Một công trình đường hầm vượt tại tỉnh Wakayama đang trở thành đề tài gây tranh luận tại Nhật khi mà người ta phát hiện ra rằng, độ dày tiêu chuẩn của công trình đã bị giảm 10 lần khiến giờ đây hầm vượt này được kéo dài tiến độ thêm… 2 năm nữa.
Đường hầm Hachiroyama, một đường hầm cấp tỉnh nối liền ranh giới của Thị trấn Kushimoto và Thị trấn Nachikatsuura ở tỉnh Wakayama. Công trình có độ dài 711m và có độ dày tiêu chuẩn của bê tông là 30cm. Trong quá trình hoàn thiện và khoan bê tông để lắp đèn chiếu sáng, nhân viên tá hỏa nhận ra một lỗ hổng lớn bên trong, bê tông cũng mỏng một cách kỳ lạ. Và kết quả điều tra khiến người ta kinh ngạc khi 80% công trình bị khiếm khuyết, nơi mỏng nhất có độ dày chỉ 3cm, tức là bằng 1/10 so với tiêu chuẩn.
Điều khiến người ta phẫn nộ hơn là phía nhà thầu thi công thừa nhận rằng: “Chúng tôi biết điều đó, chúng tôi đã làm giả số liệu để vượt qua những bài đánh giá tiêu chuẩn”. Công ty xây dựng trên cũng đã đứng ra xin lỗi cư dân tại nơi có đường hầm, nhưng chỉ nhận lại sự phẫn nộ và chỉ trích hết sức gay gắt.
Kết quả của vụ việc là 6 người đã bị cảnh cáo nghiêm khắc, trong đó có người đứng đầu Cục Phát triển đất đai của tỉnh. Toàn bộ đường hầm sẽ phải sửa lại hoàn toàn và dự kiến sẽ mất hơn 2 năm để khắc phục hoàn toàn. Và dự án đường hầm Hachiroyama sẽ trở thành vết nhơ khó thể rửa sạch trong mắt người dân Nhật Bản.
Choáng với tốc độ vá đường chỉ chưa đầy 2 ngày là xong ở Nhật Bản
Chỉ chưa đầy 2 ngày, các kỹ sư Nhật Bản đã hoàn thành việc vá lại những tuyến đường cao tốc bị nứt vỡ do ảnh hưởng của trận động đất 7,3 độ richter xảy ra hôm 16/3.
Vào 23h36 ngày 16/3 theo giờ địa phương, một trận động đất mạnh 7,3 độ richter đã xảy ra tại độ sâu 60 km ngoài khơi bờ biển tỉnh Fukushima thuộc đông bắc Nhật Bản. Trận động đất mạnh làm rung chuyển bờ biển đông bắc, khiến giới chức địa phương phát cảnh báo sóng thần
Các chuyên gia cho biết, dư chấn có thể xảy ra tại các tỉnh Fukushima, Miyagi và Yamagata. Trước đó hồi tháng 3/2011, khu vực này từng hứng chịu thảm họa kép động đất và sóng thần khiến gần 20.000 người thiệt mạng, dẫn tới sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
Trận động đất khiến nhiều tuyến đường cao tốc ở vùng đông bắc nước này bị ảnh hưởng. Các đoạn đường nhựa biến dạng, đứt gãy hoặc nứt vỡ.
Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 2 ngày trùng tu, đến ngày 18/3, tất cả các đường cao tốc bị ảnh hưởng đều đã khôi phục hoạt động trở lại. Chỉ duy nhất tuyến cao tốc Tohoku Shinkansen bị gián đoạn một phần, buộc người dân phải tìm đường khác thay thế.
Ngày 19/3, trạm dừng chân và dịch vụ Kunimi trên tuyến cao tốc Tohoku qua tỉnh Fukushima hướng đi Tokyo đã đông xe trở lại. Nhiều tài xế cũng bày tỏ sự khen ngợi với tốc độ vá đường nhanh chóng của các kỹ sư.
“Nếu tuyến đường vẫn ngừng hoạt động thì chúng tôi không đi được. Tôi rất ngạc nhiên và khâm phục trước tốc độ trùng tu con đường này nhanh như vậy”, một tài xế 29 tuổi trên đường về nhà cùng vợ con ở Utsunomiya, tỉnh Tochigi gần Fukushima, cho biết.
Một phụ nữ 49 tuổi khởi hành từ Koriyama thuộc tỉnh Fukushima, dự định phải đi đường thường, nhưng cô đã kịp lái xe lên cao tốc để dự lễ tốt nghiệp của con gái. “May là đường cao tốc kịp sửa xong”, cô nói.
Một tài xế lái xe tải trên đường tới Shizuoka cũng đánh giá cao khả năng khắc phục sự cố trên tuyến cao tốc Tohoku, giúp mọi việc được thông thương nhanh chóng. “Nhờ công nghệ đã khiến tuyến cao tốc phục hồi rất tuyệt vời sau trận động đất. Tôi không ngờ việc vá đường lại hoàn thành sớm như vậy. Trận động đất 11 năm trước đã khiến những tuyến đường phải dừng hoạt động khá lâu”, ông chia sẻ.
Nhật Bản vốn nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương. Đây là khu vực có các hoạt động địa chất mạnh, trải dài qua Đông Nam Á và vùng lòng chảo Thái Bình Dương. Điều này khiến đây là một trong những nước nhận nhiều địa chấn nhất thế giới. Ước tính, Nhật Bản chiếm khoảng 20% các trận động đất có cường độ mạnh từ 6 độ trở lên trên toàn cầu.