Khi có căn cứ cho rằng Cảnh sát giao thông (CSGT) xử phạt sai thì người dân có quyền khiếu nại hoặc gửi Đơn khởi kiện. Tuy nhiên, một vấn đề mà người dân cũng quan tâm không kém là nếu CSGT xử phạt sai có phải bồi thường?
Vấn đề yêu cầu CSGT bồi thường khi xử phạt sai thuộc trường hợp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (bồi thường không theo hợp đồng hay thỏa thuận trước). Vấn đề này hiện nay được quy định trong Bộ luật Dân sự.
Theo quy định tại Điều 275 Bộ luật Dân sự 2015, một trong những căn cứ làm phát sinh nghĩa vụ dân sự là “gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật”. Cụ thể Điều 584 Bộ luật này quy định như sau:
Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
Việc bồi thường thiệt hại trong những trường hợp nêu trên được loại trừ khi thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Như vậy, việc bồi thường thiệt hại sẽ xảy ra khi có các điều kiện sau:
– Có thiệt hại xảy ra;
– Hành vi gây thiệt hại là hành vi trái luật mà không phải do sự kiện bất khả kháng, không hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại;
– Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra. Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật và ngược lại hành vi trái pháp luật là nguyên nhân gây ra thiệt hại.
Như vậy, CSGT xử phạt sai có phải bồi thường?
Từ những phân tích ở trên, rõ ràng có cơ sở pháp lý cho việc CSGT xử phạt sai phải bồi thường. Vấn đề ở đây là người bị thiệt hại phải chứng minh được:
– CSGT xử phạt sai;
– Bản thân bị thiệt hại do việc xử phạt sai của CSGT gây ra.
Chẳng hạn: CSGT xử phạt lái xe A lỗi lùi xe trên cao tốc, tạm giữ xe 07 ngày trước khi ra quyết định xử phạt. Nếu muốn kiện đòi CSGT bồi thường, A phải chứng minh được mình không lùi xe trên cao tốc, CSGT đã không xem xét kỹ camera ghi lại hình ảnh xe lùi trên cao tốc nên nhầm A với phương tiện vi phạm khác. Đồng thời A cũng cần chứng minh được việc bị giữ xe ảnh hưởng đến thu nhập của A hoặc khiến A bị thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế (ví dụ trong thời gian 07 ngày xe bị tạm giữ, A đã không thể chở hàng cho công ty, bị công ty phạt vi phạm hợp đồng số tiền 50 triệu đồng)…
Việc chứng minh mức độ thiệt hại có ý nghĩa quan trọng, làm căn cứ cho việc yêu cầu bồi thường.
Thông thường, xác định thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm những nội dung sau:
– Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng;
– Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút;
– Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại;
– Thiệt hại khác do luật quy định.
Mức bồi thường sẽ do 02 bên tự thỏa thuận. Nếu không thể thỏa thuận được, người bị thiệt hại có thể gửi đơn đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu CSGT bồi thường.
Hiện nay, thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm (Điều 588 Bộ luật Dân sự).
Theo Luatvietnam