Đất trồng cây hàng năm và đất trồng cây lâu năm đều thuộc nhóm đất nông nghiệp. Tuy nhiên mục đích sử dụng của hai loại đất này được quy định khác nhau. Cùng đọc bài viết dưới đây của LuatVietnam để tìm hiểu những điểm khác biệt của đất trồng cây hàng năm và đất trồng cây lâu năm.
1. Đất trồng cây hàng năm là gì? Đất trồng cây lâu năm là gì?
Hiện nay, Thông tư 08/2024/TT-BTNMT không còn định nghĩa cụ thể đất trồng cây hằng năm là gì ngoài quy định ký hiệu của loại đất này là CHN.
Tuy nhiên, trước đó, đất trồng cây hàng năm và đất trồng cây lâu năm đều là các loại đất thuộc nhóm đất nông nghiệp. Theo phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư 27/2018/TT-BTNMT giải thích về các loại đất này như sau:
– Đất trồng cây hàng năm: Là đất sử dụng vào mục đích trồng các loại cây được gieo trồng, cho thu hoạch và kết thúc chu kỳ sản xuất trong thời gian không quá 01 năm, kể cả cây hàng năm được lưu gốc để thu hoạch trong thời gian không quá 05 năm và cây hàng năm theo chế độ canh tác không thường xuyên theo chu kỳ.
Đất trồng cây hàng năm bao gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác.
– Đất trồng cây lâu năm: Là đất sử dụng vào mục đích trồng các loại cây được trồng một lần, sinh trưởng và cho thu hoạch trong nhiều năm.
2. Phân biệt đất trồng cây hàng năm và đất trồng cây lâu năm
Dưới đây là một số tiêu chí cơ bản để phân biệt đất trồng cây hàng năm và đất trồng cây lâu năm:
STT |
Tiêu chí |
Đất trồng cây hàng năm |
Đất trồng cây lâu năm |
1 | Ký hiệu | CHN | CLN |
2 | Mục đích sử dụng | Dùng để trồng các loại cây được gieo trồng, cho thu hoạch và kết thúc chu kỳ sản xuất trong thời gian tối đa 01 năm | Dùng để trồng các loại cây được trồng một lần, sinh trưởng và cho thu hoạch trong nhiều năm |
3 | Phân loại | Gồm:
– Đất trồng lúa: Là ruộng và nương rẫy trồng lúa từ một vụ trở lên hoặc trồng lúa kết hợp với các mục đích sử dụng đất khác được pháp luật cho phép nhưng trồng lúa là chính và trường hợp chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa. Đất trồng lúa bao gồm đất chuyên trồng lúa nước, đất trồng lúa nước còn lại, đất trồng lúa nương. – Đất trồng cây hàng năm khác: Là đất trồng các cây hàng năm không phải là trồng lúa, như các loại cây rau, màu. Kể cả cây dược liệu, gai, đay, mía, cói, sả, dâu tằm và đất trồng cỏ hoặc cỏ tự nhiên có cải tạo để chăn nuôi gia súc. Đất trồng cây hàng năm khác bao gồm đất bằng trồng cây hàng năm khác và đất nương rẫy trồng cây hàng năm khác.
|
Gồm:
– Cây công nghiệp lâu năm: Là cây lâu năm cho sản phẩm dùng làm nguyên liệu để sản xuất công nghiệp hoặc phải qua chế biến mới sử dụng được như: Cây cao su, chè, ca cao, điều, cà phê, hồ tiêu, dừa,… – Cây ăn quả lâu năm: Là cây lâu năm cho sản phẩm là quả để ăn tươi hoặc kết hợp chế biến như: Cây bưởi, cam, chôm chôm, mận, mơ, măng cụt, sầu riêng, xoài, vải, nhãn,… – Cây dược liệu lâu năm: Là cây lâu năm cho sản phẩm làm dược liệu như: Long não, sâm, hồi, quế, đỗ trọng,… – Các loại cây lâu năm khác: là các loại cây lâu năm để lấy gỗ, làm bóng mát, tạo cảnh quan như: Keo, xà cừ, hoa sữa, cây xoan, bạch đàn, bụt mọc, lộc vừng,… Kể cả trường hợp trồng hỗn hợp nhiều loại cây lâu năm khác nhau hoặc có xen lẫn cây lâu năm và cây hàng năm.
|
3. Có được trồng cây lâu năm trên đất trồng cây hàng năm không?
Tại điểm a khoản 1 Điều 9 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:
a) Đất trồng cây hằng năm, gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hằng năm khác;
Căn cứ theo quy định trên, đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác thuộc nhóm đất trồng cây hàng năm. Khi đó:
– Trường hợp chuyển từ đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm: Phải xin phép Ủy ban nhân dân cấp tỉnh/huyện (khoản 1 Điều 121 Luật Đất đai 2024).
– Trường hợp chuyển từ đất trồng cây hàng năm khác sang đất trồng cây lâu năm: Không phải xin phép Ủy ban nhân dân cấp tỉnh/huyện nhưng phải thực hiện thủ tục đăng ký biến động.
Tóm lại, người dân không được tự ý trồng cây lâu năm trên đất trồng cây hàng năm khi chưa chuyển mục đích sử dụng đất. Trường hợp trồng cây lâu năm trên đất trồng lúa còn cần phải được sự cho phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh/huyện.