Bị liệt một chân và chỉ mới học đến lớp 7, nhưng gần 30 năm nay ông Đặng Tiến Dũng (66 tuổi, ở thôn 5, xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) mở lớp dạy học, giúp nhiều thế hệ học sinh thi đậu đại học, học sinh giỏi các cấp…
Ông đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Vượt lên số phận
Vừa đặt chân tới gần cổng nhà, chúng tôi đã nghe tiếng ông Dũng giảng bài. Lớp học được tận dụng bên cạnh vách nhà, trong lớp có 2 chiếc bảng lớn cùng một số bộ bàn ghế cũ và quạt máy. Sau giờ đứng lớp, ông Dũng nở nụ cười hiền, cho biết: “Dạy học đã gắn bó với tôi như máu thịt, không dứt được. Ngày nào vắng học sinh là tôi thấy buồn và nhớ các em vô cùng. Học sinh của tôi nhiều lắm, từ lớp tiểu học cho tới THPT, ôn thi đại học. Các em đến từ nhiều vùng quê khác nhau trong tỉnh và tôi xem như con cháu trong nhà nên tận tâm dạy không chỉ kiến thức mà còn cả văn hóa, đạo đức, lối sống tích cực”.
Ông Dũng sinh ra bình thường nhưng khi lên 6 tuổi do bị sốt ác tính khiến tay chân tê liệt. Sau nhiều năm điều trị, 2 tay và chân trái được chữa lành còn chân phải teo cơ, bị liệt. Thương con, bố mẹ Dũng thay nhau cõng con tới trường, rồi cõng về nhà trên quãng đường hơn 3km.
Để cậu tập đứng và di chuyển, gia đình làm 1 xe đẩy có bánh lăn cho Dũng ôm bám vào. Nhiều lần bạn bè đến nhà cõng Dũng đi chơi nhưng do sức yếu, các bạn chỉ cõng được một quãng, sau đó thả bạn xuống đất rồi dìu dắt đi theo, nhờ vậy cậu khập khiễng tập đi.
Từ năm 14 tuổi, cậu bé Dũng đã tự khập khiễng đi lại, nhưng phải dùng tay giữ khớp gối chân bị liệt để làm trụ đỡ, nếu buông tay là ngã. Với ý chí tập luyện, ông Dũng đã tự đi xe đạp năm 18 tuổi, đi xe máy năm 40 tuổi và lái ô tô năm 57 tuổi.
Ông Dũng kể, do sức khỏe yếu nên ông chỉ học đến lớp 7. Năm 17-19 tuổi, ông làm Bí thư liên chi đoàn thôn, Phó Bí thư đoàn xã, kế toán xã. Nhờ trí nhớ tốt, tính toán nhanh, ông được điều làm Tổ trưởng Nội nghiệp Đoàn đo đạc 299 huyện Hương Khê. Hơn 10 năm công tác, nhận thấy bản thân không có bằng cấp, gia đình khó khăn nên ông xin nghỉ việc. Để mưu sinh, ông mở quán tạp hóa, sửa xe đạp, xe máy và làm thợ mộc. Ông lập gia đình năm 28 tuổi và có 5 người con, hiện đều là giảng viên, giáo viên, kỹ sư… làm việc ở xa quê.
Bán bò… mua bảng
Nói về cơ duyên thành ông giáo làng, ông Dũng tâm sự: “Ngày đó các con ngồi học bài, tôi ngồi cạnh động viên, kèm con học; đồng thời tôi cũng tự học trong sách vở và học cùng con. Khi con đầu học hết cấp 3 thì tôi đã tích lũy được kiến thức hết cấp 3. Sau đó, bạn bè của các con tới nhà chơi, thấy tôi dạy học dễ hiểu, tiếp thu nhanh, tiến bộ từng ngày nên chúng nói với bố mẹ xin tới nhà để được tôi dạy. Từ đó nghề dạy học đã gắn bó vào cuộc đời tôi”.
Năm 1994, nhiều học sinh thi chuyển cấp THPT không đậu đã tới nhà xin ông Dũng phụ đạo, ông đồng ý nhận dạy miễn phí. Ban ngày ông dạy các em học nghề, buổi tối ông ôn luyện kiến thức cho các em. “Lứa học sinh đầu tiên được tôi dạy có khoảng 30 em và đều thi đậu THPT. Sau đó, những em này tiếp tục quay lại nhờ tôi dạy học thêm và học lên cao. Nhiều em ra trường làm việc trong quân đội, công an, ngân hàng, các cơ quan nhà nước”, ông Dũng tự hào.
Tiếng lành đồn xa, những năm tiếp theo có hàng trăm học sinh đến nhà nhờ ông Dũng ôn luyện. Để ông chuyên tâm dạy học và để đền đáp công ơn của ông, nhiều phụ huynh tự nguyện đến làm ruộng và thu hoạch lúa giúp ông.
Trước đây, ông dạy học miễn phí nhưng sau nhiều lần được phụ huynh góp ý, ông thu 10.000-20.000 đồng/học sinh/buổi học. Học sinh là con, cháu gia đình chính sách, hoàn cảnh khó khăn, tàn tật, mồ côi đều được ông dạy miễn phí. Ngoài ra, mỗi năm có hàng chục em được ông cho ăn ở tại nhà miễn phí. Nhiều học sinh không có phương tiện đi lại, ông cho mượn xe đạp, khi hỏng ông lại sửa.
Để dạy học tốt hơn, ông Dũng bàn với vợ con bán 2 con bò mua 2 chiếc bảng lớn (hơn 5 triệu đồng/bảng) và một số quạt máy, bình nước, máy nổ. Ông Dũng cho biết, ông chủ yếu dạy môn Toán và Ngữ văn, nhiều lần ông định thuê thêm giáo viên nhưng học sinh không đồng ý.
Đến nay, đã có hàng trăm học sinh được ông kèm cặp ôn luyện thi đậu THPT, đại học, học sinh giỏi các cấp. Vào dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam, lễ tết, nhiều em đến nhà bày tỏ tình cảm, tri ân ông.
Thậm chí, khi bố của ông qua đời, có khoảng 30 học sinh đến nhà xin buộc khăn chịu tang. Cảm động nhất, có em ở xa về không kịp, bố lên xin khăn buộc thay và đến tối khi con về đến nơi thì trao lại cho con.
“Chừng nào còn sức khỏe và còn duyên với học trò là tôi còn tiếp tục dạy học. Thấy nhiều học sinh học giỏi, đỗ đạt, trưởng thành, có đạo đức tốt là tôi càng vui và hạnh phúc. Tôi đang ấp ủ sẽ nâng cấp lớp học và mở thêm lớp dạy học bơi miễn phí để giúp các em phòng chống nguy cơ tai nạn đuối nước”, ông Dũng chia sẻ về dự định sắp tới.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh cho biết, ông Đặng Tiến Dũng là tấm gương điển hình có nhiều đóng góp cho xã hội, đi đầu tham gia các phong trào hoạt động ở địa phương.
Sắp tới, địa phương có kế hoạch đưa ông Dũng làm Hội trưởng Hội Khuyến học xã. Thông qua ông, hội sẽ tập hợp, hỗ trợ, giúp đỡ được nhiều con em trên địa bàn.
Ghi nhận những nỗ lực vượt khó, cống hiến xã hội, tháng 12-2010, ông Đặng Tiến Dũng vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì đã có thành tích trong thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” từ năm 2007 đến năm 2010.
Ông còn được Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, các cơ quan, tổ chức hội từ Trung ương tới địa phương tặng nhiều bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.