Hành vi bỏ cọc trong đấu giá biển số không chỉ gây tốn kém cả về thời gian và tiền bạc mà còn lấy mất cơ hội của người thực sự có nhu cầu.
Ngày 15.9, phiên đấu giá biển số xe ô tô lần thứ nhất được tổ chức. 11 biển số của 10 tỉnh, thành được đưa ra đấu giá. Nhiều biển được “chốt” với mức giá không tưởng, điển hình như biển 51K-888.88 của TP.HCM, với giá hơn 32 tỉ đồng.
Chiều 2.10, tức đã quá 15 ngày kể từ thời điểm phiên đấu giá kết thúc, thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó cục trưởng Cục CSGT Bộ Công an, cho biết nhiều người trúng đấu giá, trong đó có người trúng biển số 51K-888.88, vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính.
Theo Nghị quyết 73/2022, Nghị định 39/2023 và quy chế đấu giá, trong 15 ngày kể từ ngày có văn bản phê duyệt kết quả đấu giá, người trúng đấu giá phải nộp đủ số tiền trúng đấu giá. Nếu vi phạm, kết quả đấu giá sẽ bị hủy, người trúng đấu giá mất số tiền đặt cọc 40 triệu đồng, biển số được đưa ra đấu giá lại.
Bỏ cọc sẽ gây nhiều hệ lụy
Trường hợp bỏ cọc đấu giá biển số xe xảy ra, nhiều ý kiến cho rằng việc này sẽ kéo theo không ít hệ lụy, gây tốn kém cả về thời gian và tiền bạc.
Luật sư Nguyễn Thị Thúy, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, cho rằng để tổ chức một phiên đấu giá biển số xe ô tô cần chuẩn bị rất nhiều khâu. Với đơn vị tổ chức, sự đầu tư nằm ở chi phí vận hành phần mềm, đường truyền và hạ tầng có liên quan. Với cơ quan quản lý, Cục CSGT Bộ Công an phải bố trí lực lượng để giám sát quá trình đấu giá.
Như vậy, chi phí về cả nhân lực, vật lực là không hề nhỏ. Nếu người trúng đấu giá bỏ cọc, đồng nghĩa lượt đấu giá (kéo dài trong 1 giờ) coi như không đạt kết quả, sẽ phải tổ chức phiên khác để đấu giá lại biển số đó.
Luật sư Thúy đặt vấn đề: liệu số tiền 40 triệu đồng thu từ đặt cọc có bù được các chi phí đã bỏ ra cho một lượt đấu giá hay không, chưa kể những tác động tiêu cực mang lại đối với hoạt động đấu giá biển số xe.
Anh Nguyễn Văn Long, một người có nhu cầu đấu giá biển số xe, bày tỏ lo ngại việc bỏ cọc không chỉ gây tốn kém mà còn làm mất đi cơ hội của người thực sự có nhu cầu đấu giá.
“Lấy ví dụ tôi muốn đấu giá một biển số, song chỉ có 1 tỉ đồng, người khác mạnh tay chốt giá 1,5 tỉ đồng và trúng, nhưng sau đó bỏ cọc. Rõ ràng, tôi vừa bị mất cơ hội trúng, vừa mất thời gian cho phiên đấu giá đó…”, anh Long nói và kiến nghị cần có giải pháp ngăn chặn tình trạng này.
Trông chờ vào ý thức liệu có đủ?
Thiếu tướng Lê Xuân Đức cho hay, quy định hiện hành không cấm người trúng đấu giá bỏ cọc. Nếu bỏ cọc, người trúng đấu giá sẽ mất 40 triệu đồng tiền đặt cọc, biển số sẽ được đưa về kho để đấu giá lại.
Cũng theo tướng Đức, việc người dân tham gia đấu giá, trúng đấu giá và ký vào biên bản trúng đấu giá là hợp đồng dân sự; người ký sẽ phải có ý thức thượng tôn pháp luật (trong việc nộp tiền trúng đấu giá – PV).
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng để ngăn chặn tình trạng bỏ cọc đấu giá biển số, chỉ trông chờ vào ý thức của người tham gia đấu giá là chưa đủ, mà cần có những biện pháp mang tính cứng rắn hơn.
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đề xuất tăng mức tiền đặt cọc, nhất là với các biển số xe có giá trị cao. Mức đặt cọc 40 triệu đồng so với giá trị các biển số trúng đấu giá vài tỉ đồng vẫn còn quá thấp; người tham gia đấu giá nếu không vì mục đích sở hữu biển số sẽ sẵn sàng bỏ cọc để thực hiện ý đồ của mình.
Cũng theo ông Hòa, ngoài việc mất tiền đặt cọc, chưa có chế tài nào đối với người “hủy kèo” đấu giá biển số. Ông kiến nghị áp dụng hình thức cấm tham gia các phiên đấu giá biển số tiếp theo nếu người trúng đấu giá bỏ cọc; đồng thời xem xét công nhận kết quả đấu giá đối với người trả giá cao thứ hai, thứ ba…
“Lấy ví dụ biển số 51K-888.88 với số tiền trúng đấu giá hơn 32 tỉ đồng, nếu bỏ cọc sẽ bị phạt 30%, tương ứng hơn 9 tỉ đồng”, luật sư phân tích và cho rằng chế tài như vậy mới đủ sức răn đe, ngăn chặn triệt để việc bỏ giá “vô tội vạ” mà vẫn đảm bảo không ảnh hưởng đến những người thực sự muốn đấu giá.