HLV Troussier không ngần ngại chỉ ra điểm tích cực hơn của bản thân so với người tiền nhiệm Park Hang Seo trong quá trình dẫn dắt ĐTVN.
PV: Với những cầu thủ mà người ta vẫn nói là di sản của HLV Park Hang-seo, ông đánh giá sao về điều đó?
HLV Philippe Troussier: Tôi tôn trọng HLV Park Hang-seo. Có điều, tôi vẫn cảm thấy Đội tuyển Việt Nam tập trung nhiều vào SEA Games và AFF Cup. HLV Park cũng chỉ sử dụng một lượng cầu thủ nhất định trong mọi thời điểm.
Với tôi, ngay từ đầu khi đến Việt Nam, tôi đã thấy có một số cầu thủ không phù hợp với hệ thống của tôi. Tôi đã thực hiện một sự thay đổi lớn vì tôi biết những yếu tố cần thiết để chơi nhanh hơn, đoàn kết hơn.
Các cầu thủ Việt Nam còn thiếu sót nhiều về kỹ thuật. Tuy nhiên, họ bù đắp điểm yếu ấy bằng kỷ luật, chịu khó lắng nghe, cầu tiến và khát khao. Sẽ nhiều người hy vọng cầu thủ có sự thay đổi rõ ràng mỗi khi lên tập trung đội tuyển. Tôi cần phải nói thêm thế này, thời gian lên tập trung ĐTQG có hạn, họ chẳng thể tạo nên một cú bứt phá diệu kỳ so với giai đoạn thi đấu tại CLB. Với nhiều HLV, trong đó cả tôi, nhiệm vụ là cố gắng chỉnh sửa tối đa trong năng lực và thời gian cho phép.
Tôi nghĩ, công việc phát triển bóng đá Việt Nam không chỉ nên phó mặc cho HLV trưởng ĐTQG. Đó còn là công việc của các HLV cấp CLB. Khâu đào tạo trẻ cần giúp cầu thủ cải thiện kỹ thuật cá nhân cơ bản. Trong khi đó, các giải đấu chuyên nghiệp cũng cần tiếp tục nâng cao chất lượng. Những cầu thủ giỏi cần khuyến khích ra nước ngoài. Tôi đã nói với cầu thủ rằng, họ phải luôn nỗ lực, không từ bỏ để khi thất bại cũng không thất vọng với bản thân.
Dù sao thì đến hiện tại, 30% thành viên ĐTQG lúc này đến từ sản phẩm ấy. Nhưng, muốn đi xa, chúng ta cần phải xét tới những yếu tố khác. Kinh nghiệm của tôi ở Nhật Bản đã định hướng cho việc ra quyết định của tôi và giúp tôi tránh được rủi ro.
PV: Người hâm mộ chưa hài lòng khi kết quả ông mang lại cùng ĐTVN còn nhiều hạn chế, ông nghĩ sao về điều này?
HLV Philippe Troussier: Tôi chấp nhận sự mạo hiểm ấy từ lâu rồi, ngay cả trước thời điểm giúp Đội tuyển Nhật Bản vô địch Asian Cup cách đây 20 năm. Gia đình tôi có 5 anh em, tôi là con trai cả. Chuyện chăm sóc, giúp đỡ, giáo dục các em của mình đã theo tôi một chặng đường rất dài. Vô hình trung, việc huấn luyện, giúp đỡ, hướng dẫn và tạo động lực cho người khác trở thành thứ DNA vô hình trong tôi.
Sau này, qua những chuyến đi, đến những nền bóng đá ở các quốc gia khác nhau trên thế giới, tôi nghiệm ra rằng, liệu có sự tồn tại đúng nghĩa của thất bại? Cố Tổng thống Nelson Mandela của Nam Phi từng chia sẻ với tôi một triết lý đầy giá trị: “Trong đời tôi không bao giờ thua. Bởi mỗi một dấu mốc là một lần tôi học hỏi”. Tôi thích quan điểm ấy của Mandela và tin rằng cuộc sống này luôn tồn tại hai giá trị thất bại, thành công song hành. Sau mỗi sai lầm, chúng ta lại trưởng thành, lại thành công và để rồi lại trải qua một thất bại khác. Từ thất bại ấy, chúng ta lại hoàn thiện bản thân mình hơn.
Cuộc đời của chúng ta, suy cho cùng, cũng như một vòng xoáy trôn ốc. Ở đó, chúng ta không trở lại vạch xuất phát mà đi đến một nhịp xuất phát tiếp theo. Số 0 ở tương lai đương nhiên không phải là số 0 của hiện tại. Không có ai mắc cùng một sai lầm liên tiếp. Nhưng, chúng ta có thể mắc một sai lầm khác trong tương lai mà bản thân không lường trước được. Dù sao, đấy là lúc để chúng ta hoàn thiện và không mắc lại sai lầm đã trải qua.
Với bóng đá, tôi tin rằng, nếu không mạo hiểm, chúng ta sẽ không biết mình sẽ thành công hay thất bại. Bên kia sườn dốc là ẩn số. Chúng ta phải sẵn sàng tin vào điều mà mình làm, chấp nhận rủi ro và quyết đoán. Tôi tiếp cận các trận đấu mà không hối tiếc hay do dự. Tôi biết quyết định của mình có thể dẫn đến thất bại. Nhưng, tôi không coi điều đó là đáng hổ thẹn. Với tôi, đó là cơ hội để bản thân học hỏi và hoàn thiện hơn mà thôi.