Hẳn bạn đang nghĩ đóng nắp bồn cầu khi xả nước giúp tránh vi khuẩn lây lan trong nhà vệ sinh, nhà tắm… Nghiên cứu mới đây tiết lộ sự thật khủng khiếp hơn nhiều.
Đóng nắp bồn cầu trước khi xả nước là lời khuyên vệ sinh quen thuộc nhưng không phải ai cũng tuân thủ. Liệu việc này có thực sự hiệu quả trong việc ngăn ngừa lây bệnh, và có những nguy cơ tiềm ẩn nào khi sử dụng nhà vệ sinh công cộng?
Đóng nắp bồn cầu: Lợi ích và hạn chế
Một nghiên cứu năm 2022 của Đại học Colorado (Boulder, Mỹ) đã chứng minh hiện tượng bụi nước chứa chất thải bắn ra từ bồn cầu khi xả nước. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng tia laser để quan sát hiện tượng này. Họ phát hiện, bụi nước có thể bắn cao tới 1,5m trong vòng 8 giây và lan ra theo chiều ngang.
Điều này đặc biệt đáng lo ngại khi người sử dụng trước đó mắc các bệnh truyền nhiễm cao như norovirus hoặc bệnh tay chân miệng, có thể lây lan qua phân cũng như các hình thức khác. Vào thời tiết giao mùa, khi nhiều bệnh dịch hoành hành, việc cẩn trọng phòng tránh lại càng quan trọng hơn bao giờ hết.
GS vi sinh lâm sàng Primrose Freestone (Đại học Leicester, Anh) cho biết: “Khi bạn xả nước, dấu vết của bất cứ thứ gì thải vào bồn cầu sẽ xuất hiện trong bụi nước được tạo ra cùng với nước xả. Phân người có thể mang theo một loạt các mầm bệnh tiềm ẩn có thể lây truyền: Vi khuẩn Campylobacter, Candida, Cryptosporidium, Enterococcus, Escherichia coli, Salmonella, Shigella, Staphylococcus, Streptococcus và Yersinia – cũng như các loại virus như norovirus, rotavirus, viêm gan A và E, Covid-19”.
Nghiên cứu của Đại học Colorado (Mỹ), được công bố trên Tạp chí Scientific Reports, không kiểm tra mức độ giảm của bụi nước khi đóng nắp bồn cầu trước khi xả. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới cho thấy, ngay cả khi đóng nắp cũng không giải quyết được tất cả các vấn đề về mầm bệnh. Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Kiểm soát Nhiễm trùng của Đại học Arizona (Mỹ) cho thấy, việc đóng nắp bồn cầu làm giảm bụi nước nhưng không ngăn ngừa đáng kể ô nhiễm các khu vực xung quanh bồn cầu.
Không có gì ngạc nhiên khi nắp và bệ bồn cầu là những khu vực bị ô nhiễm nhất trong mọi trường hợp. Tuy nhiên, cũng có một số tình trạng ô nhiễm được nhìn thấy trên tường và sàn nhà.
GS Freestone nói: “Nguy cơ nhiễm trùng sẽ giảm bằng cách đóng nắp bồn cầu vì quỹ đạo phun từ nước xả giảm. Nhưng sau đó, bạn có một nắp bồn cầu bị ô nhiễm nghiêm trọng cần làm sạch.
Vì vậy, hãy lau nắp bằng khăn giấy, sau đó xịt bằng thuốc xịt khử trùng bề mặt hoặc thuốc tẩy và để khô tự nhiên. Khi bạn đang vệ sinh nắp bồn cầu, việc vệ sinh bệ ngồi và tay cầm xả nước cũng là một ý kiến hay. Và sau đó, hãy rửa tay kỹ lưỡng”.
Rửa tay – Biện pháp quan trọng nhất để phòng tránh bệnh lây nhiễm
Nhưng ngay cả khi bạn không thực hiện được tất cả những điều này, thì hướng dẫn cuối cùng – rửa tay – mới là chìa khóa. Xét cho cùng, chưa có nghiên cứu nào chứng minh được rằng những luồng bụi nước này chắc chắn có thể dẫn đến nhiễm trùng.
GS Freestone cho biết, liều lượng mầm bệnh trong phân – số lượng tế bào mầm bệnh – mới quyết định liệu có nhiễm trùng hay không. Mặc dù “ô nhiễm chất thải trong môi trường (gọi là nước thải) được coi là nguồn lây nhiễm chính cho con người”, nhưng không rõ liệu có đủ bất kỳ mầm bệnh nào được đẩy ra từ bồn cầu xả nước để gây bệnh hay không. Thay vào đó, nhiễm trùng “thường đến từ việc ăn thực phẩm bị ô nhiễm hoặc đưa vi khuẩn từ tay lên miệng do phân nhiễm vào tay, thực phẩm và đồ vật hoặc bề mặt”, GS Freestone giải thích.
Chính bàn tay bẩn lây lan ô nhiễm sang các bề mặt và những bàn tay khác sau đó sẽ nhiễm vi khuẩn hoặc vi-rút, rồi đưa chúng vào miệng hoặc mắt (khi chúng ta dụi mắt). GS Freestone cảnh báo: “Rửa tay rất quan trọng để tăng cường miễn dịch, chống lại mầm bệnh nhưng không phải ai cũng rửa tay đúng cách sau khi đi vệ sinh. Vì vậy, bất cứ thứ gì bàn tay chưa rửa chạm vào đều có thể bị nhiễm phân”. Vì vậy, tại nhà, hãy vệ sinh tất cả các bề mặt trong phòng tắm thường xuyên bằng chất khử trùng và luôn chú trọng đến việc vệ sinh tay để tránh lây nhiễm cho chính mình.