Vừa ăn xong bát mì, người đàn ông nôn ra máu nhiều, huyết áp giảm nhanh và tình trạng rất nguy kịch.
Vào đêm xảy ra sự việc, anh Cai (ngoài 30 tuổi ở Trung Quốc) ăn mì gói một cách vội vàng, không đợi mì nguội sau khi nấu xong. Sau đó, anh thấy cổ họng và thực quản bị bỏng rát dữ dội nhưng ban đầu không chú ý. Chỉ nửa giờ sau, anh vẫn cảm thấy đau ở vùng dưới xương ức, để giảm bớt cảm giác khó chịu, anh đã nuốt một miếng cơm vo tròn. Lập tức, anh nôn ra máu dữ dội và có triệu chứng sốc nên đến ngay bệnh viện.
Nội soi dạ dày cho thấy niêm mạc thực quản của anh Cai bị bào mòn và bong tróc nhiều, vết thương bị tắc nghẽn nghiêm trọng. Do mất quá nhiều máu, anh được truyền máu nhiều lần, điều trị bằng biện pháp chống viêm, cầm máu, bảo vệ niêm mạc đường tiêu hóa.
Các bác sĩ cho biết, tương tự như trường hợp của anh Cai, chảy máu do bỏng thức ăn nóng không phải hiếm gặp. Ăn thức ăn quá nóng dễ làm tổn thương niêm mạc miệng, thực quản và dạ dày, dẫn đến tổn thương niêm mạc, viêm nhiễm, thậm chí loét chảy máu, gây đau ngực, đau bụng, ợ nóng và các triệu chứng khác. Mặc dù biểu mô niêm mạc đường tiêu hóa có chức năng tái tạo và sửa chữa, nhưng việc kích thích lặp đi lặp lại trong thời gian dài có thể gây tổn thương mãn tính cho niêm mạc và làm tăng nguy cơ viêm thực quản, loét đường tiêu hóa và ung thư. Bệnh nhân bị tổn thương thực quản nghiêm trọng có thể bị hẹp thực quản và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, thậm chí là gây nguy hiểm tính mạng.
Các triệu chứng của bỏng thực quản bao gồm đau, cảm giác có dị vật, khó nuốt, khàn giọng, ho ra máu, nôn mửa và phân đen. Trong số đó, đau là triệu chứng điển hình nhất của bỏng thực quản. Khi vết bỏng xảy ra, bạn nên giảm kích thích nhiệt ngay lập tức. Bạn có thể uống một ít nước mát, tránh ăn quá lạnh hoặc quá nóng. Nếu vết bỏng gây viêm hoặc đau rõ ràng, bạn có thể dùng một số loại thuốc chống viêm hoặc thuốc kháng axit theo lời khuyên của bác sĩ.
Các bác sĩ nhắc nhở, nếu bỏng thực quản không được xử lý đúng cách hoặc xảy ra nhiều lần sẽ gây ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe. Vì vậy, việc hình thành thói quen ăn uống lành mạnh là biện pháp quan trọng để bảo vệ sức khỏe thực quản. Trong chế độ ăn uống hàng ngày, bạn nên chú ý đến nhiệt độ của thức ăn và đợi đến khi thức ăn, đồ uống đạt đến nhiệt độ thích hợp rồi mới ăn, đặc biệt là các món lẩu, canh nóng, bạn nên tránh vừa ăn vừa làm việc khác và tập trung vào bữa ăn để phòng ngừa bỏng thực quản.