Dừng xe chờ đèn đỏ có nên tắt máy để tiết kiệm xăng

Khi dừng xe trước tín hiệu đèn đỏ, nhiều người có thói quen tắt máy để tiết kiệm xăng, cách này lợi hay hại?

VTC ngày 28/8 đưa thông tin với tiêu đề: Dừng xe chờ đèn đỏ có nên tắt máy để tiết kiệm xăng. Với nội dung như sau:

Những người di chuyển bằng phương tiện cá nhân ở các đô thị lớn thường xuyên phải dừng đèn đỏ, thời gian chờ đèn tín hiệu chuyển xanh ở một số ngã tư thậm chí dài đến hơn 90 giây. Vì phải chờ khá lâu và thường xuyên nên nhiều người băn khoăn không biết khi dừng đèn đỏ có nên tắt máy không, việc tắt máy có lợi hay gây hại cho xe…

Khi dừng đèn đỏ có nên tắt máy?

Thông thường khi dừng đèn đỏ, nhiều người sẽ thuận tay tắt máy xe, một phần là do thói quen, phần còn lại vì cho rằng hành động này sẽ giúp tiết kiệm lượng xăng đáng kể. Trên thực tế, việc tắt máy xe trong thời gian quá ngắn không giúp tiết kiệm xăng như nhiều người thường nghĩ. Tuy nhiên, nó lại có thể làm giảm thiểu lượng khí thải tỏa ra ngoài môi trường xung quanh.

Đáp án cho câu hỏi khi dừng đèn đỏ có nên tắt máy không tùy thuộc vào thời gian dừng. Cho dù không tắt máy thì khi bạn dừng xe, ga đã ở chế độ thấp, xe ít tiêu thụ xăng. Viêc tắt máy rồi khởi động lại xe sẽ gây tốn nhiều xăng hơn và hao mòn linh kiện. Xe không được bảo dưỡng thường xuyên còn có thể chết máy, gây ùn tắc giao thông, gây khó chịu cho người khác.

Khi dừng đèn đỏ có nên tắt máy không?

Không nên tắt máy nếu thời gian dừng đèn đỏ quá ngắn (dưới 20 giây). Ở nhiều địa phương, đèn đỏ ở phần lớn giao lộ đều không quá lâu, khoảng 30-40 giây, có nơi còn dưới 20 giây; trong khi mật độ đèn đỏ rất cao, nếu cứ tắt đi bật lại nhiều lần sẽ chỉ thấy hại chứ chẳng có lợi.

Người điều khiển phương tiện chỉ nên tắt máy trong trường hợp tắc đường hay dừng đèn đỏ quá lâu. Như vậy, khoản xăng tiết kiệm được mới đủ lớn. Đặc biệt, để tránh tình trạng chết máy, mọi người chỉ nên tắt máy khi xe đề tốt, nổ tốt.

Khi đèn báo hiệu còn 5 giây cuối, mọi người nên khẩn trương khởi động lại xe để có thể di chuyển kịp lúc, tránh gây ảnh hưởng đến giao thông.

Không phải xe nào cũng nên tắt máy khi chờ đèn đỏ

Nếu như bạn sử dụng một chiếc xe máy cũ, quá trình khởi động thường gặp trục trặc thì lời khuyên là không nên tắt máy khi dừng đèn đỏ. Nếu chẳng may xe “đổ bệnh” ngay khi đang đứng chờ đèn đỏ thì bạn đã vô tình gây cản trở giao thông.

Nhiều mẫu tay ga đời mới được trang bị tính năng tạm ngắt động cơ khi dừng xe quá 3 giây, và người sử dụng chỉ cần vặn tay ga để lại di chuyển bình thường. Trong trường hợp này, khi chờ đèn đỏ bạn cũng không cần phải vặn chìa khóa tắt máy.

Ngoài ra, với những xe máy sử dụng hệ thống làm mát bằng dung dịch, việc tắt máy cũng là ngừng hệ thống làm mát của xe, do vậy nếu như chỉ dừng xe vài chục giây thì bạn cũng không nên tắt máy.

Tắt máy đúng cách khi chờ đèn đỏ

Để tiết kiệm xăng, chúng ta chỉ nên tắt máy khi đèn đỏ còn trên 25 giây, khi chờ tàu đi qua, hoặc tại các cung đường bị tắc cứng không thể di chuyển.

Bên cạnh việc tắt máy, đối với xe số, xe côn tay, người sử dụng cũng nên đưa về số 1 để đảm bảo xe khi khởi động lại không bị tốn quá nhiều lực để di chuyển từ trạng thái đứng yên.

Tiếp dến, báo Vietnamnet cũng có bài đăng tương tự với thông tin: Có nên tắt máy khi dừng đèn đỏ?

Nội dung được báo đưa như sau:

Nhiều người ca ngợi và cho rằng đây là những “điểm sáng” về giao thông và môi trường. Song cũng không ít người hồ nghi về tác dụng thực sự của việc dừng xe tắt máy khi đèn đỏ trên 25 giây.

Để làm rõ vấn đề này, phóng viên đã tìm gặp PGS. TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Cơ khí động lực, Trưởng bộ môn Động cơ đốt trong, Đại học Bách Khoa Hà Nội, nơi đã tiến hành các cuộc thử nghiệm về hiện tượng trên.

Xe máy – nên; ô tô – không nên

“Phòng thí nghiệm động cơ đốt trong đã thử nghiệm để đánh giá xem trong trường hợp có tắt máy và không tắt máy, liệu nó có lợi về mặt tiêu thụ nhiên liệu và môi trường hay không. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy về mặt môi trường rất có lợi. Thậm chí chỉ 10 giây là có lợi về mặt môi trường. Tuy nhiên, khi xét về mặt tiêu thụ nhiên liệu và tiêu hao ắc quy, chúng tôi đưa ra khuyến cáo là trên 20 giây có thể tắt máy được” – ông Tuấn cho hay.

Ông cũng miêu tả cụ thể hơn rằng thí nghiệm của Viện Động cơ đốt trong được thực hiện trên băng thử. Điều đó giúp thí nghiệm chạy xe với điều kiện vận hành giống như trên đường. Sau đó tiến hành thử và tính về mức tiêu thụ nhiên liệu và phát thải độc hại.

Khẩu hiệu dừng xe tắt máy khi đèn đỏ quá 25 giây

Theo GS. TS Lê Anh Tuấn, lời khuyến cáo của các bạn trẻ là có cơ sở khoa học và nên làm theo. “Thậm chí trên thế giới còn có những bài học về lái xe sinh thái. Người ta còn đưa vào chương trình để huấn luyện cho người lái xe khi cấp bằng lái. Người ta đào tạo với chủ điểm là tắt máy khi dừng đèn đỏ”- ông Tuấn cho biết thêm.

Tuy nhiên, những điều trên chỉ nên thực hiện trong điều kiện xe máy đạt tiêu chuẩn: máy tốt, đề tốt. Vì nếu loại không đề được hoặc đề khó thì không nên tắt máy. Bởi tắt máy có thể gây ùn tắc giao thông. Nhưng với ô tô, người ta thường ngại tắt máy vì trong xe có điều hòa, thêm nữa chỉ khoảng mấy chục giây với ô tô, không ý nghĩa gì. Hơn thế, theo tính toán, khi tắt máy ô tô thì quá trình khởi động lại phải thực hiện trước đó 10 giây. Tức là khi đồng hồ đếm ngược còn 10 giây là lái xe phải khởi động. Nếu không kịp, có thể sẽ gây ùn tắc cho cả dòng xe đằng sau vì kích cỡ ô tô rất lớn trong làn đường.

Khi được hỏi về những ý kiến: “Khởi động lại máy có thể tốt cho môi trường và nhiên liệu nhưng gây hao mòn động cơ. Trong phép tính của Viện vừa rồi đã tính tới yếu tố động cơ chưa?” Ông Tuấn trả lời thẳng thắn: “Tôi vẫn khẳng định rằng, không có gì liên quan đến hao mòn của động cơ. Chỉ có tần suất tắt máy và đề lại nhiều hơn, có thể có những ảnh hướng đến ắc quy”.

Theo tính toán, tắt máy khi dừng xe 20 giây, mức phát thải ra môi trường sẽ giảm 20% so với khi vẫn để máy nổ.

Hô khẩu hiệu và thói quen

“Luôn đứng ở những “điểm nóng” giao thông trong thời tiết ngột ngạt, hô hào khàn cổ với mong muốn thay đổi ý thức cộng đồng. Song những ngày đầu, bọn em rất hay bị chê bai, có người bảo “lũ thừa cơm, rửng mỡ”. Điều này khiến chúng em rất nản. Nhưng đấy chỉ là buổi đầu. Dần dà, mọi người quen và rất nhiều người thực hiện theo lời bọn em. Và đó là động lực để chúng em sẵn sàng tiếp tục làm những người “rửng mỡ” – Vân Trang, sinh viên Khoa luật, Đại học Quốc Gia chia sẻ.

Theo quan sát, những nơi các bạn trẻ tiến hành giơ và hô khẩu hiệu có hiệu quả hơn hẳn những nơi khác. Đa số các phương tiện tham gia giao thông khi đèn đỏ quá 25 giây đều tắt máy. Hơn thế, việc làm của các bạn trẻ khiến tạo thói quen từ hành động nhỏ cho mọi người góp phần tạo những thay đổi lớn về môi trường và nhiên liệu.

“Trước chẳng mấy khi mình tắt máy khi dừng xe. Không phải vì không có ý thức mà mình không hề biết. Khi được các bạn “đánh thức” thì giờ mình đã hình thành thói quen tắt . Dù ở những nơi có hay không có các bạn”- Anh Tuấn, Đại học Kiến trúc Hà Nội tâm sự.