Giam xe gắn máy: dân khổ, CSGT cũng khổ

Tạm giữ phương tiện hay còn gọi là giam xe gắn máy là biện pháp mãnh liệt hiện nay trong “hệ thống” các biện pháp chế tài, để buộc người tham gia giao thông “biết sửa” mà chấp hành luật lệ. Tuy nhiên, hệ lụy từ biện pháp này không phải là nhỏ cho cả người dân lẫn cơ quan thực thi nhiệm vụ.

QVYrIyy2.jpgPhóng to
Giam xe, nỗi khổ của nhiều người dân.

TT – Tạm giữ phương tiện hay còn gọi là giam xe gắn máy là biện pháp mãnh liệt hiện nay trong “hệ thống” các biện pháp chế tài, để buộc người tham gia giao thông “biết sửa” mà chấp hành luật lệ. Tuy nhiên, hệ lụy từ biện pháp này không phải là nhỏ cho cả người dân lẫn cơ quan thực thi nhiệm vụ.

Bãi giam xe: khắp nơi đều quá tải

Tại trụ sở Công an quận 7, khoảng sân phía trước rộng hơn 500m2, từng là nơi để tập trung đội hình, nơi thư giãn của cán bộ chiến sĩ sau giờ làm việc, nay đã biến thành bãi giam xe. Do nằm ngay mặt tiền nên hình ảnh bãi xe với hàng trăm chiếc xe nằm “chống trời” cứ hiển hiện trước mắt mọi người. Hằng ngày, hằng đêm hết xe đưa vào giam rồi đến xe giam được trả về khiến Công an quận 7 luôn nhộn nhịp xe và người.

Trong khi đó, tại Công an quận Bình Tân, ngoài trụ sở chính, đơn vị này còn có một kho bãi rộng hơn 1.500m2 (gần bằng 1/2 trụ sở công an quận) dành để giam xe. Rộng rãi, bề thế là vậy, nhưng kho bãi này cũng đang bị quá tải. Tại đây, xe nào may mắn thì được vào kho có mái che, “xui xẻo” thì ra bãi phơi nắng dầm sương. Xe vi phạm trong những ngày gần đây nhiều đến mức tràn tới tận cổng ra vào, nên đội CSGT đang phải gấp rút tìm thuê kho mới.

Tại Công an quận 2, kho giữ tang vật, tài vật trong các vụ án chuyên phục vụ các đội cảnh sát điều tra đã giao hẳn cho đội CSGT. Vậy mà vẫn không đủ chỗ để chứa xe vi phạm.

“Sống chung với xe máy”, đó là câu nói của CSGT trạm 2 thuộc Phòng CSGT Công an TP.HCM. Hơn 600 chiếc xe có mặt ở khắp nơi trong trụ sở trạm này, bít gần hết lối đi lại từ nhà ăn, phòng tắm đến nhà vệ sinh. Mở mắt thấy xe, nhắm mắt cũng thấy xe.

l7ZF7zeF.jpgPhóng to
Bãi giam xe của công an quận 2

Nỗi khổ của cả hai

Anh H.V.T. vừa bị CSGT lập biên bản, giam xe mười ngày vì lỗi không đội nón bảo hiểm trên quốc lộ, đã mếu máo nói: “Giam như thế này thì chết em, bởi đây là phương tiện đi lại duy nhất có trong nhà. Xe bị giam lấy gì đi làm. Không đi làm thì lấy gì ăn?”.

Sáng 25-4, anh T. dù đã cầm biên bản vi phạm và quyết định tạm giữ xe nhưng vẫn cứ “xà quần” tại trạm 2 CSGT mà không biết để làm gì. Nhưng nếu về nhà với “hai bàn tay trắng” thì ăn nói làm sao với vợ. Anh T. cho biết mình ở Đồng Nai, làm nghề tài xế, nhà có mỗi chiếc xe để vợ đi làm, đưa đón con đi học, nay có công chuyện anh chạy nhờ một lúc thì bị giam do không đội mũ bảo hiểm. Khó khăn và phiền toái đập ngay trước mắt nên anh đã cố xin được đóng tiền phạt gấp hai, ba lần để được lấy xe về ngay nhưng vẫn không được.

Kẹt hơn anh T. là trường hợp anh K., nhà ở quận Thủ Đức, cho bạn mượn xe nhưng bạn không đội mũ bảo hiểm nên xe bị giam mười ngày. “Vậy là tôi như người cụt cả hai chân” – anh K. nói. Biết chắc là không thể, nhưng anh K. vẫn thuê xe ôm tìm đến CSGT để xin cứu xét và xin “được đóng phạt nhiều nhiều một chút cho lấy xe ra sớm”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, xe bị giam hiện nay do các lỗi của người điều khiển như chở ba, xe không mở đèn, chạy ngược chiều… Trong đó, lượng xe bị giam tăng đột biến kể từ ngày UBND TP ra quyết định giam xe mười ngày đối với người không đội nón bảo hiểm trên các tuyến đường bắt buộc.

Đối với người dân, bị giam xe là rất khổ sở, phiền phức. Ông T.V.N. ở quận 7 thẳng thắn: “Với cái nắng, nóng ở mức 37-38OC như hiện nay đến xe tăng còn hư nói gì xe gắn máy”.

Theo hầu hết các CSGT mà chúng tôi tiếp cận từ cấp chỉ huy đến chiến sĩ đều tỏ ra mệt mỏi trước biện pháp giam xe. Ngoài cái khó về kho bãi thì công tác lập hồ sơ, ra quyết định, vận chuyển xe, giữ xe, trả xe cho người vi phạm… là cả một quá trình đầy tốn kém, mất quá nhiều thời gian, có khi còn bị người dân cự cãi, cho là CSGT làm khó.

Nên tăng mức phạt tiền!

“Phạt tiền thật nặng hay giam xe cũng đều gây khó khăn cho tôi, nhưng nếu được, xin cho tôi nộp tiền. Bởi chiếc xe là phương tiện, là kế sinh nhai” – ông N.T. đã tâm sự như vậy khi chúng tôi trao đổi. Đây cũng là ý muốn chung của rất nhiều người bị giam xe.

Giam xe là biện pháp bổ sung mà nhiều tỉnh, thành áp dụng để “thuyết phục” người đi đường chấp hành các qui định về luật lệ giao thông. Sở dĩ có biện pháp bổ sung này vì qui định xử phạt vi phạm qui định tại nghị định 15 hiện nay quá nhẹ, không đủ sức răn đe.

Một lãnh đạo trạm 2 CSGT cho biết rất nhiều hành vi được coi là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông nhưng mức phạt chỉ vài chục ngàn đồng, giảm hơn qui định cũ, nên không đủ tác dụng làm thay đổi ý thức người đi đường. Riêng lỗi không đội nón bảo hiểm chỉ phạt 15.000 đồng thì phần đông người dân chấp nhận nộp phạt để được đi, hoặc thực hiện nhiều biện pháp đối phó khác.

Trong điều kiện đó, nếu TP không thực hiện giam xe thì số người chấp hành là không đáng kể. Nên cần nhất là tăng mức phạt tiền sao cho người dân thấy xót ruột khi vi phạm. Ông Lâm Văn Ba, đội trưởng CSGT Công an Bình Tân, cũng đề nghị tăng nặng tiền phạt với các lỗi vi phạm, hạn chế việc tạm giữ xe.

Đội trưởng CSGT Công an quận 2 Trần Văn Oanh nhìn nhận trong điều kiện mức phạt thấp như hiện nay, nếu không có các biện pháp bổ sung như tạm giữ xe thì tình hình giao thông khó đi vào nề nếp, nhưng về lâu dài cần thiết phải tăng mức phạt.