Mối tình đẹp như cổ tích của chàng trai mắc bệnh xương thủy tinh, nặng 21kg Trần Văn Hà và cô thôn nữ vùng sơn cước Lô Thị Giang khiến nhiều người xúc động.
* * *
Mẹ là nguồn động lực lớn nhất
Căn bệnh xương thủy tinh mắc phải từ khi cất tiếng khóc chào đời đã khiến Trần Văn Hà (sinh năm 1990, quê ở huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An) bị bại liệt cả 2 chân, cơ thể teo tóp. Dù đã gần 30 tuổi nhưng anh chỉ nặng vỏn vẹn 21kg, thân hình nhỏ bé như một đứa trẻ lên 10, mọi sinh hoạt cá nhân phải phụ thuộc vào người khác.
Chia sẻ về căn bệnh này, Hà cho hay: “Năm lên 10 tuổi, tôi mới nhận thức được rằng bản thân mình rất khác với mọi người. Khi ngồi ghế, nếu như mọi người ngồi trên mặt ghế thì tôi lại lật ngược chiếc ghế lại để ngồi. Lúc ấy, mọi người nhìn tôi với một ánh mắt đầy khác lạ. Bản thân tôi cũng không hiểu vì sao mọi người lại nhìn mình như vậy nhưng. Cho đến khi nhìn những người xung quanh mình thấy họ cao lớn biết bao, còn tôi thì lọt thỏm… thì tôi đã nhận ra vấn đề”.
Sau khi phát hiện, Hà đã từng nghĩ đến cái chết để giải thoát cho chính mình và những người thân xung quanh nhưng rồi lại không “có duyên” với cái chết nên anh “đành” tiếp tục sống.
“Nếu đời không cho ta chết nghĩa là ta vẫn còn giá trị. Có thể, tôi không quan trọng với tất cả mọi người nhưng ít nhất tôi vẫn còn quan trọng đối với chính những người thân yêu của tôi. Vậy thì tại sao tôi không thử sống bằng hết tất cả lạc quan, nghị lực và niềm hy vọng để thấy đời tươi sáng hơn” – Hà nói.
Tuy nhiên, cuộc sống của anh chưa dần thay đổi thì lại thêm một biến cố tâm lý khác ập tới khiến anh không chỉ khổ sở vì bệnh tật mà còn phải sống trong cảnh thiếu thốn sự chăm sóc, dạy bảo sau khi bố mẹ ly hôn. Khó khăn chồng chất khó khăn nhưng không khiến Hà vơi đi ý chí. Thấy mẹ vất vả đi khắp nơi làm đủ mọi việc để kiếm miếng cơm, manh áo cho 3 chị em, Hà đã cố gắng tự lập làm tất cả mọi việc có thể giúp đỡ mẹ. Không được đến trường học chữ, Hà nhờ mẹ đi xin sách vở cũ về rồi tự mình tập đọc, tập viết ngay trên giường.
Sau đó, Hà tập di chuyển trên chiếc xe lăn 3 bánh rồi đi khắp nơi bán tăm, bông tai, móc khóa… đỡ đần mẹ đồng ra đồng vào. Tuy nhiên, khi anh nhắc đến việc xin đi bán đồ dạo ngoài đường để kiếm tiền, lúc đầu mẹ anh một mực phản đối vì lo cho sức khỏe con nhưng trước quyết tâm của con, bà đành phải chiều theo. “Phải di chuyển đủ mọi địa hình, cơ thể tôi đau nhức khắp người sau mỗi ngày mưu sinh. Nhưng đi riết rồi cũng thành quen. Tuy bán cũng chẳng được bao nhiêu nhưng có thể tự kiếm được đồng tiền bằng chính công sức của mình khiến tôi có thêm động lực hơn”, Hà chia sẻ.
Kỳ tích của tình yêu
Luôn tự ti, mặc cảm về bản thân nên Trần Văn Hà chưa một lần dám nghĩ đến việc yêu và cưới một ai đó về làm vợ. Thế nhưng mối tình trong mơ đã đến với chàng trai xương thủy tinh ấy một cách rất tình cờ.
Ngày 14/5/2017, anh cùng người bạn đời của mình là Lô Thị Giang (kém anh 9 tuổi, quê ở Khe Mèn, Đồng Hợp, Nghệ An) chính thức về chung một nhà. Rất nhiều người thân, bạn bè gửi tới họ lời chúc phúc ngọt ngào. Thế nhưng, để nhận được sự đồng thuận từ hai bên gia đình, anh và Giang đã phải cố gắng và nỗ lực rất nhiều.
Hà chia sẻ, “trong một lần nick Facebook của Giang bị hack, tôi và cô ấy đã có cơ hội nói chuyện với nhau. Ở hoàn cảnh của mình, tôi chưa bao giờ dám hy vọng tình yêu với một người phụ nữ khỏe mạnh nhưng không hiểu vì sao, có lẽ bởi sự đồng cảm nào đó nên cả hai đã trò chuyện, tâm sự mỗi ngày. Qua những dòng tin nhắn, chúng tôi yêu nhau từ lúc nào không hay”.
Lần đầu gặp gỡ, cả hai coi nhau như những người bạn tâm giao. Không cần mất thời gian đeo đuổi hay tán tỉnh, cuộc tình của họ tự nhiên đến. Thời gian đầu yêu cả hai vấp phải sự phản đối và nhiều ý kiến trái chiều, nhất là từ phía Giang. Bởi người thân, bạn bè ai cũng mong cô lấy được người đàn ông vững vàng kinh tế để còn phụ giúp bố mẹ và các em. Thế nhưng gạt qua tất cả, Giang tin rằng tình yêu của cuộc đời cô chính là Hà.
Trong khi đó, về phía Hà, để vun đắp tình yêu ấy, anh chưa bao giờ quản ngại khó khăn. “Nhà cô ấy cách chỗ tôi ở 20km, đi xe lăn điện phải mất hơn 1 tiếng. Vậy mà có hôm tôi đi đi, về về những 4 lần, rất vất vả nhưng vẫn luôn vui vì tìm được tình yêu chân thành”.
Hàng ngày, Hà nhận làm các dịch vụ về công nghệ, quảng cáo, Facebook… còn vợ anh giúp chồng quán xuyến việc gia đình và chăm sóc con nhỏ. Dù còn nhiều khó khăn, song Hà cho biết, cả hai vợ chồng anh đều hài lòng với những gì mình có.
“Giai đoạn khó khăn nhất của hai vợ chồng là thời điểm sau khi kết hôn. Lúc đó, Giang mang bầu, kinh tế gia đình vô cùng eo hẹp. Tôi nhớ, có lúc vợ thèm một cốc chè mà mình cũng không có tiền mua.
Nhiều khi, ra chợ muốn tẩm bổ cho vợ miếng thịt cũng đành bất lực quay đi. Bản thân mình lúc đó đã quyết tâm bằng mọi giá phải kiếm tiền lo cho vợ con cuộc sống tốt nhất”, Hà kể.
Mỗi ngày, Hà thường bắt đầu công việc từ lúc 7 giờ sáng đến tận đêm khuya. Công việc của anh là nhận các dịch vụ về công nghệ, bảo mật Facebook… Sức khỏe kém, lại không thể đi lại như người bình thường nhưng bù lại Hà có ý chí và nghị lực vươn lên mạnh mẽ.
Không được đào tạo công nghệ bài bản, Hà tự mình nghiên cứu, tìm tài liệu để mày mò, học hỏi. Nhờ sự chăm chỉ, cầu tiến và tỉ mẩn, lượng khách tìm đến các dịch vụ của anh ngày càng đông, thu nhập nhờ thế cũng ổn định hơn. Theo Hà, cuộc sống hiện tại tuy chưa phải là dư dả nhưng so với trước kia đã tốt hơn rất nhiều. Hàng tháng nếu hai vợ chồng chịu khó chi tiêu, vun vén cũng gọi là tạm đủ trang trải.
Hơn 2 năm về chung một nhà, vợ chồng Hà không tránh khỏi những lúc giận hờn, cãi vã nhưng cả hai chưa bao giờ giận lâu. Hà cho biết, cả anh và vợ đều luôn tôn trọng, lắng nghe và thấu hiểu lẫn nhau. “Bất cứ một việc gì lớn nhỏ trong gia đình, hai vợ chồng đều đưa ra bàn bạc, thống nhất rồi mới thực hiện. Giang tuy trẻ tuổi nhưng là người biết lo toan, hy sinh vì gia đình”, Hà nói.
Sau tất cả, người đàn ông bé nhỏ này luôn lạc quan và cho rằng cuộc sống đã rất may mắn với mình. Anh hạnh phúc khi số phận đã cho mình một gia đình, đặc biệt là cô con gái bé nhỏ được khoẻ mạnh như bao đứa trẻ khác.
Cho đi để còn mãi…
Không chỉ được biết đến qua câu chuyện tình yêu đẹp như cổ tích giữa đời thường, Trần Văn Hà còn được dân mạng biết đến sau hành trình vượt 300 km từ Nghệ An ra Hà Nội đăng ký hiến xác.
Nhắc đến chuyện hiến xác cho y học, Hà cho biết, việc này xuất phát từ ý nguyện của mẹ anh. “Với mong muốn được làm nhiều điều ý nghĩa sau khi mất, mẹ tôi đã quyết định hiến tạng cho y học để góp phần nhỏ bé vào việc nghiên cứu, giảng dạy y khoa”, anh Hà kể.
Ban đầu, khi biết được tâm nguyện của mẹ, Hà nhất quyết phản đối, nhưng khi nghe mẹ phân tích, cũng như tham khảo nhiều ý kiến của các bác sĩ, anh đã đồng cảm với mong ước của mẹ. Và rồi, chính anh cũng quyết định hiến xác cho y học. Hà vượt hơn 300 km từ Nghệ An ra Bệnh viện Đại học Y Hà Nội để đăng ký hiến xác cho cả hai mẹ con.
“Lúc đầu, tôi cũng không hiểu nhiều, nhưng khi biết xác mình sau khi chết vẫn còn có thể giúp ích được nhiều điều nên quyết định cùng mẹ đăng ký hiến xác. Không chỉ là hoàn thành tâm nguyện cuối cùng của mẹ mà tôi cũng muốn làm được thêm một điều gì đó có ích cho xã hội ngay cả khi đã chết” – Hà nói.
Ngoài việc cố gắng lo mọi thứ cho cuộc sống gia đình, Hà còn giúp đỡ những người có cùng hoàn cảnh khó khăn khác bởi anh muốn dùng khả năng của bạn thân để truyền sự tự tin, làm chỗ dựa tinh thần cho những người yếu thế trong xã hội. Điều quan trọng hơn cả, Hà mong muốn những điều mình làm sẽ được mọi người nghi nhận và có thể truyền động lực, tinh thần đến cô con gái bé nhỏ của mình.
Thời gian tới, bên cạnh việc phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống gia đình, Hà cho biết anh sẽ cố gắng làm việc tích cóp để có thể thành lập một công ty về các dịch vụ công nghệ của riêng mình.