Luộc thịt chân giò xong đừng vội vớt ra, làm thêm 1 bước để thịt trắng thơm, chắc giòn

Thịt chân giò luộc là món ăn quen thuộc với các gia đình. Để có đĩa thịt luộc thơm ngon, bạn hãy áp dụng các mẹo nhỏ dưới đây.

Chọn và sơ chế thịt chân giò

Chọn được nguyên liệu tươi ngon là yếu tố quyết định chất lượng của món ăn. Khi mua thịt chân giò, bạn hãy chọn những khối thịt liền đuề, màu hồng nhạt tươi tắn, tự nhiên. Đường cắt miếng thịt khô ráo nhưng vẫn phải giữu được độ ẩm nhất định. Ấn tay vào miếng thịt thấy có độ đàn hồi tốt.

Không mua những miếng thịt chân giò bị nhão, nhớt, chuyển sang màu thâm đen hoặc có mùi khác lạ.

Theo kinh nghiệm dân gian thì nên mua chân giò sau. Thịt chân giò sau sẽ chắc và giòn hơn so với chân giò trước, thích hợp để làm món luộc. Chân giò trước nên dùng để nấu giả cầy thì sẽ ngon hơn.

Chân giò mua về rửa sạch, có thể rửa bằng nước muối loãng để loại bỏ chất bẩn cũng như khử mùi hôi. Thấm khô miếng chân giò rồi cuộn lại thành cuộn tròn, dùng dây chỉ hoặc lạt bó lại. Làm như vậy, sau khi luộc và thái ra, miếng thịt sẽ có hình dáng tròn trịa, đẹp mắt. Lưu ý, không nên buộc quá chặt vì khi luộc thịt có thể nở ra.

Cuộn miếng thịt chân giò lại thành cuộn tròn và cố định bằng dây chỉ hoặc lạt.
Cuộn miếng thịt chân giò lại thành cuộn tròn và cố định bằng dây chỉ hoặc lạt.

Chọn đúng gia vị để luộc thịt

Trước khi luộc thịt, bạn có thể chần thịt qua một lần để loại bỏ tạp chất, khử mùi hôi. Nếu bỏ thịt vào nồi nước sôi để luộc thì phần thịt sẽ ngọt hơn. Nếu luộc thịt bằng nước lạnh thì phần nước luộc sẽ đậm đà hơn. Tùy theo nhu cầu mà bạn có thể lựa chọn cách làm cho phù hợp.

Dù chọn cách nào, bạn cũng cần lưu ý lượng nước luộc phải đủ để ngập miếng thịt. Nên cho thêm một vài củ hành khô và gừng đập dập. Nêm thêm hạt nêm hoặc muối để thịt có vị đậm đà. Muốn khử mùi hôi của thịt, bạn có thể cho thêm một chút rượu trắng.

Thêm gừng và hành giúp thịt chân giò luộc thơm ngon hơn, không bị hôi.
Thêm gừng và hành giúp thịt chân giò luộc thơm ngon hơn, không bị hôi.

Khi nước sôi, hãy vặn nhỏ lửa để thịt chín từ bên trong. Trong quá trình luộc thịt, chú ý vớt phần bọt nổi lên trên để phần nước dùng được trong và thơm hơn. Thời gian luộc thịt có thể dao động trong khoảng 15 – 20 phút, tùy kích thước miếng thịt. Sau khi luộc chín, bạn không nên vớt miếng thịt ra ngay mà hãy đậy kín vung nồi và ủ thêm 10 phút cho thịt mọng nước, không bị đỏ ở bên trong. Để kiểm tra xem thịt đã chín hay chưa, hãy dùng đầu đũa chọ vào miếng thịt. Nếu không thấy nước hồng chảy ra nghĩa là miếng thịt đã chín.

Ngâm thịt trong nước đá

Khi thịt đã chín, bạn đừng vội vớt thịt ra và thái ngay. Lúc này, hãy chuẩn bị thêm một bát nước đá lạnh có vắt thêm nước cốt chanh và bỏ cả phần vỏ chanh vào đó cho thơm. Vớt thịt ra khỏi nồi và ngâm ngay vào bát nước đá này. Kỹ thuật sốc nhiệt/biến nhiệt này sẽ giúp phần da săn lại, chắc giòn hơn. Ngâm thịt trong nước chanh đá cũng giúp thịt trắng thơm, không bị thâm đen.

Khi thịt nguội, bạn có thể vớt thịt ra và đem thái thành miếng mỏng vừa ăn. Tuy nhiên, để thịt chắc hơn nữa, bạn có thể bỏ miếng thịt vào trong tủ lạnh vài giờ.

Bạn có thể bọc miếng thịt chân giò bằng màng bọc thực phẩm rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh để vài giờ cho thịt chắc lại.
Bạn có thể bọc miếng thịt chân giò bằng màng bọc thực phẩm rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh để vài giờ cho thịt chắc lại.

Nhiệt độ thấp sẽ giúp thịt kết dính, săn chắc hơn, dễ thái miếng mỏng hơn. Đây là mẹo nhỏ thường được áp dụng ở các hàng quán.

Khi ăn thì thái thịt chân giò thành miếng mỏng.
Khi ăn thì thái thịt chân giò thành miếng mỏng.