Việc mua đất trồng lúa để xây sẵn mộ cho dòng họ có từ xa xưa cho đến tận ngày nay. Vậy, dưới góc độ pháp lý, pháp luật quy định ra sao về vấn đề này? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây
1. Đất trồng lúa là gì?
Việt Nam là quốc gia đi lên từ nông nghiệp, bởi vậy, đất nông nghiệp trong đó có đất trồng lúa là một trong các loại đất chiếm phần lớn diện tích trong tổng số diện tích đất tại nước ta.
Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 112/2024/NĐ-CP:
1. Đất trồng lúa là đất trồng từ một vụ lúa trở lên hoặc trồng lúa kết hợp với các mục đích sử dụng đất khác được pháp luật cho phép nhưng trồng lúa là chính, đất trồng lúa bao gồm đất chuyên trồng lúa và đất trồng lúa còn lại.
a) Đất chuyên trồng lúa là đất trồng hai vụ lúa nước trở lên trong năm;
b) Đất trồng lúa còn lại là đất trồng một vụ lúa nước trong năm và đất trồng lúa nương.
Như vậy, đất trồng lúa là đất có đủ các điều kiện phù hợp để phục vụ cho việc trồng lúa, gồm đất chuyên trồng lúa và đất trồng lúa khác. Cụ thể:
– Đất chuyên trồng lúa nước là đất trồng được hai vụ lúa nước trở lên trong năm.
– Đất trồng lúa khác bao gồm đất trồng lúa nước còn lại và đất trồng lúa nương. Trong đó, đất trồng lúa nước còn lại là đất chỉ phù hợp trồng được một vụ lúa nước trong năm.
Đồng thời, người sử dụng đất trồng lúa có trách nhiệm trồng đúng mục đích theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa đã được cơ quan có thẩm quyền xét duyệt. Đồng thời, có các trách nhiệm sau trong quá trình sử dụng:
– Không bỏ đất hoang, không làm ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa.
– Canh tác đúng kỹ thuật, thực hiện luân canh, tăng vụ để nâng cao hiệu quả sản xuất;
– Cải tạo, làm tăng độ màu mỡ của đất trồng lúa…
2. Mua đất trồng lúa để xây sẵn mộ cho dòng họ có được không?
Do đất trồng lúa thuộc nhóm đất nông nghiệp, trong khi đó việc xây mộ được thực hiện trên đất phi nông nghiệp. Do vậy, trường hợp sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích phi nông nghiệp phải thực hiện việc chuyển mục đích theo quy định.
Điều này đã được quy định cụ thể tại Điều 121 Luật Đất đai 2024 như sau:
Điều 121. Chuyển mục đích sử dụng đất
1. Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép bao gồm:
a) Chuyển đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang loại đất khác trong nhóm đất nông nghiệp;
b) Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp;
[…]
Ngoài ra, liên quan đến việc sử dụng đất để xây mộ, tại Điều 3 Nghị định 23/2016/NĐ-CP quy định:
– Tất cả các nghĩa trang, cơ sở hỏa táng phải được quy hoạch. Việc quy hoạch, đầu tư xây dựng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng tuân thủ pháp luật về quy hoạch, xây dựng, bảo vệ môi trường.
– Việc quản lý đất nghĩa trang, cơ sở hỏa táng phải tuân thủ theo pháp luật về đất đai, tiết kiệm và hiệu quả; bảo đảm an toàn, an ninh và vệ sinh môi trường.
– Khuyến khích đầu tư xây dựng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng phục vụ cho nhiều địa phương, sử dụng hình thức táng mới văn minh, hiện đại nhằm tiết kiệm tối đa đất, kinh phí xây dựng và đảm bảo yêu cầu môi trường và cảnh quan xung quanh…
Tóm lại, căn cứ theo các quy định nêu trên, khi mua đất nông nghiệp để xây mộ cho dòng họ phải thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất phi nông nghiệp và được sự cho phép của Ủy ban nhân dân cấp huyện/tỉnh. Đồng thời, việc xây dựng các phần mộ phải đảm bảo theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nghĩa trang.
Như vậy, nếu mua đất trồng lúa để xây mộ mà không chuyển đổi mục đích sử dụng đất và mảnh đất không nằm trong kế hoạch sử dụng đất nghĩa trang hoặc không được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì bị coi là vi phạm pháp luật.
3. Xử lý thế nào khi tự ý mua đất trồng lúa để xây mộ?
Trường hợp tự ý mua đất trồng lúa để xây mộ được xác định là sử dụng đất trồng lúa vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Theo Điều 11 Nghị định 123/2024/NĐ-CP, trường hợp trồng cây khác trên đất trồng lúa khi chưa có ý kiến đồng ý cho chuyển đổi của Ủy ban nhân dân cấp xã có thể bị xử phạt theo mức sau:
STT | Diện tích vi phạm | Mức phạt
(nếu thuộc cấp xã) |
Mức phạt
(nếu thuộc phường, thị trấn) |
1 | Dưới 0,02 héc ta | 10 – 20 triệu đồng | 20 – 40 triệu đồng |
2 | Từ 0,02 héc ta đến dưới 0,05 héc ta | 20 – 50 triệu đồng | 40 – 100 triệu đồng |
3 | Từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta | 50 – 100 triệu đồng | 100 – 200 triệu đồng |
4 | Từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta | 100 – 150 triệu đồng | 200 – 300 triệu đồng |
5 | Từ 0,5 héc ta trở lên | 150 – 200 triệu đồng | 300 – 400 triệu đồng |
Ngoài ra, cá nhân, hộ gia đình, tổ chức vi phạm còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như:
– Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm;
– Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.