HLV Troussier: ‘Đừng so sánh tôi với ông Park, tôi sẽ thành công hơn’

PVVới một phạm trù cụ thể, ở đây là ĐTQG Việt Nam, ông có cho rằng mình đã mạo hiểm khi đến với một nền bóng đá vốn đang thành công dưới bàn tay người tiền nhiệm Park Hang-seo?

HLV Philippe Troussier: Tôi cảm ơn ông Park với những gì mà HLV này đã làm được với bóng đá Việt Nam. Nhưng, tôi cũng thấy được con đường mà mình có thể đi cùng với nền bóng đá này. Đừng đem so sánh tôi với ông Park, tôi sẽ thành công hơn ông ấy. Mục tiêu của tôi là giúp Đội tuyển Việt Nam vượt qua ranh giới Đông Nam Á, hướng tới những thành công mới, như cách mà Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran… từng trải qua.

Tôi muốn cầu thủ Việt Nam được trải nghiệm bản thân ở những thử thách mới, thay vì tạo nên một vỏ kén và nghĩ rằng mình đã giỏi trong giới hạn của mình.

Bóng đá Việt Nam cần những cầu thủ tới châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản để tích lũy kinh nghiệm. Các CLB Việt Nam cần có nguồn lực tốt, thu hút hiền tài, xây dựng cơ sở vật chất tốt, có học viện bóng đá, phát triển toàn diện về mọi mặt. Nền bóng đá Việt Nam cũng phải thu hút được những cầu thủ gốc Việt đang thi đấu ở nước ngoài, khuyến khích, thuyết phục họ đóng góp cho ĐTQG.

Nếu muốn Đội tuyển Việt Nam lọt vào top 10 châu Á, chúng ta cần cải thiện môi trường bóng đá tổng thể và phát triển nền tảng cầu thủ vững mạnh hơn. Đó không phải là vấn đề về huấn luyện. Vì, ngay cả những HLV giỏi nhất cũng sẽ phải vật lộn để đạt được thành công với nguồn lực hiện tại. Chúng ta phải thực hiện các bước để nâng cao động lực của bóng đá Việt Nam và nhờ đó, chất lượng tổng thể của môn thể thao này sẽ được cải thiện.

U23 châu Á với tấm vé dự Olympic tại Paris là giấc mơ của huấn luyện viên Troussier.

PV: Một năm qua cũng là quãng thời gian đủ để ông nhìn thấy những điểm sáng lẫn tối của bóng đá Việt Nam. Liệu có cơ hội nào để Việt Nam tiến tới World Cup?

HLV Philippe Troussier: Tôi phải thừa nhận rằng, với tình hình hiện tại, Việt Nam chỉ có 10% khả năng dự World Cup trên giấy tờ mà thôi. Chúng ta cần phải phát triển cầu thủ hơn nữa. Động lực để tôi trở lại với bóng đá Việt Nam đó là tôi thấy được tiềm năng trong thế hệ cầu thủ trẻ từ năm 2003-2005. Họ khả năng tương đương với những cầu thủ tôi đã có trong thời gian ở Nhật Bản khi chúng tôi lọt vào trận chung kết U20 World Cup cách đây 20 năm.

Thật sự, tôi có một khát vọng tại Vòng chung kết U23 châu Á 2024 tới đây. Đó là U23 Việt Nam có thể giành vé dự Olympic Paris 2024. Tôi tin rằng, với nội lực hiện tại, chúng ta có thể mơ về điều kỳ diệu.

PV: Vậy, với những cầu thủ mà người ta vẫn nói là di sản của HLV Park Hang-seo thì sao?

HLV Philippe Troussier: Tôi tôn trọng HLV Park Hang-seo. Có điều, tôi vẫn cảm thấy Đội tuyển Việt Nam tập trung nhiều vào SEA Games và AFF Cup. HLV Park cũng chỉ sử dụng một lượng cầu thủ nhất định trong mọi thời điểm.

Với tôi, ngay từ đầu khi đến Việt Nam, tôi đã thấy có một số cầu thủ không phù hợp với hệ thống của tôi. Tôi đã thực hiện một sự thay đổi lớn vì tôi biết những yếu tố cần thiết để chơi nhanh hơn, đoàn kết hơn.

Các cầu thủ Việt Nam còn thiếu sót nhiều về kỹ thuật. Tuy nhiên, họ bù đắp điểm yếu ấy bằng kỷ luật, chịu khó lắng nghe, cầu tiến và khát khao. Sẽ nhiều người hy vọng cầu thủ có sự thay đổi rõ ràng mỗi khi lên tập trung đội tuyển. Tôi cần phải nói thêm thế này, thời gian lên tập trung ĐTQG có hạn, họ chẳng thể tạo nên một cú bứt phá diệu kỳ so với giai đoạn thi đấu tại CLB. Với nhiều HLV, trong đó cả tôi, nhiệm vụ là cố gắng chỉnh sửa tối đa trong năng lực và thời gian cho phép.

Tôi nghĩ, công việc phát triển bóng đá Việt Nam không chỉ nên phó mặc cho HLV trưởng ĐTQG. Đó còn là công việc của các HLV cấp CLB. Khâu đào tạo trẻ cần giúp cầu thủ cải thiện kỹ thuật cá nhân cơ bản. Trong khi đó, các giải đấu chuyên nghiệp cũng cần tiếp tục nâng cao chất lượng. Những cầu thủ giỏi cần khuyến khích ra nước ngoài. Tôi đã nói với cầu thủ rằng, họ phải luôn nỗ lực, không từ bỏ để khi thất bại cũng không thất vọng với bản thân.

Dù sao thì đến hiện tại, 30% thành viên ĐTQG lúc này đến từ sản phẩm ấy. Nhưng, muốn đi xa, chúng ta cần phải xét tới những yếu tố khác. Kinh nghiệm của tôi ở Nhật Bản đã định hướng cho việc ra quyết định của tôi và giúp tôi tránh được rủi ro.

“Hãy nghĩ về bóng đá qua điểm nhìn rượu vang”

PV: Và, sự mạo hiểm, bản tính thích phiêu lưu ấy chắc hẳn khiến ông tiếp tục đưa bản thân vào một công việc nặng nhọc khác, là sản xuất rượu vang?

HLV Philippe Troussier: Khi gần 60 tuổi, tức là 10 năm về trước, tôi thừa kế một vườn nho tại Bordeaux. Cơ hội này đến với tôi như số phận. Tôi không mong đợi, chờ đón. Nó đến như một duyên phận. Tôi nghĩ: “Được rồi, Philippe. Hãy làm một điều gì đó với thửa đất này”. Sau cùng, tôi tạo ra một dây chuyền sản xuất rượu vang.

Nhưng này. Tôi không phải là người kinh doanh rượu. Đó chưa bao giờ là kim chỉ nam trong cuộc đời ham phiêu lưu của tôi. Tôi muốn đặc sản của vùng Tây Nam nước Pháp quê hương tôi được đến với nhiều miền đất. Từ rượu, chúng ta có thể kết nối con người lại với nhau. Trên bàn tiệc, qua những ly rượu vang, chúng ta có thể nói về những vùng đất, về cảnh đẹp đất nước, về con người, lịch sử hay giá trị vùng miền. Với tôi, rượu là sự kết nối. Giống như bóng đá vậy.

PV: Liệu có một sợi dây hay tính trùng lặp giữa bóng đá và rượu vang không, thưa ông?

HLV Philippe Troussier: Có chứ. Triết học cũng chỉ có 6 cặp phạm trù tương hỗ mà thôi. Thế giới này chẳng có điểm gì rạch ròi và riêng rẽ cả. Luôn có những điểm tương đồng gắn kết với nhau. Với tôi, tiến trình làm rượu vang và đào tạo bóng đá có những điểm rất giống nhau. Một đội bóng là tổng thể của những cá thể với tính cách khác nhau, độ tuổi khác nhau. Rượu vang được sản xuất với nguyên liệu là các loại nho đến từ nhiều mảnh đất khác nhau dọc nước Pháp.

Bóng đá có cầu thủ trẻ, già, trưởng thành; có cầu thủ thể hình cao to vạm vỡ, nhỏ bé, nhanh nhẹn. Rượu vang cũng không thể đảm bảo 100% tất cả những quả nho đều tròn trịa một kích cỡ, với vị chua hay ngọt đồng bộ tuyệt đối cả. Tôi tin rằng, nguyên liệu đầu vào cho hai tiến trình này vốn đã thử thách cho người tạo sản phẩm đầu ra.

Quá trình để tạo nên sản phẩm ấy cũng có những tương đồng. Đó là thời gian và sự hỗ trợ của cả một tập thể. Rượu cần 12 tháng để ủ. Bóng đá cần nhiều năm để tạo ra một lứa cầu thủ chơi bóng đỉnh cao. Hơn thế nữa, như tôi đã nói, bóng đá cũng rủi ro chẳng khác gì đầu tư, kinh doanh cả. Sản xuất rượu cũng vậy. Chẳng ai dám chắc chắn rằng, sau ngần ấy thời gian, sản phẩm thu lại là thứ rượu hảo hạng tuyệt đối.

Dọc theo thời gian của cả một quá trình, chúng ta phải chấp nhận tính rủi ro dẫn đến thất bại về thành phẩm. Với bóng đá, cầu thủ có thể bị chấn thương, bị bất lợi bởi quyết định của trọng tài… hay kinh khủng hơn là không thể tạo được một cầu thủ nào giỏi trong cả một lứa đầu vào. Cũng như thế với rượu vang, chúng ta có thể trải qua mùa màng tồi tệ như mưa rét, băng giá… và rất nhiều vấn đề khác có thể tác động đến kết quả. Đó là lí do vì sao tôi cho rằng cả hai lĩnh vực là tương đồng. Kể cả khi tôi không phải là người làm rượu chuyên nghiệp, tôi vẫn cố gắng xoay xở với tiến trình mình có, cũng giống như việc tôi đang làm trên cương vị HLV trưởng ĐTQG.

Tôi tin rằng, việc trở thành một HLV, dù trong bóng đá hay sản xuất rượu vang, đều liên quan đến việc tạo ra một đội gắn kết hay như sản xuất một loại rượu ngon. Tương tự như cách làm rượu vang ngon nhất cần những chùm nho chín mọng, trong bóng đá, các cầu thủ giàu kinh nghiệm cũng có vai trò riêng của họ. Tôi thích gọi họ là những cầu thủ trưởng thành, có kinh nghiệm hơn là già. Bởi, những cầu thủ trẻ nếu được va chạm sớm cũng tích lũy nhiều trải nghiệm trong bóng đá đỉnh cao.

PV: Chúng ta có nên khép lại bằng một câu chuyện ngoài lề bóng đá không, thưa ông? Bởi, tôi có cảm giác hành trình của ông với những chuyến phiêu lưu thường khá cô độc?

HLV Philippe Troussier: Tôi làm HLV bóng đá. Tôi là một người sản xuất rượu vang. Cuộc sống của tôi nghe có vẻ chiêm nghiệm nhưng cũng chỉ xoay quanh những phạm trù đó. Nhưng, sẽ chẳng có một Troussier bền bỉ thế này nếu như không có vợ tôi và hai cô con gái mà chúng tôi nhận nuôi khi sang Morocco. Mỗi khi có dịp nghỉ, tôi lại bay về Pháp, tận hưởng khoảnh khắc làm chồng, làm cha. Đó cũng là khoảng thời gian mà tôi cảm thấy an yên, nhẹ nhõm hơn cả.

Rồi sẽ có lúc, Troussier này phải dừng lại và nghỉ hưu. Rồi cũng sẽ đến một ngày, hành trình của tôi khép lại. Nhưng, có một thứ vĩnh hằng định nghĩa nên tôi. Đó là một Troussier không từ bỏ!

– Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!