Cách đơn giản nhất để giảm vị mặn cho các món ăn chính là thêm nước. Trong trường hợp nấu canh, nấu súp, nếu bạn lỡ cho quá nhiều muối, có thể từ từ thêm nước và nếm lại cho vừa khẩu vị.
Ngoài cách thêm nước, có một số cách khác để làm giảm vị mặn của món ăn.
Thêm các loại nguyên liệu có tính axit
Nếu món ăn bị mặn, bạn có thể cho thêm các loại gia vị hoặc nguyên liệu có tính axit, vị chua như nước cốt chanh, giấm, các loại quả chua (cà chua, dứa…) để trung hòa độ mặn.
Chẳng hạn bạn có thể thử bằng các cho từ từ một chút nước chanh vào nồi và nếm thử để điều chỉnh vị cho phù hợp.
Việc chọn gia vị có tính axit cần phù hợp với đặc điểm hương vị của món ăn.
Để an toàn, bạn có thể sử dụng các nguyên liệu có vị trung tính như giấm gạo hoặc giấm rượu trắng. Nó có thể phù hợp với nhiều món ăn khác nhau.
Thêm chất làm ngọt
Ngoài cách sử dụng các gia vị, nguyên liệu có tính axit, bạn cũng có thể sử dụng các loại gia vị có vị ngọt để cân bằng lại vị cho món ăn. Cách này sẽ phù hợp với các loại nước sốt hay món xào bị mặn.
Đường nâu sẽ giúp tạo hương vị caramel đặc biệt cho món ăn, giúp giảm độ mặn hiệu quả.
Nếu muốn vị ngọt trung tính hơn, bạn có thể dùng đường cát.
Mật ong có thể dùng trong các món canh, súp, kho… giúp giảm vị mặn, tăng độ ngon.
Sử dụng khoai tây
Lấy một củ khoai tây sống, gọt vỏ và thái hạt lựu rồi bỏ vào nồi súp, món hầm. Khoai tây sẽ giúp hấp thụ bớt muối trong món ăn.
Sử dụng lòng trắng trứng
Một số đầu bếp sẽ sử dụng lòng trắng trứng để cho vào nồi canh/súp vì nó có khả năng hút một phần vị mặn của món ăn. Bạn chỉ cần cho lòng trắng trứng (không đánh tan) vào trong nồi canh/súp. Để lửa nhỏ cho nước sôi. Khi lòng trắng chín thì múc ra, bỏ đi. Vị mặn của nồi canh/súp sẽ giảm đi đáng kể.
Nhiều đầu bếp cũng thả đậu phụ vào nồi canh để giảm vị mặn.
Ngoài ra, bạn có thể cho thêm nguyên liệu như các loại rau củ quả, mì… tùy vào món ăn để giảm bớt độ mặn.