Khác với đợt tập trung tháng 9, HLV Kim Sang-sik đã gọi số lượng cầu thủ trẻ đông đảo hơn trong đợt triệu tập này của đội tuyển Việt Nam.
Con đường trẻ hóa tiếp tục
Một trong những dấu ấn HLV Philippe Troussier làm được trong 1 năm dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, đó là tạo cơ hội cho nhiều tài năng trẻ.
Thế hệ trẻ chưa để lại ấn tượng như lớp đàn anh nhiều năm trước. Tuy nhiên, phải đi thì mới có đường. Đội tuyển Việt Nam cần trẻ hóa để chuẩn bị cho lớp kế cận sẵn sàng gánh vác trong tương lai không xa.
Ở đợt tập trung tháng 9, HLV Kim Sang-sik triệu tập Bùi Vĩ Hào và Nguyễn Văn Trường. Cả hai được ông Kim đánh giá là “tương lai của bóng đá Việt Nam”. Trong khi Văn Trường đá chính cả hai trận trước Nga và Thái Lan, Vĩ Hào cũng thi đấu hai trận từ ghế dự bị. Màn trình diễn của Vĩ Hào và Văn Trường còn “sạn”, nhưng là bước đi đầu tiên cần thiết để hai tài năng trẻ có thêm kinh nghiệm và niềm tin.
Ở đợt tập trung này, đội tuyển Việt Nam chào đón thêm nhiều tài năng trẻ. Đó là sự trở lại của những gương mặt từng được ông Troussier đặt niềm tin như Nguyễn Thái Sơn (2003), Khuất Văn Khang (2003), Nguyễn Văn Việt (2003), Nguyễn Đình Bắc (2004) và Nguyễn Văn Việt (2002). Bên cạnh đó, “vua giải trẻ” Nguyễn Quốc Việt (2003) cũng có tên.
Đây là thế hệ kế cận đáng trông đợi của đội tuyển Việt Nam. Văn Khang, Đình Bắc, Thái Sơn, Quốc Việt đứng trong thành phần đội U.20 Việt Nam đã quật ngã U.20 Úc và U.20 Qatar ở giải châu Á 2023. Với Văn Trường, Quốc Việt trong đội hình, U.23 Việt Nam đã vô địch giải U.23 Đông Nam Á cũng trong năm 2023.
Ở mùa giải này, phần nhiều trong số các sao trẻ nói trên đã chiếm được vị trí ở đội bóng chủ quản. Thái Sơn, Vĩ Hào là trụ cột CLB Thanh Hóa và Bình Dương. Thủ môn Văn Việt bắt chính 3 trận từ đầu giải cho SLNA, củng cố vị trí vững vàng của thủ quân trẻ nhất SLNA. Thủ môn Trung Kiên của HAGL đã sạch lưới cả 3 trận từ đầu giải.
Tức là chưa nói đến sự ưu ái HLV Kim Sang-sik dành cho cầu thủ trẻ, mà chỉ nói thuần túy về chuyên môn, những cầu thủ mới chớm đôi mươi ở đợt tập trung này hoàn toàn xứng đáng có tên. Xét về phong độ ở V-League, họ không thua kém bất cứ đàn anh nào.
Cần khéo léo ‘cài răng lược’
Màn thể hiện của lứa trụ cột đội tuyển Việt Nam trong 1 năm qua thể hiện rõ rằng, nhiều gương mặt đã không còn động lực, tham vọng, không cải thiện được năng lực, sức ì trong lối chơi là rất lớn.
Việc đôn nhiều cầu thủ trẻ lên đội tuyển Việt Nam là con đường mà HLV Park Hang-seo, Troussier đã đi và ông Kim Sang-sik là người tiếp nối. Tận dụng các trận đấu giao hữu để gọi sao trẻ lên tuyển là “thượng sách”. Vừa giúp HLV đánh giá năng lực, trình độ cầu thủ, vừa tạo ra động lực cạnh tranh, buộc các cầu thủ lớn tuổi hơn phải nỗ lực bảo vệ vị trí.
Quan điểm của HLV Kim Sang-sik tương đối rõ ràng: cầu thủ tập luyện tốt sẽ được ưu tiên. Mà trường hợp của Văn Trường với 2 trận đá chính trước Nga và Thái Lan là ví dụ.
Tuy nhiên, dùng cầu thủ trẻ với “liều lượng” thế nào cho hợp lý, là vấn đề HLV Kim cùng cộng sự nên cân nhắc.
Khi còn tại vị, HLV Troussier ưu tiên suất đá chính cho nhiều cầu thủ trẻ như Phan Tuấn Tài, Võ Minh Trọng, Nguyễn Văn Tùng, Thái Sơn, Đình Bắc… dù những gương mặt này còn non kinh nghiệm, không vượt trội thế hệ đàn anh. Việc mạo hiểm hiện tại để chuẩn bị cho tương lai đã khiến ghế của HLV người Pháp “gãy đổ” sau 1 năm.
Đây là lời cảnh báo dành cho HLV Kim Sang-sik. Trẻ hóa là tốt, nhưng cần đan xen sức trẻ và kinh nghiệm với mức độ hợp lý. Cầu thủ trẻ cũng dễ bị “chín ép” và đánh mất mình nếu phải gánh trọng trách quá lớn khi bản thân chưa đủ khả năng.
Dù vậy, tín hiệu vui với ông Kim là 2 trận giao hữu tháng 10 (gặp Ấn Độ và Li Băng) sẽ dễ thở hơn những đối thủ mà đội tuyển Việt Nam phải so tài trước đây. Trước những đội vừa tầm, HLV người Hàn Quốc có thể thoải mái “cài răng lược”, để nhìn nhận lứa trẻ có đủ tiềm năng để tin tưởng hay không.