phải chuyển từ đèn chiếu xa sang chiếu gần bất cứ khi nào có nguy cơ làm chói mắt các tài xế khác. Khoảng cách cụ thể còn tùy thuộc quy định từng bang, nhưng cơ bản, đèn pha không được sử dụng trong vòng 152 m đối với một xe ngược chiều đang chạy đến, hoặc trong vòng 61-91 m đối với một xe cùng chiều phía trước.

Tại Việt Nam, không có quy định về con số cụ thể phải chuyển từ chiếu xa sang chiếu gần và ngược lại. Luật chỉ nêu chung rằng trong khu đô thị hoặc ngoài khu đô thị nhưng đường không chia hai chiều đường riêng biệt, không được bật đèn chiếu xa.

Vậy khi nào nên sử dụng đèn pha?

Bật đèn pha khi tới gần các phương tiện khác có thể khiến những tài xế khác bị chói, gây nguy hiểm. Ảnh: Driving-test

Bật đèn pha khi tới gần các phương tiện khác có thể khiến những tài xế khác bị chói, gây nguy hiểm. Ảnh: Driving-test

Các khu nội đô có tầm quan sát hạn chế

Trong thực tế, có thể bạn đã trải qua những tình huống lái xe trên một con phố không đèn vào ban đêm, hay trên một con đường không quen, hoặc trong khu vực công trường. Có thể bạn sẽ mất tự tin khi không thể nhìn rõ đường đi phía trước. Và khi tầm quan sát giảm, hãy giảm tốc độ. Nếu trên đường không có xe nào khác, bạn có thể bật đèn pha. Lúc này, đèn pha của bạn còn có thể bảo vệ người đi bộ và đi xe đạp – những người đang đi dọc phố hoặc đang sang đường ngay phía trước.

Trong các khu vực nội đô, quy định bang về cơ bản đều yêu cầu tài xế chuyển sang đèn chiếu gần trong vòng 91-304 m nếu có một phương tiện ngược chiều chạy tới. Và bạn sẽ phải bật từ pha sang cos trong vòng 61-91 m đối với xe cùng chiều phía trước, đặc biệt tại các điểm giao cắt có biển Stop và có đèn tín hiệu.

Trên cao tốc

Tầm quan sát trên một số đường cao tốc hay các lối lên, xuống cao tốc có thể bị hạn chế. Đó có thể là những đoạn đường thẳng dài nhưng không có đèn đường. Ở điều kiện lái xe như vậy, hãy sử dụng đèn pha để tăng tầm quan sát. Tuy nhiên, cần chuyển đèn sang chiếu gần nếu xe bạn gần đến một xe khác, dù cho có dải phân cách giữa đường. Và nếu chạy tới gần một xe khác từ phía sau trên đường cao tốc hay ở các trạm thu phí hoặc khu vực dừng chân, luôn phải chuyển từ đèn pha sang đèn cos để tránh làm chói mắt các tài xế khác.

Đường ngoại ô và đường nông thôn với rất ít đèn đường

Trời tối, việc thiếu hệ thống chiếu sáng dọc đường có thể khiến việc lái xe nguy hiểm hơn. Đèn pha ôtô sẽ giúp tài xế nhìn được xa hơn. Ở khu vực nông thôn, đèn pha còn giúp tài xế tránh đâm vào những con vật được thả rông, người đi xe đạp, hay người đi bộ ven đường. Nhưng cũng đừng quên chuyển ngay sang đèn chiếu gần nếu có xe máy hoặc ôtô khác đến gần, dù ngược chiều hay cùng chiều. Việc bạn chuyển sang đèn cos có thể bảo vệ họ.

Khi nào không nên bật đèn pha?

Không bao giờ nên bật đèn chiếu xa khi lái xe trong sương mù, dưới trời mưa, hay khi có tuyết. Ở những điều kiện thời tiết như vậy, đèn pha thậm chí khiến tầm quan sát của tài xế tệ hơn. Đó là bởi ánh sáng bị khúc xạ, rọi ngược lại về phía bạn và gây chói.