Năm tôi lên bảy thì cha tôi lấy vợ

Năm tôi lên bảy thì cha tôi lấy vợ. Tôi nhớ mãi cái buổi chiều hôm ấy, ngõ nhà tôi đầy những vạt nắng hanh hao. Tôi được nghỉ học, các chú tôi bảo ở nhà ăn đám cưới của cha.

Cho dù còn quá bé không hiểu nhiều về chuyện gia đình. Nhưng như là linh cảm có một điều gì ghê gớm lắm sắp xảy ra. Cha tôi lấy vợ là điều làm cho tôi buồn và đau lòng nhất.

Chiều hôm ấy, mặc cho bọn trẻ con nô đùa nghịch ngợm vì lâu lắm chúng mới được gặp nhau. Mặc cho người lớn nhộn nhịp cỗ bàn và bận rộn nói cười. Tôi buồn bã leo lên chạc cây vải đổ ngang trên mặt ao, cứ nằm đó buồn rầu thổn thức.

Tôi lớn lên trong vòng tay cha và ông bà nội. Đến tận năm lên bảy tuổi tôi chưa biết mặt mẹ mình. Cha tôi bảo cha sinh ra tôi từ nách của cha. Người làng bảo tôi là đứa trẻ bị bỏ rơi khi vừa sinh ra. Ngày ấy cha tôi mới hăm hai tuổi, bộ đội phục viên, trên đường về thì cha nhặt được tôi mong manh bị bỏ lại ở bìa rừng…
Cha đưa tôi về uỷ ban xã nơi cha nhặt được tôi. Ban nọ bệ kia, người ta đùn đẩy nhau, cha thương đứa bé đỏ hỏn đã bị bỏ rơi. Rồi như là cái nợ, cha tôi đã để tôi lại ở đó và đi, nhưng đi được mấy km thì cha tôi lại ngược lại. Tầm gần sẩm chiều trong khi người ta bận họp. Tôi nằm một mình trong phòng trực ban vắng vẻ khóc lạc không thành tiếng. Sau hơn một ngày xã không tìm ra giải pháp, thế là cuối cùng cha đành bế tôi theo xe về xuôi.

Tôi cứ nhớ mãi buổi chiều hôm ấy, khi nắng đã thôi nghịch ngợm loi choi xiên qua tán lá cây vải, khi trong nhà tôi người ta bắt đầu ngồi cỗ và chúc tụng nhau. Tôi vẫn cứ nằm trên chạc cây vải nghiêng ra mé ao mà buồn bã. Tôi nghe tiếng cha tôi thảng thốt gọi tên tôi. Rồi bàn tay ấm áp của cha xoa nhẹ trên lưng, vuốt trên tóc tôi, người bảo: thôi nào, đừng giận cha, xuống cha cõng về ăn cơm nào con gái.

Tôi thổn thức ôm cổ cho cha ẵm xuống, biết bao lần cha vẫn làm thế mỗi lần cha đi vắng tôi buồn bã nhớ cha. Nhưng lần này thì khác, tôi nghĩ là sẽ rất khác. Tôi thổn thức nức nở nghẹn ngào nói trong nước mắt với cha: Vì sao cha lại lấy vợ? Sao cha không cứ ở vậy với con, cha con mình và ông bà nội sống cũng rất vui mà…

Cha tôi ấp tôi vào ngực, giống y như những lần cha đi làm lâu mới về từ thành phố. Tôi nghe tiếng đập từ tim cha trong lồng ngực, nghe cả tiếng giọt nước mắt cha tôi rơi nghiêng rất nhẹ trên tóc của tôi, chỉ có một giọt rơi trúng đỉnh đầu thì ngấm được vào da đầu tôi lành lạnh. Cha bảo: cha phải lấy vợ, vì người lớn thì phải có vợ có chồng mới thành một gia đình. Con cũng cần có mẹ dạy bảo con gái ạ. Khi nào lớn lên con sẽ hiểu cho cha…

Cô Loan là mẹ mới của tôi. Ánh mắt cô là cánh cổng sắt lạnh lẽo ngăn cách không cho tôi đến gần cha. Ôm cha và nũng nịu như ngày trước. Trước mặt mọi người, cô Loan xởi lởi và rất quan tâm đến tôi. Nhưng bằng trực giác đứa trẻ, tôi biết cô Loan ghét tôi, ghét cay ghét đắng.

Hai đứa em tôi lần lượt ra đời. Cha tôi làm công nhân trên tàu hút bùn nay đây mai đó. Tôi sống và lớn lên trong sự ghẻ lạnh của cô Loan. Có hôm mẹ Loan tôi vừa đi làm đồng về thấy mùi cám bén nồi, mẹ hét lạc giọng gọi tên tôi, tay vừa lăm lăm cầm cái đũa bếp guấy cám: Mai đâu, mày chết dấp chết dúi ở đâu không trông nồi cám, để bén khét nẹt thế này… dạ này, dạ này… mỗi tiếng dạ này, dạ này là kèm theo một cái đũa guấy cám quật xuống hai kheo chân tôi đau bỏng rát và quắn ruột lại. Thằng em trên lưng tôi cũng gào khóc theo tôi. Bà nội và hàng xóm ào sang qua bờ rào gỡ được chiếc đũa quấy cám từ tay mẹ tôi thì hai chân tôi chỗ đã dím máu chỗ thì đỏ bầm trầy xước.

Tôi sợ nhất là mỗi lần tôi không làm hết việc cô Loan lại doạ cho tôi nghỉ học. Một mình vừa kiếm rau cho đàn lợn dăm con, nấu cám, trông nồi rượu, trông em, tháo nước ruộng, nấu cơm chăn gà đủ việc.

Cha tôi thương tôi bằng tình thương xao lãng của người đàn ông luôn vắng nhà. Lâu lâu cha mới về nhà vài hôm vì tàu vào âu sửa chữa. Ông bà nội và những người hàng xóm cũng nói với cha về sự độc ác của mẹ đối với tôi. Cha có đôi lần hỏi khi hai cha con tôi chỉ có một mình. Tôi chẳng biết nói gì chỉ bấu vạt áo cha mà khóc. Tôi nghĩ suy cho cùng tôi cũng chỉ là gánh nặng mà đời này cha trót nhặt được rồi cũng vì cha tôi giàu lòng trắc ẩn mà phải cưu mang. Còn cô Loan với tôi thì chỉ là người dưng nước lã. Cô ghét tôi hơn người dưng bởi ngay từ trước khi yêu cô Loan, tình thương của cha đã chia phần cho tôi phân nửa. Rồi lại nặng gánh vì nhà phải thêm một miệng ăn. Điều ấy một người đàn bà không bao giờ họ thích.

Sau này tôi cật lực làm việc nhà để mẹ tôi không bắt tôi nghỉ học. Các bác hàng xóm bày cho tôi cách húi cám lợn và cơm rượu. Những nồi cám lợn to vật vã chỉ cần tôi đun sủi lên, quấy cám ngô phía trên xong rồi ủ lá tre hoặc rơm rạ trên vung và đốt. Đoạn rắc trấu vào để trấu ngún hàng giờ. Trong lúc húi cám tôi có thể làm đồng, lặn rau le, vớt bèo và trốn vào đâu đó học bài mà không bị đánh. Tôi học rất siêu và hiền lành nên bạn bè đều quí. Bọn bạn tôi như Chất Tháo, Hiền Giang, Kế Khói, Liên Lăng đều rất thương tôi. Lũ chúng nó dùng cả tuổi thơ để bắt cào cào châu chấu và nghịch ngợm vì nhà chúng đông anh chị em. Nên vài ba hôm chúng lại giúp tôi lặn rau le ở đầm Bang rồi đánh đống một chỗ cho tôi gánh về nhà dần. Phải nói rằng, trừ cô Loan ra thì tuổi thơ tôi nợ cả thế gian này những gánh nặng tình thương…

– Một lần thằng em thứ hai nhà tôi ốm sốt nhưng cô Loan vẫn phải chạy chợ và giao rượu bên nội thành. Cuối những năm tám mươi của thế kỷ trước nông thôn miền Bắc cuộc sống người dân còn chật vật lắm. Tôi học lớp sáu nên học chiều sáng ở nhà trông hai đứa, trông nồi rượu, cho lợn ăn và nấu cơm trưa. Tại nhiều việc quá nên tôi đành để thằng em nằm đó mà tất tả làm. Nó mới được hai mấy tháng, ốm nên đi bẩy chẩy. Nó ngủ dậy khát nước khóc chán không thấy ai bèn tụt xuống chạy ra cửa. Chẳng may nó ngã lộn cổ xuống sân vỡ máu mũi máu mồm. Tôi nghe tiếng nó khóc thất thanh mới chạy vào bồng nó lên dỗ dành rồi quên để nồi rượu quá nước. Bữa đó cô Loan về vừa xót thằng bé. Vừa ức vì nồi rượu nhạt nên cô đánh tôi túi bụi. Vừa đánh cô vừa gào khóc gọi tôi là đồ nặng nợ, quỉ ám nhà cô. Cô nhiếc móc chửi bới người đẻ ra tôi không nuôi không dưỡng lại đoạ vào nhà cô làm gánh nặng. Từng chiếc roi cô vun vút vụt khắp người tôi lằn ngang lằn dọc trên mặt trên lưng. Tôi cứ mặc kệ đứng yên cho cô đánh. Lúc ấy tôi chỉ mong cô Loan đánh nữa đánh mãi cho tôi chết đi, cho tôi không còn phải mở mắt nữa… tôi thấy mình hoá làm cánh cò bay ngang đồng chiều thấp thoáng lưng bông lúa cong cong… không còn gương mặt hầm hè của cô Loan. Không còn phải bế hai thằng em to như cối lỗ làm cạnh sườn tôi vẹo đi và chai sần toàn nốt mụn như người ta nổi gai ốc. Tôi thấy cha tôi ngồi bên tôi, vuốt tóc tôi, vỗ vỗ lưng tôi, cõng tôi và người hát cho tôi nghe như hồi chưa có cô Loan.
Trận đòn ấy cộng với những tháng ngày bế em và lao động quá sức khiến tôi ốm lay lắt mãi không khỏi. Người tôi vốn đã nhỏ bé nay ốm lại càng dính xuống giường.

Tôi còn nhớ như in buổi sẩm chiều hôm ấy. Khi tôi thấy mình như bỏng rát khắp người. Đầu tôi đau như có cả ngàn nhát búa bổ vào, miệng khô khốc khát bỏng cả họng …tôi mở mắt ra khi thấy nhà tôi đầy chật những người. Ông bà nội lay gọi tên tôi, trong ánh điện vàng vọt tôi thấy những gương mặt người nhập nhoà cứ to ra to ra như những cái bong bóng khổng lồ. Tôi mệt mỏi nhắm mắt thì có ai đó vạch mắt và dí tay vào lỗ mũi của tôi. Tôi thấy mình nhẹ bẫng, trôi trôi trong những bạt sáng tối màu tàn loang lổ.

Bà tôi kể lại khi tôi tỉnh lại ở trong bệnh viện. Nếu cha tôi về chậm nửa giờ nữa chắc là thần Chết đã kéo được tôi đi. Tôi sốt cao, kiệt sức và ngừng thở. Ông nội bàn tính đóng cho tôi một chiếc ván thì cha tôi kịp trở về. Người lao đến bên tôi, ẵm tôi lên hà hơi và đưa tôi vào bệnh viện. Người ta lôi tôi lại từ ngõ tử thần.
Những ngày ở bệnh viện là những ngày tôi thấy mình hạnh phúc nhất. Tôi lại được nắm lấy tay cha. Được cha vỗ về, thương yêu và an ủi. Cha tôi bảo hãy tha thứ cho cô Loan. Suy cho cùng cô cũng chỉ là một Người đàn bà hẹp lòng. Ai rồi cũng phải đi qua cái cửa nghiệp khổ ải của đời mình con ạ. Mẹ và con âu cũng là cái nợ duyên ở đời thì mới gặp nhau. Mẹ con suy cho cùng ra cũng chỉ là cái tính hẹp lòng nhỏ nhen của đàn bà. Sau này lớn lên con sẽ hiểu, khi con đi qua được cánh cửa lòng bé mọn này rồi thì con sẽ có sức đi qua mọi nỗi khổ khác một cách bình thản và nhẹ nhàng hơn.

Sau đận ấy tôi bắt đầu được bình yên và bà tôi bảo tôi lớn nhanh như cỏ dại. Thanh xuân với tôi dịu dàng và ngọt ngào như hương bưởi sau nhà.

Tôi lớn lên trong sự ấm áp của bà và ánh mắt quản của cha. Cô Loan chưa từng thương tôi nhưng cũng không còn hằn học và đánh mắng. Tôi ra đời, đi làm và viết văn . Người yêu đầu tiên cũng là chồng tôi sau này là anh hàng xóm. Người bao lần gánh rạ gánh lúa thay tôi. Người đã lặn lội lên tận công ty nhờ người gọi cha tôi về khi tôi ốm nặng. Nếu không có người ấy và cha chắc tôi đã xanh cỏ lâu rồi.

Tôi nợ thế gian này ngàn vạn những thương yêu bởi đã tặng tôi một người cha mà tôi thương yêu hết mực. Một người đàn ông mà tôi gọi là chồng cũng hết mực yêu tôi. Người chịu đựng và cảm thông với những bông lông biêng liêng của kẻ luôn khao khát viết lại những phút giây, những câu chuyện cuộc sống này bằng những câu chuyện không đầu cuối.

Sau này cha tôi về già. Hai em tôi lấy vợ. Cô Loan không hợp và không chịu được cách sống của các nàng dâu. Cô về ở với vợ chồng tôi trong căn nhà rất rộng nơi phố huyện đông đúc. Các con tôi gọi cô Loan là bà ngoại. Chồng tôi gọi cô là mẹ. Trong sâu thẳm hồn mình. Tôi đã quên những trận đòn nhưng cũng vẫn chỉ gọi được hai tiếng: Cô Loan.