Lương cử nhân ra trường học đại học chỉ khoảng 4-5 triệu trong khi làm xe ôm công nghệ một tháng ít nhất cũng có 9-20 triệu. Vì lý do này mà rất nhiều sinh viên khi ra trường hoặc những người đang làm văn phòng đã quyết định ’chuyển nghề’.
Vậy nhưng đó chỉ là câu chuyện trước mắt, khi trôi qua khoảng 5 đến 10 năm sau thì sao? Người chạy xe ôm công nghệ hay người đi làm lương 4 triệu thì hơn. Câu trả lời sẽ tự có cho mỗi người khi đọc xong câu chuyện dưới đây.
Người thanh niên trong câu chuyện này là Huy, 27 tuổi, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội. Hiện nay, chàng trai này đã có 5 năm làm nghề xe ôm công nghệ. Anh thừa nhận, 5 năm trước anh đã vui vẻ cất tấm bằng cử nhân kinh tế để chọn nghề ’xe ôm’ vì thấy mức lương 4-5 triệu đồng mỗi tháng các công ty trả là quá rẻ mạt trong khi nếu chạy xe ôm cũng có thể kiếm tới 700.000 đồng mỗi ngày.
Sau một năm làm xe ôm, Huy có tiền đổi xe máy mới, một mình thuê trọ 2 triệu đồng (thay vì ở ghép) trong nhà cấp 4 như trước.
Tuy nhiên, khoảng 3 năm sau, thu nhập của Huy giảm dần sau lần bác sĩ chẩn đoán anh bị thoát vị đĩa đệm do chạy xe nhiều và viêm loét dạ dày do sinh hoạt, ăn uống thất thường.
Ảnh: DSD
Sau 5 năm, tình trạng hiện tại của Huy: Không trợ cấp, không bảo hiểm y tế, kiếm được bao nhiêu tiền được ngoài chi cho sinh hoạt cá nhân thì đổ hết vào mua thuốc. Ốm đau vẫn cố chạy để kiếm tiền. Từng nghĩ nghề xe ôm sẽ linh hoạt thời gian làm nhưng suốt 5 năm qua, anh hiếm nghỉ ngơi dù chỉ một ngày.
Huy tự cảm thấy cuộc đời thật bất công khi có những lần bị khách đánh giá một sao và chửi mắng vì những lỗi nhỏ. Rồi những ngày mưa ngập, cố chạy vài tiếng kiếm được 300.000 đồng thì anh mất 500.000 đồng sửa xe, chưa kể đi về còn ốm mất mấy ngày.
“Tôi nhận ra thứ mình có được mấy năm qua chỉ là đủ tiền trang trải qua ngày”, chàng trai nói.
Thêm vào đó, từ đầu năm 2023, anh kết hôn và hiện tại con đầu lòng vừa tròn một tháng tuổi. Gia đình nhỏ giờ có ba người nhưng thu nhập của Huy vẫn dậm chân tại chỗ thậm chí còn sụt giảm (vì chiết khấu của ứng dụng tăng gấp đôi so với trước).
Ảnh: DSD
“Tôi không còn sức lực khi ngày nào cũng làm liên tục như vậy, giờ dừng lại cũng chỉ biết làm bảo vệ, công nhân”, Huy nói và nhận thấy nhiều đồng nghiệp “cử nhân chạy xe ôm” cũng đang trong tình cảnh mắc kẹt giống mình.
“Có những hôm người sốt, đứng ngoài trời mưa gió tôi tự nhiên thấy tủi thân, chảy nước mắt vì không biết mọi thứ sẽ đi đến đâu”, Huy kể. Mỗi ngày bây giờ với anh là một cuộc chiến giữa các tài xế, ngày không làm thì không có thu nhập. “Tôi bắt đầu thấy lạc lõng, chênh vênh vì cuộc đời mắc kẹt. Làm tiếp nghề này thì không ổn mà xin việc khác thì không được”, anh nói.
Nhìn các bác tài xế 60, 70 tuổi vẫn phải chật vật giao hàng, chở khách kiếm tiền đủ ăn ngày ba bữa, anh không dám tưởng tượng bản thân mười, hai mươi năm sau sẽ thế nào nếu còn làm nghề này.
“Tôi như tự đưa mình vào con đường bùn lầy không lối thoát, giờ chỉ biết tự học thêm, bồi đắp kỹ năng để sớm tìm lại được ánh sáng tương lai phía trước nhờ tri thức và ít nhất là làm gương cho con”, Huy tâm sự.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, viện trưởng viện Nghiên cứu đời sống xã hội (Social Life), lợi nhuận từ chạy xe công nghệ trong giai đoạn đầu khiến người trẻ rơi vào “bẫy” kỳ vọng thu nhập, làm càng nhiều thu nhập càng cao. Trên thực tế, số lượng tài xế ngày càng đông, nhu cầu khách hạn chế khiến nhiều người phải làm việc liên tục không ngừng để tránh rủi ro về kinh tế.
Ông cho biết, một số cử nhân sau tốt nghiệp chọn nghề tài xế công nghệ để làm tạm thời nhưng một khi đã làm, họ không có thời gian nghỉ ngơi, không tái tạo được sức lao động cũng như tri thức.
Đọc xong câu chuyện của Huy, tôi cũng nhớ đến câu nói của nhiều người rằng: Thà đi chạy xe ôm còn hơn làm văn phòng lương 5 triệu. Thực ra, cái giá của tấm bằng đại học không phải là đồng lương trước mắt đúng không mọi người.