Những ngôi nhà trong dự án Nhà An Toàn đã giúp hàng ngàn hộ dân tại 11 tỉnh thành trên cả nước thoát khỏi cuộc sống khó khăn do ngập lụt.
“Mỗi năm lụt một mức, một năm lũ vào nhà bảy lần”
Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ biến đổi khí hậu toàn cầu mà nổi lên là các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện với tần suất ngày càng cao. Chỉ tính riêng trong 20 năm trở lại đây ở Việt Nam, các loại thiên tai như bão, lũ, lở đất… đã khiến hơn 13 nghìn người thiệt mạng, thiệt hại tài sản trên 6,4 tỷ USD, khoảng 60% diện tích đất và hơn 70% dân số đứng trước rủi ro hứng chịu thảm họa từ thiên tai.
Những hình ảnh đau thương trong trận lũ lịch sử ở Quảng Bình vào năm 2020 – Ảnh: Ngọc Thắng
Đặc biệt là các thiên tai có nguồn gốc khí tượng thủy văn thường gây thiệt hại lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng và môi trường sống của người dân vùng lũ. Nhiều ngôi nhà đã sập và hư hỏng nặng vì chìm trong biển nước, khiến cho đời sống sinh kế của mọi người sau lũ, nhất là người dân nghèo, gặp rất nhiều khó khăn.
Cơn lũ đã qua nhưng nỗi ám ảnh về những cơn lũ kinh hoàng trong ký ức của bà con nơi đây vẫn luôn còn mãi. Chỉ lên những vạch nước cao quá đầu người, bà Nguyễn Thị Đẹp (thôn Hoằng Phước Bắc, xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) đau đáu: “2009 mới làm nhà mà chưa có cửa đó. Chưa đóng cửa kịp thì nước tới đây luôn này.”
“Đủ mức nước hết trơn, mỗi năm lụt một mức, một năm lũ vào nhà bảy lần. Có lúc nước lũ lụt tới mái luôn.” – Bà Trần Thị Lệ vẫn rưng rưng khi nhắc tới cảnh tượng đã từng ám ảnh bà suốt từ năm này qua năm khác ở nơi đây.
Đó là quá khứ, là những nỗi sợ thường trực mỗi mùa bão về và cũng chính là là động lực cho hành trình 10 năm để dự án xây lên hàng nghìn Nhà An Toàn trên khắp cả nước.
Hành trình 11 năm của Nhà An Toàn
Vào năm 2013, ý tưởng về những ngôi nhà an toàn trong mùa lũ lần đầu được nhen nhóm khi đội ngũ của Dự án nhìn thấy một căn nhà gỗ đặt trên khung bê tông có tuổi đời lên đến gần 100 tuổi ở huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh vẫn vững vàng “sống qua” bao mùa lũ.
Bà Phạm Thị Hương Giang (Jang Kều) – Chủ tịch Hội đồng Sáng lập Quỹ Sống, nhà sáng lập Nhà An Toàn chia sẻ: “Bà con đều mong muốn gắn bó với mảnh đất quê hương, họ không muốn rời đi. Vậy thì, mình sẽ xây lại các ngôi nhà đã sập cho họ. Nhưng ngôi nhà có khả năng chống lũ, chống bão”.
Sau khi tìm hiểu, Dự án nhận thấy mức chi phí tối thiểu mà cộng đồng có thể chung tay đóng góp để xây nền tảng cho một ngôi nhà an toàn là khoảng 25 triệu đồng, phần còn lại sẽ cần người thụ hưởng phải tự nỗ lực vì chất lượng sống của gia đình mình.
Bà Hương Giang cũng chia sẻ, việc chung tay là điều vô cùng quan trọng trong quá trình xây dựng nhà chống lũ. Chung tay gồm 3 yếu tố:
- Thứ nhất là Co-design (Chung tay thiết kế): Người dân phải là người thiết kế nhà của họ, họ mới biết nhu cầu và lượng được câu chuyện tài chính của họ.
- Thứ hai là Co-financing (Cùng đóng tiền): Vì mỗi dự án chỉ hỗ trợ 25 triệu đồng và phần còn lại là do người hưởng thụ tự chi trả nên họ sẽ có trách nhiệm và hành động có hiệu quả. Đồng thời, việc làm này cũng giúp người dân cảm thấy tự hào khi chính bản thân là người xây dựng lên ngôi nhà của mình.
- Cuối cùng là Co-construction (Cùng xây dựng): Người thụ hưởng sẽ cùng đóng góp công sức vào việc xây dựng, từ đó thúc đẩy hành động để hoàn thiện công trình sớm nhất có thể.
Cụ thể, với Nhà An toàn, các hộ dân phải có đối ứng ít nhất 50% kinh phí xây dựng. Dự án sẽ hỗ trợ kinh phí từ 20 – 35 triệu đồng đối với nhà cải tạo và từ 35 – 50 triệu đồng đối với nhà xây mới. Hộ dân cần đối ứng phần kinh phí còn lại để hoàn thiện căn nhà. Dự án sẽ hỗ trợ thiết kế xây dựng. Hộ dân cần tham gia trong suốt quá trình thiết kế để phương án xây dựng phù hợp với hoàn cảnh và nhu cầu của hộ.
“Nhà chống lũ sẽ đưa ra một cái lõi để đảm bảo tính mạng cũng như những nhu cầu cơ bản của con người, đó là nghỉ ngơi. Phần còn lại người dân có quyền tự cơi nới dựa trên cái lõi đó để phù hợp với nhu cầu mở rộng của bản thân gia đình” – Kiến trúc sư Trần Hữu Khoa của dự án chia sẻ.
Dự án đã đưa ra 9 mô hình nhà an toàn thuộc 3 nhóm giải pháp là Nhà kê nền, Nhà có gác và Nhà phao.
Nhóm 1 là Nhà kê nền gồm nhà kê nền thấp, nhà kê nền cao và nhà kê nền linh hoạt.
Nhóm 2 là nhóm Nhà có gác, bao gồm 2 mô hình chính là Nhà hai gác và nhà có gác xép tránh lũ. Ở mỗi mô hình chính lại có các mô hình nhỏ khác.
Cuối cùng là nhóm Nhà phao, bao gồm Nhà phao biệt lập và Nhà phao gắn liền nhà xây. Đặc biệt là Nhà phao biệt lập thường được áp dụng cho các khu vực có mức lũ cao với biên độ dao động lớn từ 4-14m, ngâm lâu từ 3-10 ngày và không có dòng chảy xiết.
Sau khi chủ hộ, dự án đi tới thống nhất, họ sẽ cùng Đại diện Chính quyền địa phương, ký bản cam kết hỗ trợ giữa 3 bên. Quá trình thi công nhà sẽ được tiến hành càng sớm càng tốt dưới sự giám sát và theo dõi chặt chẽ. Sau trung bình khoảng 2-4 tháng, ngôi nhà hoàn thành, được nghiệm thu, kinh phí được giải ngân thành 2 lần giữa và sau khi kết thúc quá trình thi công. Và cuối cùng là bàn giao và để người dân đưa ngôi nhà vào sử dụng.
Những mô hình Nhà An toàn ở đây không chỉ là sản phẩm tồn tại trên giấy hay sinh ra từ “phòng thí nghiệm”. Đây là sự đúc kết, viết lại, miêu tả… từ thực tế của những người thuộc Quỹ Sống Foundation cùng các cộng sự, đối tác, nhà tài trợ đem đến 11 tỉnh thành trên khắp 3 miền đất nước trong 11 năm qua gồm: Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Khánh Hòa, Sóc Trăng, Hậu Giang, Đồng Tháp và An Giang.
Cùng với đó, qua quá trình hoạt động thực tiễn, dự án cũng đã phát triển bộ 7 tiêu chí chọn hộ dân tham gia bao gồm:
– Hộ dân nằm trong khu chịu ảnh hưởng bởi thiên tai và biến đổi khí hậu
– Hộ dân có nhu cầu và động lực xây nhà an toàn
– Hộ dân thuộc đối tượng nghèo, cận nghèo hoặc có hoàn cảnh khó khăn
– Hộ dân có đông thành viên và có nhân khẩu trẻ (Không hỗ trợ các hộ gia đình neo đơn hoặc chỉ có người già sinh sống)
– Phần đất xây dựng là đất ở, có bằng chứng sở hữu hợp pháp, không có tranh chấp, không thuộc diện quy hoạch hoặc di dời.
Với khoản khởi đầu 200 triệu đồng thu được sau buổi gây quỹ đầu tiên đã giúp Dự án Nhà An toàn hỗ trợ xây dựng 05 căn nhà ở xã Sơn Thịnh, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Đó cũng là viên gạch đầu để Dự án Nhà An Toàn (Chương trình Nhà Chống Lũ) tiếp tục mở rộng và phát triển trong suốt hơn một thập niên qua.
Không chỉ hướng tới việc hỗ trợ xây dựng nhà an toàn, chống chịu với thiên tai (bão, lũ lụt) cho người dân có hoàn cảnh khó khăn ở các vùng chịu ảnh hưởng bởi thiên tai và biến đổi khí hậu, một sứ mệnh khác Nhà An Toàn vẫn luôn mang theo bên mình chính là việc nâng cao năng lực chủ động giảm nhẹ rủi ro thiên tai của người dân. Điều này sẽ giúp bà con vùng lũ đẩy nhanh tiến độ phục hồi, tái thiết sau thiên tai, sớm ổn định đời sống và thích ứng với từng loại hình thiên tai khác nhau của các vùng miền, khu vực trên cả nước.
“Những khoảnh khắc đó, mình biết mình đã cố gắng vì điều gì”
Theo thống kê đến năm 2022, dự án Nhà An Toàn đã:
– Giảm thiệt hại khi có thiên tai: 66,9% hộ giảm thiệt hại về nhà ở; 88,69% giảm thiệt hại về Tài sản
– Chủ động phòng tránh thiên tai: còn 1,24% hộ sơ tán; 57,14 hộ không cần làm gì khi thiên tai tới; 90% không còn lo lắng trong mùa mưa bão
– Tăng tác động xã hội: 96,27% hộ tự tin khi có Nhà an toàn; 85,09% hộ có thêm động lực phát triển kinh tế; 85,09% hộ hài lòng về cuộc sống
Có lẽ, đây chỉ là những con số khô khan, nhưng khi nhìn thấy những nụ cười, giọt nước mắt vui mừng của người dân nơi vùng lũ, ta biết, những con số ấy mang lại nhiều ý nghĩa hơn thế.
Mùa bão năm 2021, ông Sinh, một hộ dân có nhà an toàn, ngồi tựa vào cột bê tông của chiếc cầu thang đi lên gác chống lũ, mỉm cười vung tay nói: “Giờ có nhà mới rồi, lũ đến thì vẫy tay chào lũ thôi”. Hay thậm chí có người thức liền ba bốn đêm chẳng ngủ “Con tôi hỏi sao má không ngủ, tôi nói “Mừng quá con ơi”.
Nụ cười và cả những giọt nước mắt vui mừng của người dân khi những căn nhà an toàn được xây nên
Đứng trong căn nhà vững chãi mới xây nhờ sự hỗ trợ của dự án vào năm 2022, anh Ngọc Hưng đón những cán bộ trong dự án Nhà An Toàn với một nụ cười thật tươi và lời nói đầy giản dị mà chân thành: “Bao giờ qua đây mình liên hoan nhẹ nhẹ cảm ơn.” Tính toán chuyện lũ về, anh Hưng đã chẳng còn lo sợ mà hồ hởi nói: “Tới tháng lụt mấy đồ đạc này mình dồn qua một góc, có một khu rộng rãi sinh hoạt. Vậy là vợ chồng em thấy mãn nguyện.” Không chỉ riêng anh Hưng mà ngay cả những người thân xung quanh cũng mừng cho anh đến rơi lệ. Có lẽ từ đây, từ thời điểm căn nhà được xây mới, cuộc sống anh Hưng cũng bắt đầu bước sang một trang mới tốt đẹp hơn.
Vốn kinh tế khó khăn, việc xây một ngôi nhà mới, khang trang và chẳng còn lo lụt có lẽ với bà con nơi đây là giấc mơ cả đời. Và Nhà An Toàn đến đã giúp bà con vượt qua vô vàn nỗi sợ, tiếp thêm động lực biến giấc mơ ấy trở thành hiện thực.
Bà Đỗ Thị Nở rưng rưng nói về: “Hồi đó không có cái nhà này (Nhà an toàn), lụt là hồn vía cô trên mây luôn á. Họ về cũng cho mình cái khí thế dựng nhà. Chứ mình không dám can đảm để làm. Sợ nợ, sợ nần, sợ đủ thứ hết.”
Cùng Nhà An Toàn, bà Nở cũng như những người dân nơi đây đã bước qua những nỗi sợ và tiến về ngày mai nắng lên, dưới những mái nhà vẫn vững vàng sau cơn lũ.
Và 1230 căn nhà, 1230 hộ dân cũng là hàng nghìn cuộc đời mới được viết nên từ những nỗ lực của toàn thể thành viên dự án Nhà An Toàn.
“Khi mình tới giám sát tiến độ, mình thấy cô sao ngồi phía trước, nắng thế thì cô nói ngồi xem thợ họ làm cái nhà một chút. Mấy khi mình làm được nhà, người ta ngồi dõi theo giữa trời nắng. Những khoảnh khắc đó, mình biết mình đã cố gắng vì điều gì.” chị Võ Thị Quỳnh Trâm (Cán bộ dự án Nhà An Toàn) cảm động nói.
Với mục tiêu dần chuyển đổi mô hình Quỹ Sống từ “Quỹ hành động vì cộng đồng” sang “Quỹ của cộng đồng hành động”, Dự án Nhà An toàn đã bước đầu tìm kiếm những cơ hội hợp tác với các nhóm Đối tác tại địa phương (với các nhân sự có kinh nghiệm và chuyên môn trong lĩnh vực kiến trúc và công tác xã hội) nhằm chuyển giao phương pháp và trực tiếp triển khai Dự án tại các địa phương. Trong quá trình các nhóm Đối tác triển khai công việc, Dự án Nhà An toàn luôn có những hỗ trợ về kinh nghiệm, bài học khi làm việc với các hộ dân và chính quyền địa phương, hỗ trợ kỹ thuật trong khâu thiết kế nhà. Cán bộ Dự án cũng thường xuyên tham gia giám sát thực địa cùng với các nhóm Đối tác để có những hỗ trợ thực tế và kịp thời.
Những ngôi nhà vững chắc trước cơn bão không chỉ là biểu tượng của sức mạnh chung, mà còn góp phần thúc đẩy tinh thần lạc quan và sự tin tưởng vào khả năng vượt qua khó khăn trong tương lai, trở thành niềm hy vọng sống mãnh liệt, khắc sâu vào tâm hồn của cộng đồng, mang đến niềm tin rằng mỗi khó khăn đều có thể vượt qua khi tất cả chung tay đoàn kết.
Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng – Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo” tiếp tục tìm kiếm, vinh danh và kết nối những cá nhân, tổ chức đang dấn thân vì cộng đồng trên cả nước. Trong Lễ công bố Giải thưởng, tổ chức ngày 23/09/2024 tại khách sạn Sheraton Hanoi West , Human Act Prize chính thức công bố những điểm nhấn mới của Mùa giải 2024:
1. Ra mắt ấn phẩm “Dấu ấn tiên phong – Đổi mới trong tác động xã hội tại Việt Nam” – Cuốn cẩm nang hoàn chỉnh đầu tiên dành cho người hoạt động cộng đồng ở Việt Nam.
2. Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với các đơn vị hỗ trợ giải thưởng:
PwC (PricewaterhouseCoopers) – Một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới, tiên phong hỗ trợ doanh nghiệp tích hợp yếu tố bền vững vào hoạt động kinh doanh.
Social Impact – Nền tảng giáo dục đầu tiên được thành lập bởi chính các nhà hoạt động cộng đồng ở Việt Nam nhằm thúc đẩy tri thức về phát triển bền vững.
Nền tảng TikTok – Nền tảng video dạng ngắn hàng đầu thế giới, đồng hành lan tỏa những câu chuyện tích cực, tôn vinh những cá nhân, tổ chức đang nỗ lực vì cộng đồng, từ đó truyền cảm hứng cho nhiều người cùng chung tay tạo ra những thay đổi tích cực
Đơn vị bảo trợ truyền thông: 13 cơ quan báo chí đã sẵn sàng đồng hành cùng Human Act Prize 2024 để lan tỏa những điều tốt đẹp nhất cho cộng đồng: Vietnamnet, Vietnam Plus, Lao động, Dân trí, Tiền phong, Đại Đoàn Kết, Công thương, Nông nghiệp, Dân Việt, Nhà báo và Công luận, Hà Nội Mới, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Đài Truyền hình TpHCM, Tiktok
Cổng thông tin Đề cử dự án vì cộng đồng cho Giải thưởng Human Act Prize 2024, chính thức mở từ ngày 23/9/2024. Tất cả quý vị đều có thể đề cử tại đây
Mỗi sáng kiến – dự án mà quý vị đề cử, sẽ góp phần kiến tạo, nâng bước cho các hoạt động vì cộng đồng và góp sức cho sự phát triển bền vững của Việt Nam.