Giấy phép lái xe là loại giấy tờ không thể thiếu khi tham gia giao thông, trường hợp không mang giấy phép lái xe có thể bị phạt rất nặng. Dưới đây là bài viết về mức phạt lỗi không có giấy phép lái xe hạng A1 mới nhất năm 2024.
1. Giấy phép lái xe hạng A1 là gì?
Căn cứ theo Điều 59 Luật Giao thông đường bộ 2008 và Điều 16 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định giấy phép lái xe hạng A1 được cấp cho:
– Người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 đến dưới 175 cm3;
– Người khuyết tật điều khiển xe mô tô ba bánh dùng cho người khuyết tật.
Như vậy, theo quy định nêu trên giấy phép lái xe hạng A1 là giấy phép được cấp cho người điều khiển xe mô tô hai bánh hoặc mô tô ba bánh dùng cho người khuyết tật có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 đến dưới 175 cm3.
2. Mức phạt lỗi không có giấy phép lái xe hạng A1 mới nhất năm 2024
– Mức phạt lỗi không có giấy phép lái xe hạng A1
Theo điểm a khoản 5 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự xe mô tô mà không có giấy phép lái xe thì bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
– Mức phạt lỗi có những không mang theo giấy phép lái xe hạng A1
Người điều khiển xe mô tô (xe máy) và các loại xe tương tự xe mô tô không mang theo giấy phép lái xe thì bị phạt phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.
(Điểm c khoản 2 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP))
Bên cạnh đó, theo quy định tại điểm a khoản 24 Điều 4 Thông tư 05/2024/TT-BGTVT thì thông tin giấy phép lái xe đã được xác thực trên ứng dụng VneID là giấy phép lái xe hợp lệ bên cạnh giấy phép lái xe làm bằng vật liệu PET do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có quy định cụ thể nào về GPLX đã được xác thực trên VneID có giá trị thay thế GPLX bản giấy. Do đó, người dân vẫn phải mang theo GPLX bản giấy để xuất trình khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.
3. Điều kiện thi giấy phép lái xe hạng A1
Điều kiện thi giấy phép lái xe hạng A1 bao gồm:
– Là công dân Việt Nam, người nước ngoài được phép cư trú hoặc đang làm việc, học tập tại Việt Nam;
– Đủ tuổi (tính đến ngày dự sát hạch lái xe): người từ đủ 18 tuổi trở lên được thi giấy phép lái xe A1;
– Đảm bảo sức khỏe theo quy định: Người có một trong các tình trạng bệnh, tật theo quy định tại Phụ lục 1 Thông tư liên tịch 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT thì không đủ điều kiện để lái xe theo các hạng xe tương ứng.
– Có trình độ văn hóa theo quy định.
(điểm b khoản 1 Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008, Điều 7 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT)
4. Hồ sơ đăng ký dự thi giấy phép lái xe A1
Người học lái xe lần đầu lập 01 bộ hồ sơ, nộp trực tiếp tại cơ sở đào tạo. Hồ sơ bao gồm:
(1) Đơn đề nghị học, sát hạch để cấp giấy phép lái xe theo mẫu quy định tại Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư 12/2017/BGTVT;
(2) Bản sao thẻ tạm trú hoặc thẻ thường trú hoặc chứng minh thư ngoại giao hoặc chứng minh thư công vụ đối với người nước ngoài;
(3) Giấy khám sức khỏe của người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định.
Trường hợp, người dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt học lái xe mô tô hạng A1, ập 01 bộ hồ sơ, nộp trực tiếp tại cơ sở đào tạo. Hồ sơ bao gồm giấy tờ quy định tại điểm (3).
(Điều 9 Thông tư 12/2017/BGTVT (sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 05/2024/TT-BGTVT)