Gần một năm trở lại đây, người phụ nữ chỉ ngủ 1-2 tiếng/ngày, trằn trọc không sâu giấc, phải nhập viện tâm thần.
Người phụ nữ này 40 tuổi, quê Hải Phòng, làm nghề giáo viên, thường ngày sống nội tâm, cầu toàn, cuộc sống gia đình bình thường. Việc mất ngủ thường xuyên khiến chị uể oải, buồn ngủ, đau đầu, không tập trung vào công việc, dễ nổi cáu vô cớ, ăn kém ngon miệng, sụt 2 kg trong 2 tháng.
Sau khi đi khám và uống thuốc ở cơ sở y tế địa phương không đỡ, chị lên tuyến trung ương. Kết quả thăm khám cho thấy chị mắc chứng rối loạn giấc ngủ, phải nhập viện điều trị.
Sau 7 ngày dùng thuốc kết hợp với liệu pháp thư giãn luyện tập, vệ sinh giấc ngủ, trị liệu tâm lý, tình trạng của bệnh nhân cải thiện, mỗi tối ngủ được 5-6 tiếng, ngủ sâu giấc hơn.
Theo BSCKII. Đoàn Thị Huệ, Phó Trưởng phòng Rối loạn tâm thần người già và Y học giấc ngủ (M8), Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, thực tế tiếp nhận người đến khám cho thấy trên 50% có vấn đề rối loạn giấc ngủ. “Mất ngủ làm trầm trọng thêm chứng trầm cảm hoặc lo âu và ngược lại. Người mất ngủ có nguy cơ trầm cảm gấp 4 lần so với người không mất ngủ”, bác sĩ Huệ nói.
Rối loạn giấc ngủ là tình trạng rối loạn liên quan đến các vấn đề về chất lượng, thời gian và số lượng giấc ngủ khiến người bệnh bị mệt mỏi vào ban ngày và suy giảm chức năng học tập, làm việc và xã hội. Có nhiều rối loạn giấc ngủ khác nhau, trong đó mất ngủ là phổ biến nhất.
Các nghiên cứu cho thấy những năm gần đây, khoảng 80% bệnh nhân đến khám được phát hiện rối loạn giấc ngủ liên quan tới căng thẳng trong cuộc sống như mất ngủ, rối loạn nhịp thức ngủ, ác mộng. Trong đó, 5% – 6,7% mất ngủ nặng có trầm cảm, lo âu.
Nguyên nhân của mất ngủ có thể liên quan đến nhiều vấn đề bệnh lý mạn tính, như bệnh tim và tiểu đường. Đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề bệnh thể chất hoặc các bệnh lý hệ thần kinh, như suy tim sung huyết, viêm xương khớp và bệnh Parkinson. Ngoài ra, một số bệnh nhân mất ngủ do sử dụng thuốc hay các tác nhân khác như rượu, caffeine, theobromine, methyl xanthenes.
Đáng lo ngại là tình trạng rối loạn giấc ngủ đồng bệnh lý với rối loạn tâm thần. 35% bệnh nhân rối loạn mất ngủ có một rối loạn tâm thần và một nửa trong số đó là rối loạn cảm xúc.
Để điều trị rối loạn giấc ngủ, bệnh nhân cần được hướng dẫn về thói quen ngủ lành mạnh, tạo thói quen ngủ đúng quy tắc. Bên cạnh đó, thực hiện chế độ sinh hoạt lành mạnh, kết hợp thể dục, tránh sử dụng các chất kích thích